Malaysia sẵn sàng đăng cai tổ chức ASIAD thay Việt Nam
Hôm nay (18/4), trên trang mạng China.org.cn của Trung Quốc dẫn lời Tổng giám đốc điều hành kiêm Giám đốc kĩ thuật Uỷ ban Olympic châu Á OCA, ông Husain Masallam, khẳng định việc rút đăng cai ASIAD 18 "là điều tốt nhất mà Việt Nam có thể làm bây giờ, căn cứ vào tình hình cụ thể hiện nay".
Tháng 6/2011, Việt Nam công bố quyết định chạy đua đăng cai ASIAD 18. Đến ngày 8/11/2012, thành phố Hà Nội được Hội đồng Olympic châu Á OCA chọn là địa điểm tổ chức sự kiện với số phiếu là 29, đối thủ duy nhất Surabaya (Indonesia) chỉ được 14 phiếu.
Năm 2012, ngoài Việt Nam, 3 quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng xin đăng cai ASIAD 18 gồm: Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất, Đài Loan - Trung Quốc và Indonesia.
Có thể OCA sẽ để 3 ứng viên nói trên tiếp tục vận động đăng cai và OCA sẽ đưa ra quyết định nơi nào sẽ thay VN tổ chức ASIAD 18.
Trước kia, Hàn Quốc và Singapore từng bỏ không đăng cai ASIAD năm 1970 và 1978. Cả hai lần này, Thái Lan đều đứng ra giải cứu Á vận hội, với sự hỗ trợ lớn từ Uỷ ban Olympic châu Á (OCA).
Trong một diễn biến khác, trên tờ The Star của Malaysia, ông Datuk Sieh Kok Chi – tổng thư ký OCM Malaysia tuyên bố nước này sẵn sàng đăng cai thay cho Việt Nam nếu được OCA chính thức đề nghị, đồng thời OCA phải thay đổi một số điều kiện tổ chức để phù hợp với yêu cầu của Malaysia.
Trước đó vào chiều ngày 17/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo quyết định Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18 tại Hà Nội vào năm 2019, đồng thời yêu cầu các bộ ngành có liên quan khẩn trương làm việc với OCA cùng các đối tác, nhằm tìm phương án phù hợp.
Theo đó, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Tổng cục TDTT sẽ sớm bàn để thành lập đoàn cán bộ sang và làm việc với OCA về vấn đề này.
Việt Nam sẽ bị phạt 1 triệu USD khi rút đăng cai ASIAD?
Trao đổi với chúng tôi Luật sư Trịnh Cẩm Bình cho biết: Căn cứ vào Điều lệ Hội đồng Olympic Châu Á thì việc Việt Nam đã được quyền đăng cai tổ chức Asiad nhưng nay lại rút không đăng cai tổ chức Đại hội là vi phạm các cam kết đã được đặt ra.
"Theo Điều lệ của Hội đồng Olympic Châu Á (OCA), Điều 44 quy định: Vinh dự tổ chức Đại hội sẽ được giao cho một quốc gia thành viên. Quốc gia thành viên phải có Đơn xin đăng cai Đại hội theo các nguyên tắc nêu trong hướng dẫn đăng cai.
Đơn xin trao quyền đăng cai Đại hội Thể thao của OCA phải được sự phê chuẩn của Chính phủ, xác nhận của chính quyền thành phố và kèm theo cam kết Đại hội sẽ được tổ chức đáp ứng các yêu cầu của OCA.
Đơn phải bao gồm những câu trả lời cho các câu hỏi nêu ra trong Hướng dẫn đấu thầu đăng cai Đại hội Thể thao và câu hỏi về Đại hội Thể thao Châu Á của OCA, sẽ được OCA cung cấp cho các thành phố đấu thầu. Đơn này cũng phải được kèm theo một cam kết rõ ràng rằng Đại hội sẽ được tổ chức theo các mục tiêu, nguyên tắc cơ bản và các quy định, Điều lệ của OCA, Hợp đồng thành phố đăng cai và quyết định của OCA;
Thành phố vinh dự được trao quyền đăng cai Đại hội sẽ nộp cho OCA một khoản tiền đặt cọc có hoàn lại, trong vòng hai (2) tháng sau khi ký Hợp đồng thành phố đăng cai. Số tiền này sẽ là một bảo đảm đối với việc tịch thu hoặc không tổ chức Đại hội hoặc thực hiện một phần hoặc đầy đủ theo hợp đồng của Ban tổ chức, coi như phù hợp với Ban chấp hành.
Việc hoàn trả cho Ban tổ chức, Ủy ban Olympic sẽ được thực hiện chỉ sau khi Ban tổ chức giải quyết tất cả các tài khoản Đại hội và nộp báo cáo cuối cùng. Số tiền đặt cọc đối với Đại hội thể thao Châu Á là 1 triệu USD.
Hợp đồng thành phố đăng cai được OCA ký bằng văn bản với Ủy ban Olympic thành viên và thành phố chủ nhà được Ủy ban Olympic thành viên lựa chọn. Hợp đồng quy định cụ thể các nghĩa vụ, phận sự của họ. Hợp đồng được ký kết ngay sau cuộc bầu chọn quốc gia thành viên đăng cai Đại hội.
Như vậy, Điều lệ Hội đồng Olympic Châu Á đã quy định các điều khoản ràng buộc chặt chẽ quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên.
Việc Việt Nam đã được quyền đăng cai tổ chức Đại hội nhưng nay lại rút không đăng cai tổ chức Đại hội là vi phạm các cam kết đặt ra theo Điều lệ của Hội đồng Olympic Châu Á nêu trên.
Ngay trong Đơn xin trao quyền đăng cai Đại hội đã phải có sự phê chuẩn của Chính phủ, xác nhận của chính quyền thành phố và kèm theo cam kết Đại hội sẽ được tổ chức đáp ứng các yêu cầu của OCA", Luật sư Bình phân tích.