Trong căn phòng khách nhỏ của gia đình ở đường Bưởi (Hà Nội), dù còn yếu vì mới trải qua một đợt ốm nặng nhưng khi nghe chúng tôi hỏi chuyện về những kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Dương Danh Dy (nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu - Trung Quốc) bỗng như khỏe hẳn ra.
Trước khi bắt đầu câu chuyện, ông Dy chỉ tay lên tấm ảnh chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp treo trang trọng trong phòng khách và bảo đây là tấm ảnh vô cùng quý giá đối với ông.
"Đây là tấm ảnh kỷ niệm của buổi gặp hết sức đặc biệt của tôi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tôi rất trân trọng nó. Khi Đại tướng còn khỏe, tôi chưa dám treo lên nhưng ngay khi nghe tin cụ qua đời, tôi đã phóng to tấm ảnh, đưa vào khung và treo trang trọng trong phòng khách.
Kỷ niệm này vô cùng quý giá đối với tôi. Cụ đã sống cuộc đời đúng như lời Bác Hồ căn dặn "dĩ công vi thượng", cả đời vì nước, vì dân. Và cho đến bây giờ, khi nhớ lại những ngày tháng 10/2013, tôi vẫn thấy có sự bồi hồi, trống trải... Thực sự, Đại tướng đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh mà dân tộc, đất nước, nhân dân giao cho cụ .." - ông Dy bày tỏ.
Ông Dương Danh Dy
Theo ông Dy, trong suốt quãng thời gian tham gia hoạt động, công tác của mình, ông đã có nhiều dịp được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và mỗi một lần gặp, đều in đậm trong ông những kỷ niệm không thể nào phai.
"Khi Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, trong lễ duyệt binh được tổ chức vào ngày 10/10/1954, tôi đã có vinh dự được nhìn thấy Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp khi ông đi duyệt các đội hình lực lượng vũ trang. Thực sự lúc đó, tôi đã rất xúc động, bồi hồi, dù chỉ nhìn cụ đi từ xa.
Đến năm 1956, khi tôi về công tác tại Trường Sỹ quan Lục quân, Đại tướng có đến thăm và ngay trong buổi nói chuyện đó, cụ đã chỉ rất rõ, đối tượng tác chiến của chúng ta là đế quốc Mỹ. Từ đó và sau này, tôi vẫn rất kính phục Đại tướng về tầm nhìn chính xác, chiến lược của cụ.
Sau khi tôi chuyển từ quân đội sang công tác tại lĩnh vực ngoại giao thì tôi cũng có nhiều dịp được gặp cụ hơn và mỗi lần đó đều là những kỷ niệm, những bài học mà tôi không thể nào quên được.
Nhớ nhất là khi tôi còn làm Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Đông, vào năm 1993, khi cụ Giáp sang đó thăm, tôi đã trực tiếp ra sân bay đón Đại tướng. Khi đó, Tổng lãnh sự của ta mới mở tại đây và do tiết kiệm nên chúng tôi không thuê các khách sạn sang trọng mà thuê lại toàn bộ tầng 4 nhà khách của một công ty quen với giá rẻ. Mọi người ăn ở, làm việc trên đó.
Lúc sang, phía Trung Quốc có bố trí cho cụ ở khách sạn Bạch Thiên Nga ở cạnh đó và chúng tôi có đề nghị là để mọi người thu xếp sang gặp, thăm Đại tướng nhưng người không đồng ý mà đã chủ động lên tận văn phòng lãnh sự để hỏi han, động viên anh em.
Tôi còn nhớ, Đại tướng có nói rằng: "Các cậu ở đây là chủ nên mình phải đến chào, thăm các cậu". Buổi gặp hôm đó thực sự đã để lại cho chúng tôi những kỷ niệm sâu sắc về sự gần gũi, cởi mở của người..." - ông Dy kể.
Và cũng theo ông Dy, ông còn có một vinh dự lớn khác, khi được Đại tướng gửi thư cảm ơn sau khi tìm và gửi cho người một số tài liệu cần thiết.
"Chính trong chuyến thăm văn phòng lãnh sự đó, Đại tướng có đề nghị tôi tìm và gửi về nước cho giúp một số tài liệu mà cụ cần. Sau khi tôi tìm và gửi thì Đại tướng còn viết một bức thư rất cẩn thận gửi sang cảm ơn tôi. Trong lá thư đó, dù ngắn gọn, súc tích nhưng thực sự, nó làm cho tôi vô cùng xúc động. Cụ đã viết với nội dung là: Kính gửi đồng chí Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu. Tôi đã nhận được tài liệu và xin gửi lời cảm ơn đến đồng chí..." - ông Dy chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Dy cũng bày tỏ, dù đã gặp Đại tướng nhiều lần nhưng cuộc gặp vào năm 2009, khi người ở tuổi 99 là cuộc gặp đặc biệt nhất mà ông sẽ khắc ghi mãi mãi.
"Tôi còn nhớ như in, năm 2009 đó, Đại tướng có thông qua thư ký mời tôi đến văn phòng của người để hỏi chuyện. Lúc đó, người đã 99 tuổi và tôi cũng không hiểu, tại sao cụ lại mời mình mà không phải là người khác. Tôi có hỏi thư ký của người thì bác cũng lắc đầu.
Lúc đầu, tôi cũng có phần nào đó e ngại vì lần đầu được gặp riêng người thế này. Tuy nhiên, sau đó, chính sự thoải mái, gần gũi của cụ đã khiến tôi thay đổi và trao đổi nhiều vấn đề hơn.
Trong buổi nói chuyện đó, dù sức khỏe đã yếu nhiều do tuổi tác cao rồi nhưng Đại tướng vẫn rất minh mẫn, sáng suốt. Cụ hỏi tôi rất nhiều và rất cặn kẽ một số vấn đề quan tâm. Tôi nhớ là, lúc đó, thư ký của cụ đã phải ra nhắc đến 2 lần nhưng cụ vẫn bảo, để nghe nốt những vấn đề tôi báo cáo. Buổi trao đổi đã kéo dài đến hơn 2 tiếng đồng hồ.
Tôi cũng vẫn nhớ, lúc tôi đến và khi tôi xin phép ra về cụ đều bắt tay và thăm hỏi tôi như một người con, cháu trong gia đình vậy. Về nhà, tôi cũng đã nói với con trai của mình rằng, bố thì đã già nhưng con còn cần phải học cụ Giáp ở nhiều điều, đó là sự minh mẫn, trí tuệ, hiểu sâu rộng nhưng rất ham học hỏi và hơn cả là khiêm nhường, gần gũi, hòa đồng của một vị lãnh đạo cấp cao.
Khi cụ mất, tôi cũng đã đạp xe lên nhà riêng tại Hoàng Diệu để viếng và thấy được sự kính trọng của người dân dành cho cụ. Những hàng dài người đứng ngay ngắn, trật tự, xếp hàng đứng chờ vào viếng cụ đã cho thấy hết nhân cách của một con người vĩ đại, vị Đại tướng của nhân dân" - ông Dy xúc động nói.