Ở Đức, cô giáo dùng phấn ném học sinh phải đền 3 tháng lương

Thiên Di |

(Soha.vn) - “Nếu người nào nghĩ rằng không thể kiềm chế được với học sinh thì người đó nên tự giác xin ra khỏi ngành giáo dục” – Chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân nói về thầy đánh trò.

Đó là lời chia sẻ của Thạc sĩ thôi miên Nguyễn Mạnh Quân (Trung tâm nghiên cứu phát triển Tâm - Thể - Trí) về việc gần đây hàng loạt sự việc thầy đánh trò xảy ra gây rúng động dư luận.

Không có học sinh hư

Trao đổi với chúng tôi, ThS Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh: “Các em học sinh là lứa tuổi chúng ta cần bảo vệ dưới mọi hình thức. Hành vi thầy đánh trò là không thể chấp nhận trong bất cứ lý do nào”.

Ông lấy thí dụ, hội đồng luật sư của ông đã từng bảo vệ cho một cô giáo ném viên phấn về phía học sinh ở trường trung học quận Kreuzberg, Đức. Tòa án Thủ đô Berlin, CHLB Đức đã xử cô giáo phải bồi thường danh dự cho em học sinh đó 3 tháng lương và buộc thôi việc đối với giáo viên này.

Khi hội đồng luật sư của ông nói xin cho giáo viên đó tiếp tục được đi dạy trở lại vì viên phấn không trúng học sinh đó. Tuy nhiên, Tòa án Thủ đô Berlin nói rằng: “Viên phấn đó không trúng nhưng đã tiêu diệt nhiều linh hồn học sinh” và quyết định không cho phép giáo viên này dạy ở bất cứ đâu.

Chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân phản đối  hành vi thầy đánh trò.
Chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân phản đối hành vi thầy đánh trò.

Về việc thầy đánh trò, nhiều người cho rằng do học trò hư nên thầy mới đánh, bắt buộc phải dùng phương pháp này để giáo dục, răn đe được học sinh.

Tuy nhiên, chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân kịch liệt phản đối và cho rằng: “Trên thực tế không có học sinh hư. Các em không hề đánh thầy trước mà do thầy đánh trước. Về nguyên tắc các em luôn học người thầy, người anh, người chị, có rất nhiều điều các em chưa biết.

Nếu chúng ta gọi đó là hư thì thật ra là điều mà các em chưa biết cần học tập chúng ta mà thôi. Nhưng chúng ta lại dạy các em bạo lực, dạy các em vô cảm…

Hiện nay kêu học sinh hư là do ai? Học sinh đến học thầy hay đến để dạy thầy đây? Tiên học lễ hậu học văn…Các em đến thầy để học cái đạo làm người trước khi học chữ... Các em vì tự bảo vệ mình mà đánh lại thầy sau khi bị thầy đánh như đánh quân xâm lược, thì âu cũng là các em đã bắt đầu học được ở thầy, cái học ở đây chính là học cái sự côn đồ”.

Ông cho biết thêm rằng, việc thầy cô đánh chửi, xúc phạm học sinh có nghĩa là “giết chết” các em và vài chục năm sau chờ “chôn” các em.

Vì vậy, ThS thôi miên Nguyễn Mạnh Quân nhấn mạnh: “Chỉ có yêu thương học trò thì lúc đó nó mới nghe mình chứ không phải đánh để chúng có tâm lý “khủng bố”. Các em cần được chỉ bảo, cần được hướng dẫn, dạy dỗ, đặc biệt trong giai đoạn mà đất nước chúng ta đang hội nhập này....Cũng chính vì vậy mà chúng ta cần phải có những người thầy thật đúng nghĩa”.

60% chúng ta rối loạn tâm lực

Mở rộng vấn đề, theo ThS thôi miên Nguyễn Mạnh Quân thì một bộ phận thầy cô, cha mẹ học sinh đang đẩy các em vào các nhà thương điên bởi cách giáo dục của chúng ta chưa đúng.

Lý giải điều này, ThS thôi miên Nguyễn Mạnh Quân nói: “Các em học sinh của chúng ta ngày nay đang suy sụp về sức khỏe tâm lực, bị mắc chứng bệnh như tự kỷ, trầm cảm, rối loạn lo âu, mất ngủ, mất phương hướng, ngại giao tiếp hoặc quá khích..... Trò chơi mà các em muốn thì các em lại không được chơi vì phải học...Còn chúng ta lại đang thiếu phương pháp để kích thích làm cho các em muốn được học để biết, như chúng ta ngày xưa, vì vậy các em đang bị ép buộc phải học.

Cũng vì vậy mà các em sinh ra chống đối, động cơ mà ngành tâm lý trị liệu gọi là "động cơ chạy trốn" ngự trị trong tâm lý các em, các em sẽ nói không thật, bao che cho nhau....để khỏi bị xấu hổ hoặc bị mắng chửi.

Kết hợp vào đó là thái độ không đúng của một số các thầy cô sẽ càng làm cho các em bị ức chế tâm lý, gây lên sự rối loạn nội tiết tố và rối loạn cảm xúc....”.

Hành vi của người thầy tát học trò trong clip tạo bức xúc trong dư luận.
Hành vi của người thầy tát học trò trong clip tạo bức xúc trong dư luận.

Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Quân cũng khẳng định rằng, 60% chúng ta đang bị ảnh hưởng trầm trọng về tâm lực, rối loạn tâm lực. Hiện nay, nhu cầu cao hơn, bộ não chúng ta càng phát triển, bắt đầu xử lý thông tin và phản ứng lại vì vậy không thể áp dụng những phương pháp giáo dục cổ truyền.

Vì vậy, như một lời kết, ThS thôi miên Nguyễn Mạnh Quân tuyệt đối không chấp nhận cách giáo dục bằng đòn roi.

“Tuyệt đối không được! Một đất nước văn minh, con người văn minh thì không thể được phép nghĩ tới bạo lực! Tôi nghĩ nếu người nào nghĩ rằng mình không thể kiềm chế được với các em học sinh của mình, thì người đó nên tự giác xin ra khỏi ngành giáo dục, còn nếu chưa ra mà biểu hiện bất cứ hành vi hay phát ngôn kiểu bạo lực, hay kỳ thị học sinh thì đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đuổi ngay khỏi ngành để bảo vệ cho nhân quyền và nét văn minh tối thiểu của con người Việt Nam!”, ThS thôi miên Nguyễn Mạnh Quân đề xuất.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại