"Ông già Ôzôn": Đại tướng ra đi, "di sản" để lại là 5 người con

Phương Nhi |

(Soha.vn) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ra đi nhưng di sản bác để lại là 5 người con – những "kiệt tác" mà cả đời Người nâng niu, nuôi dưỡng để hiến dâng cho xã hội.

LTS: Trong cuộc đời làm khoa học và giảng dạy của mình, TS Vật lý Nguyễn Văn Khải (Giám đốc Trung tâm Tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hoá điện hoá) không bao giờ quên lời dạy và kỳ vọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho mình. Khi biết được tin Đại tướng qua đời, TS. Khải không cầm được nước mắt, niềm xúc động dâng trào, ngay 5 giờ sáng ngày hôm sau, ông đã dậy sớm thắp hương kính cẩn vong linh Đại tướng tại nhà riêng.

Báo điện tử Trí thức trẻ xin gửi tới độc giả những tâm sự chân thành nhất của một người thầy giáo, một nhà khoa học – đã nhiều lần được trực tiếp gặp gỡ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Có thể nói, trong 100 vị tướng nổi tiếng của nhân loại và trong 21 vị tướng từ sau thế chiến lần thứ hai (tức sau năm 1945), có lẽ hình như chỉ có mỗi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là giáo viên. Chính vì là giáo viên cho nên phong cách của Đại tướng cũng khác hẳn.

Cái khó nhất của người làm tướng là nói thế nào để quân sỹ theo, cái khó nhất của người làm thầy là làm sao học trò nghe và cảm thấy khâm phục.

Đối với bất kỳ ai, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi nói, đều nói ngắn gọn, rõ ràng, rất thuyết phục và đầy tính triết lý. Chất nhân văn thể hiện ở trong đó, bởi vì thầy Giáp không bắt học trò gượng ép làm theo ý mình mà tạo cho học sinh sự hứng thú và tự nguyện làm theo ý thầy. Đây là điều đặc biệt nhất mà tôi phát hiện ra ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ thể là những lần gặp ông Giáp, tôi đều nhận thấy điều đó.

Lần cuối cùng tôi gặp Đại tướng là vào ngày kỷ niệm tại trường tiểu học Thăng Long (nơi Đại tướng dạy học ngày xưa) ở cuối thế kỷ trước. Khi ngành giáo dục thay đổi bảng viết cho học sinh, tôi đến trường Thăng Long để lắp bảng màu xanh không lóa, hôm đó, Đại tướng cũng đến và cho ý kiến. Đại tướng bảo: “Ngày xưa tôi đi học là bảng đen phấn trắng, bây giờ trẻ con đi học bảng xanh không lóa vì ngày xưa chưa có tiến sĩ quang học”. Từ đó, tôi luôn tâm niệm, mình phải giữ trọn lời hứa mà một người rất được cả thế giới kính trọng đã nhắc nhở mình.

Thầy Giáp không bắt học trò gượng ép làm theo ý mình mà tạo cho học sinh sự hứng thú và tự nguyện làm theo ý thầy.
Thầy Giáp không bắt học trò gượng ép làm theo ý mình mà tạo cho học sinh sự hứng thú và tự nguyện làm theo ý thầy.

Điều thứ hai, tôi thấy cái “cực tài” của Đại tướng Võ Nguyên giáp nằm ở chỗ: Thầy không rập khuôn theo cách dạy trong sách vở mà luôn tìm ra phương pháp, lối đi mới.

Ví dụ, tất cả các thầy cô giáo khi dạy Vật Lý cho học sinh lớp 6 đều vào đề giống như sách giáo khoa - điều đó là không nên. Cái hay nhất ở Đại tướng Giáp mà tôi học được đó là lấy ví dụ trong cuộc sống để mình họa, trang bị cái lõi kiến thức cho học trò. Ngoài ra, phải làm sao giữ hứng thú cho học trò.

Ở ngoài trận chiến, vị Tổng tư lệnh của Quân đội nhân dân VN cũng áp dụng rất rõ điều này.

Trong chiến dịch Điện Biên, Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã có một quyết định cực kỳ quan trọng, dẫn đến chiến thắng hoàn toàn cho quân đội Việt Nam, là chuyển từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc".

Tướng Giáp đã có câu kết luận lịch sử: "Để đảm bảo nguyên tắc cao nhất là đánh chắc thắng, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra".

Tôi là một anh lính cụ Hồ, tuổi chỉ bằng con của bác Giáp, không được trực tiếp học bác lần nào nhưng chỉ cần nói tới câu chuyện “kéo pháo ra”, tôi đã coi bác là tấm gương để đời cho tôi học hỏi. Và bây giờ khi đã là nhà nghiên cứu khoa học, tôi luôn tự nhủ phải sáng tạo, phải thừa hưởng tinh hoa của dân tộc, thừa hưởng được tinh hoa của thế giới nhưng tùy theo từng hoàn cảnh, tùy theo từng trường hợp riêng của bản thân mình để vận dụng.

Di sản Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại là 5 người con.

Cố GS.TSKH Võ Hồng Anh bên cha- Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu)

Ngoài ra, cái hay nữa mà tôi thấy ở Đại tướng đó là: Trong tất cả các bức ảnh của Người, ta đều thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp tươi cười giống như một người bạn, giống như một người anh, giống như một người thầy gần gũi vậy!

Tôi biết, trong nhiều năm qua, nhiều người đã dùng rất nhiều những mỹ từ đẹp nhất để khen ngợi vị Đại tướng tài giỏi, tuy nhiên, phần lớn là những câu khen chung chung. Giờ chúng ta hãy khen cụ thể, hãy nói về những bài viết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp về vấn đề cải cách giáo dục cách đây 13 năm. Tiếc rằng, Đại tướng đã nhiều tuổi và đã qua đời, chứ nếu không, luật đổi mới giáo dục một cách toàn diện chắc sẽ khác nhiều với những điều mà người ta đang nói. Chắc chắn những gì mà Đại tướng đưa ra sẽ có lợi cho dân tộc hơn.

Ngay cả trong lĩnh vực kinh tế, nếu như Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn minh mẫn như 5 năm, 10 năm trước đây thì chắc hẳn chúng ta sẽ có những lời khuyên xác đáng để VN có thể vượt qua được những khó khăn như kinh tế hiện nay.

Một điều nữa tôi muốn nói là: Trong khi rất nhiều tướng lĩnh lúc nói chuyện đã quá căng thẳng, quá oai phong lẫm liệt khiến người ta xa cách, thậm chí có nhiều tướng còn cáu gắt, mắng mỏ. Nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình tượng dùng trí lực mà tất cả những các cán bộ chiến sĩ dưới quyền của mình đều tâm phục, khẩu phục. Đó là điều mà tôi nghĩ, những người đang làm công tác quản lý phải học tập.

Và câu cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng: Tuy bác ra đi nhưng bác đã để lại một gia đình trí thức. Những người con Đại tướng học hành tử tế như Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Võ Hồng Anh, Võ Hạnh Phúc, Võ Điện Biên, Võ Hồng Nam và Võ Hòa Bình (1963). Họ đều là những người có học, đều là những trí thức. Điều đó cho thấy rằng: Gia đình bác là một gia đình truyền thống gia giáo đúng như các cụ xưa đã nói: “tề gia thì mới trị quốc được”.

Chính vì lẽ đó, bác là tấm gương tuyệt vời không chỉ trong vị trí của một lãnh đạo cấp cao, một vị tướng tài ba mà còn trong vai trò bình dị của một người cha hồn hậu hết mực thương yêu con theo cách của mình…

Bác đã ra đi nhưng di sản bác để lại là 5 người con – những “tác phẩm” kiệt tác, để đời mà cả đời bác nâng niu, nuôi dưỡng để hiến dâng cho xã hội".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại