Ông Dương Danh Dy hiến kế "gậy ông đập lưng ông" bảo vệ ngư dân

Hoàng Đan |

(Soha.vn) - Ông Dương Danh Dy cho rằng, nên tăng cường trang thiết bị kỹ thuật cho các tàu cá Việt Nam vừa để kiểm soát hoạt động, vừa kịp thời hỗ trợ cho bà con...

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, nói: Tôi thường xuyên theo dõi tình hình Biển Đông qua báo chí Việt Nam cũng như nước ngoài, trong đó có báo chí Trung Quốc. Tôi thực sự cảm thấy lo ngại và căm phẫn trước những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là tại hai khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ông Dương Danh Dy

"Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam là điều không thể chối cãi, chúng ta có đầy đủ bằng chứng về lịch sử cũng như pháp lý để khẳng định điều đó. Tuy nhiên, do những nguyên nhân lịch sử, quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đoạt phi pháp từ năm 1974 và phái quân đồn trú trái phép từ đó đến nay. Trong suốt khoảng thời gian từ 1974 đến hiện tại, Trung Quốc đã liên tục xua đuổi, ngăn cản trái phép, thậm chí là phá hủy tàu thuyền, bắt bớ hay đe dọa tính mạng ngư dân Việt Nam đang đánh bắt trên vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Thời gian gần đây, đặc biệt kể từ sau khi thành lập trái phép cái gọi là “thành phố Tam Sa”, hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Hoàng Sa nói riêng, Biển Đông nói chung đang ngày một leo thang, nguy hiểm. Trong đó, những vụ xâm phạm chủ quyền, xua đuổi tàu cá Việt Nam đánh bắt tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa đang ngày một gia tăng.

Đặc biệt, việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, huy động nhiều tàu, máy bay, chĩa súng máy vào tàu chấp pháp của Việt Nam trên vùng biển chủ quyền của ta là hành vi ngang ngược trắng trợn. Những hành động đó, ngoài việc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, còn bộc lộ sự tồi tệ của nước này. Chính vì sự ngang ngược, sai trái, bất chấp lẽ phải đã khiến Trung Quốc bị dư luận thế giới lên tiếng phản đối mạnh mẽ", ông Dy nhấn mạnh.

Lúc16 giờ ngày 26/5, tàu của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa90152 của ngư dân Đà Nẵng ở nam tây nam giàn khoan Hải Dương 981, cách giàn khoan này 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Tất cả 10/10 ngư dân ta được các tàu của chúng ta vớt và cứu hộ an toàn. Ở thời điểm xảy ra sự việc, có 40 tàu cá Trung Quốc ngang ngược bao vây nhóm tàu cá Việt Nam.

Trả lời về vấn đề này, ông Dy cho rằng, đây là hành động leo thang mới, nguy hiểm của Trung Quốc.

"Về mặt ngoại giao, Việt Nam cần kịp thời thông qua đường ngoại giao song phương cũng như trên bình diện ngoại giao đa phương và truyền thông, dư luận để phản đối kiên quyết. Bởi nếu không Trung Quốc ắt sẽ được đằng chân lân đằng đầu và còn gây ra nhiều rắc rối, nguy hiểm cho bà con ngư dân ta khi đánh bắt ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa.

Các lực lượng chức năng cũng cần phải phối hợp chặt chẽ và có kế hoạch tăng cường bảo vệ ngư dân khi khai thác ở Hoàng Sa. Việc này khó, nhạy cảm bởi dễ có thể bị đối phương lợi dụng lu loa rằng Việt Nam khiêu khích, nhưng vẫn phải làm. Cần có sự nỗ lực, phối hợp và cảm thông từ nhiều phía", ông Dy nói.

Cũng theo ông Dy, để ngăn chặn việc Trung Quốc phủ nhận những hành vi xâm phạm chủ quyền, rượt đuổi, đe dọa ngư dân Việt Nam đánh bắt tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa, chúng ta cần dùng ngay "bài" của Trung Quốc để đối phó với chính họ.

"Về tổ chức, mỗi khi tàu cá Trung Quốc kéo sang vùng biển chủ quyền của các nước khác hoặc những vùng biển tranh chấp để đánh bắt trái phép, chúng thường đi thành tốp khá đông, chưa kể tàu cá Trung Quốc hiện nay thường khá lớn và được trang bị nhiều thiết bị hiện đại, trong đó có hệ thống định vị vệ tinh để liên lạc với nhau.

Việc đóng tàu lớn để ra khơi xa là việc cần làm, nhưng không phải ngày một ngày hai, nhưng việc bà con liên kết lại, ra khơi theo nhóm sẽ an toàn hơn và cũng dễ đối phó hơn khi đối mặt với tàu Trung Quốc. Nếu được, nên tăng cường trang thiết bị kỹ thuật cho các tàu cá Việt Nam vừa để kiểm soát hoạt động, đảm bảo an ninh, vừa kịp thời hỗ trợ cho bà con trong những tình huống khẩn cấp.

Thủ đoạn của Trung Quốc rất xảo quyệt khi phái phóng viên, nhà báo đi theo các đoàn tàu cá, tàu công vụ Trung Quốc xâm phạm các vùng biển chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Một mặt chúng tranh thủ tuyên truyền cái gọi là “chủ quyền” trái phép ở Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, mặt khác chúng có thể đưa tin đảo lộn đúng sai, chụp mũ cho các hoạt động tự vệ của tàu cá Việt Nam là “khiêu khích”.

Vì vậy, ta cũng cần trang bị và huấn luyện trực tiếp cho ngư dân cách sử dụng máy ảnh, camera và các thiết bị tương tự khác để có thể ghi lại những hành vi sai trái của Trung Quốc trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn có thể làm được và cũng không mất quá nhiều chi phí , nhưng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho bà con ngư dân cũng như cho công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo", ông Dy khẳng định.

Tàu Trung Quốc liên tục tấn công bằng vòi rồng các tàu Việt Nam

Tàu Trung Quốc liên tục tấn công bằng vòi rồng các tàu Việt Nam

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội nghề cá Việt Nam, cũng bày tỏ, trong thời gian tới, ngoài việc khuyến khích bà con ngư dân tiếp tục bám biển thì Nhà nước cũng cần phải có những chính sách phù hợp để đảm bảo an toàn cho bà con.

"Ở đây, ngoài việc ra biển để đánh bắt thủy sản, làm ăn kinh tế cho gia đình thì mỗi ngư dân, mỗi một tàu cá là một cột mốc sống để khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động để bà con ngư dân yên tâm, tiếp tục thực hiện đánh bắt thủy sản, làm ăn trên vùng biển của mình. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp, chính sách cụ thể về mặt an sinh, xã hội cũng như việc tổ chức các đội hình tàu cá của ngư dân bám biển.

Hội cũng kính đề nghị các cơ quan chức năng cần lên tiếng phản đối mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt hơn nữa, ngăn chặn ngay những hành động vi phạm của Trung Quốc, nhằm bảo vệ ngư dân khi sản xuất trên vùng biển Việt Nam, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo Tổ quốc", ông Mưu đề nghị.

Bản tin VTV - Tình hình tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981 ngày 31/5

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại