"Ông già ôzôn" muốn gặp người chửi mắng, đòi đánh thầy Khoa

Hải Nguyên |

(Soha.vn) - "Ông già Ôzôn" muốn gặp người đã viết status “chửi mắng, đòi đánh thầy Khoa” để nói với người đó rằng: Tôi quyết tâm không để người viết đó làm hỏng thế hệ trẻ.

Công khai những “chứng cứ” để đấu tranh chống tiêu cực trong thi cử, nhưng hành động đó của thầy Đỗ Việt Khoa trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã đứng trước “cuộc chiến” giữa một bên là những người đồng tình và một bên là phản ứng mạnh mẽ với những lời lẽ không được khiếm nhã.

Những hình ảnh học sinh bàn trên, quay xuống bàn dưới được thầy Khoa ghi lại ở Hòa Bình.

Xuất thân trong gia đình mà 6 đời đều làm nhà giáo, trong đó có một tiến sĩ được ghi danh trên bia đá trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, cả một đời nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải, người được gọi bằng cái tên “Ông già Ôzôn” đã nhấn mạnh khi nhắc tới hành động của thầy Khoa: “Đó là hành động đúng. Trong giáo dục ngày nay, chúng ta cần nhiều thầy Khoa”.

TS Vật lý Nguyễn Văn Khải

Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải

Trước khi bàn về “cuộc chiến” ngôn ngữ giữa một bên là những người ủng hộ thầy Khoa và một bên là dùng lời lẽ khiếm nhã để bác bỏ lại hành động của thầy Khoa, TS Nguyễn Văn Khải kể chúng tôi nghe câu chuyện về một người học trò của mình.

“Tháng 5 năm 1969, tôi cho con trai của gia đình mà tôi đang trọ 2 điểm tổng kết. Nhiều người mắng tôi. Nhưng tôi bảo không có gì cả. Nó học thế nào tôi đánh giá đúng như thế. Tôi mang ơn nó tôi phải làm nó chăm học, thích học. Tôi không làm được, tôi phải thú nhận sai lầm của tôi. Ngày 15/8, cậu học trò ấy thi lại được điểm 3. Nhưng sau đó thi vào đại học được thủ khoa. Vì từ tháng 5 đến tháng 8 nó không kịp học nên chỉ được điểm 2 lên điểm 3. Nhưng năm sau và năm sau nữa nó thi vào đại học, nó đã có một năm trời để ôn lại kiến thức và nó đã trở thành thủ khoa của trường đại học sư phạm. Nhiều người mắng tôi nhưng giờ tôi có một học trò đang dậy trường chuyên, học trò mà ngày xưa tôi cho 2 điểm tổng kết”.

Theo TS Khải, việc “nữ sinh chửi mắng, đòi đánh thầy Khoa vì chống tiêu cực” là sai. Bởi lẽ, học sinh không có trình độ mà để đỗ tốt nghiệp là sai, là “giết” học trò, là thảm họa.

“Những người chửi mắng thầy Khoa và ủng hộ dùng "phao" trong thi cử là những người “đạo đức giả”, không suy nghĩ khi phát ngôn, thể hiện mình không có kiến thức cuộc sống và không hiểu thế nào là tốt là xấu. Bởi lẽ, hiện tượng "quay cop" là thể hiện đạo đức, học lực kém. Nếu giỏi thì tại sao học sinh phải đi "quay cop"? Và tại sao chúng ta phải nhân nhượng? Học trò không đủ trình độ cấp 3 tại sao lại cấp cho cái bằng cấp 3?”, TS Khải đặt ra hàng loạt câu hỏi.

TS Khải cũng đưa ra quan điểm muốn được gặp người đã viết status “chửi mắng, đòi đánh thầy Khoa vì chống tiêu cực” để nói với người đó rằng: Tôi quyết tâm không để người viết đó làm hỏng thế hệ trẻ. Và tự người đó phải rút kinh nghiệm sâu sắc sau những phát ngôn của mình.

“Nhưng cũng may là họ đã nói ra để người khác phê bình giúp họ biết những gì họ nói là sai. Còn không nói mới là nguy hiểm”, TS Khải nói thêm.

TS Khải cũng nhấn mạnh thêm xung quanh việc học trò dùng "phao" trong quá trình thi cử: “Gian dối từ việc học bình thường thì dẫn tới việc to cũng gian dối. Những sai sót của học sinh như hạt đỗ hỏng. Rất nhiều hạt đỗ bị hỏng thì sẽ có một đống đỗ bị hỏng, cho nên phải rèn từ nhỏ”, lời TS Khải.

Hiện nay, tại nhà của TS Khải có rất nhiều sinh viên đại học, thậm chí là sinh viên đại học Ngoại thương, Sân khấu Điện ảnh, sinh viên khoa tiếng Pháp… cũng tới học lại chương trình vật lý lớp 9, lớp 10.

“Và chúng ta một lần nữa hãy đặt ra câu hỏi: Tại sao những sinh viên ấy lại đi học lại chương trình vật lý lớp 9, lớp 10?”, TS Khải nhấn mạnh.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại