Nhiều năm nay, việc đi lại của gần 600 nhân khẩu tại thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh vẫn trong cảnh “lụy đò”. Giao thông trắc trở, kéo theo kinh tế khó khăn, khiến thanh niên làng lớn lên đều bỏ đi làm ăn xa, 14 năm nay, làng không có một đám cưới nào.
Ốc đảo “cô đơn”
Đứng trên cầu Bến Thủy nằm trên QL1A, có thể nhìn thấy “ốc đảo” Hồng Lam cô đơn giữa sóng nước. Dù chỉ cách TP Vinh (Nghệ An) khoảng chừng nửa cây số đường chim bay, nhưng muốn vào thôn, con đường duy nhất là đi đò. Đặt chân lên ốc đảo ấy mới thấy sự vắng vẻ. Cả ốc đảo chỉ có một điểm bán hàng duy nhất nằm ngay đầu lối vào thôn, được quây bởi những tấm tranh rách và cũng chỉ bán thứ cần thiết như gạo, muối và rau củ. Người bán hàng cho biết: Làng làm nông nghiệp đấy, nhưng dân vẫn phải mua gạo ăn vì đất bị nhiễm mặn, không trồng được lúa. Ở đây chỉ trồng được đay và lạc thôi.
"Chúng tôi mong có một cây cầu để giúp người dân Hồng Lam đi lại thuận lợi hơn, và đó cũng là hướng thoát nghèo cho thôn. Trước mắt, khi chưa có cầu, mong cơ quan chức năng cấp thêm cho thôn Hồng Lam những con đò đảm bảo kỹ thuật, để người dân được an toàn mỗi khi qua sông”.
Ông Nguyễn Thế Lục
Trưởng thôn Hồng Lam, xã Xuân Giang
huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh
Cụ Nguyễn Văn Nuôi (90 tuổi), một lão niên trong làng kể, trước đây Hồng Lam cũng tấp nập người qua lại làm ăn, buôn bán do “ốc đảo” này là nơi thuyền bè có thể cập bến từ mọi hướng. Nhưng rồi, giao thông đường bộ phát triển, các hoạt động buôn bán bằng thuyền nhỏ bị “thất sủng”, thôn bị cách biệt với thế giới bên ngoài. Trận lũ lịch sử năm 1988 khiến đất trồng nhiễm mặn, người dân không sống nổi bằng nghề trồng cấy, phải bỏ đi tứ xứ kiếm ăn. “Ngay đến gia đình tôi có 7 người con, thì 5 đứa đã rời quê hương vào Nam lập nghiệp, ít khi trở lại quê nhà”, cụ Nuôi buồn rầu.
“Thanh niên trai trẻ thôn Hồng Lam cứ lớn lên là tìm cách thoát ly. Vì vậy mà đã 14 năm qua, làng chưa hề có đám cưới, còn đám ma thì năm nào cũng có”, cụ Nuôi than phiền.
Mơ ước một cây cầu
Ông Nguyễn Thế Lục, trưởng thôn Hồng Lam cho hay, hiện nay toàn thôn có 210 hộ với 585 nhân khẩu, chủ yếu là các hộ thuộc diện nghèo. Bao năm qua, người dân thôn Hồng Lam chỉ biết trồng cói và lạc để sinh sống. Nhưng hiện nay, nghề trồng cói đã không còn, cây lạc làm ra thì không bán được, nếu có bán được thì cũng rất rẻ bởi các thương lái ngại phải qua đò để thu mua. Đây cũng là một nguyên nhân nữa khiến cuộc sống người dân ốc đảo chồng chất khó khăn.
Mỗi lượt đi về qua sông, người dân thôn Hồng Lam tốn 5.000 đồng/người, nếu có phương tiện và hàng hóa thì mất 10.000 đồng/lượt. Tuy nhiên vào mùa này, đò chỉ hoạt động từ 6h sáng đến chiều tối. Nếu lỡ một chuyến đò thì người buôn bán lỡ buổi chợ, công nhân nghỉ làm, học sinh tới trường chậm. Người Hồng Lam sợ nhất có người đau ốm, đặc biệt vào ban đêm, bởi thôn không có bác sỹ, mà người dân không thể vào đất liền trong đêm.
Anh Trần Thế Huynh, người có thâm niên hơn 10 năm lái đò đưa bà con thôn Hồng Lam qua sông cho biết: “Tuy nghề lái đò hàng chục năm nay nuôi sống gia đình tôi, nhưng bản thân tôi vẫn mong muốn có một cây cầu để người dân và chính tôi đi lại đỡ vất vả, để bà con giao lưu trao đổi hàng hóa, có như thế Hồng Lam mới có cơ hội thoát nghèo”.