Đó là chiếc cầu được làm bằng những thanh tre ghép lại với nhau và buộc chắc chắn bằng những chiếc lạt mỏng bắc qua sông Nguyên Bình của anh Triệu Văn Lãm (44 tuổi) ở xã Trương Lương, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.
Chiếc cầu được làm từ năm 1998. Đây là cây cầu vượt sông thứ hai của gia đình anh Lãm, trước đây có một cây cầu khác nhưng ở vị trí thấp hơn, nước lũ dâng cao đã cuốn trôi mất, nên anh phải làm chiếc cầu này.
Cũng bởi vì sợ nước lũ lên cao cuốn trôi mất nên chiếc cầu treo của anh Lãm được buộc bằng những chiếc lạt để thuận lợi cho việc tháo gỡ nhanh chóng những "nhịp cầu" bằng tre.
Những chiếc lạt chẻ từ cây tre, nứa "bánh tẻ" - tức là không già, cũng không quá non được tước mỏng. Anh Lãm bảo, làm như vậy lạt sẽ mềm, khi buộc dễ dàng và chặt hơn.
Thỉnh thoảng, anh Lãm lại đi kiểm tra những chiếc lạt - có chiếc nào bị đứt anh lại buộc thay bằng chiếc khác ngay.
Ngày xưa không có cầu đi, gia đình anh đóng bè mảng để sang bên kia đường bán ngói kiếm tiền làm cầu.
Gia đình anh có 6 người, ở một mình từ mấy đời nay ở đây, do vị trí gia đình không thuận với đường đi chợ, đi xã, đi huyện - phải qua sông, nên gia đình anh cố gắng dồn hết vốn liếng làm ngói để có tiền làm cầu.
Anh cho biết, để làm được chiếc cầu này cũng phải tốn mất một cái nhà cấp 4 (khoảng 40 triệu đồng), do đó anh không thuê người làm mà tự mình đổ 4 cột bê tông ở hai bên bờ làm trụ cầu.
Để làm được chiếc cầu này, anh phải lặn lội lên tân huyện Thông Nông để lấy những chiếc dây văng thép dài của một chiếc cầu cũ trên đó về rồi tự làm.
Những chiếc dây thép đã rỉ sét được buộc mắc vào những thanh sắt nhỏ để giữ cầu cho chắc.
Có những chiếc đã bung đứt...
Chiếc cầu treo vượt sông buộc bằng lạt tre "độc nhất vô nhị" của gia đình anh Lãm.
Mặc dù chiếc cầu bấp bênh, dập dềnh khi bước qua nhưng anh cho biết, "cầu chắc lắm, từ ngày làm đến nay đã hơn 20 năm nhưng chưa một lần xảy ra tai nạn, thỉnh thoảng người dân đi rẫy còn đi nhờ qua... Tôi có đứa con rể đi làm xa mỗi lần về nhà vẫn phóng xe máy ầm ầm qua đây. Tôi mấy lần đi uống rượu say về tối vẫn soi đèn pin để qua, biết là nguy hiểm nhưng không còn đường nào để vào nhà nữa".