Nửa đời người canh giấc ngủ cho chúa Nguyễn

Vũ Yến |

(Soha.vn) - Đó là ông Nguyễn Lô (SN 1931), thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông không chỉ là người tình nguyện canh lăng Chúa Nguyễn Phúc Thái mà còn là người thầy thuốc có tấm lòng thương người, hay giúp đỡ người dân trong làng.

Người quản lăng tự nguyện…

Chúng tôi tìm đến thôn Kim Ngọc vào buổi sáng sớm, xuất hiện trong căn lều là 1 ông lão đã ngoài 80. Dù tuổi cao nhưng dáng đi của ông vẫn còn khỏe khắn lắm, trên khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn, ông lão nở nụ cười  thân thiện. Hằng ngày, ông vẫn định cư trong căn lều và tự chăm sóc lăng của chúa Nguyễn Phúc Thái. Đây là công việc tự nguyện mà ông Lô đã làm gần 40 năm qua. Ông tự xây dựng cho mình căn lều tạm bợ, nằm gần lăng để tiện việc chăm sóc và bảo vệ. Một công việc không lương nhưng theo ông đó là bổn phận của thế hệ sau.

Ông Lô tâm sự : “Trước đây, khu lăng này nằm trong rừng rậm rạp, về đây sinh sống thấy thế tôi phát quang cây cối, rồi dọn dẹp. Chúa Nguyễn Phúc Thái có công xây dựng vùng đất này, tôi là người hậu kế nhưng gia đình lại không có kinh tế, không có học thức, thì việc dùng sức để coi giữ lăng cũng như tôn vinh công lao của ông mà thôi”.

Thời gian của lão Lô không tính bằng ngày đêm mà là những gì ông làm được. Ông tự tay mình phát quang cây cối, xẻ núi, đắp đường, đào ao nuôi cá để tạo lập kinh tế gia đình. Ngày ông mới bắt tay vào việc, có rất nhiều người ngăn cản. Vì vùng đất có địa hình đồi núi thì làm sao mà cải tạo thành ao hồ, nuôi cá. Thế nhưng bằng sự kiên trì ông bỏ ngoài tai những ý kiến của bà con, chòm xóm để thực hiện ý định của mình. Sau 3 năm khai hoang, ông tạo được 3 ao nuôi cá, đắp con đê dài hơn 10km dẫn vào lều và trồng các loại cây ăn quả cho thu hoạch cao.

Anh Nguyễn Cường (con trai trưởng của lão Lô) cho biết: “ Thấy việc làm của cha rất có ý nghĩa, tôi thì chỉ mới canh lăng gần 20 năm thôi. Đến ngày lễ, ngày kị thì lo hương khói. Chúng tôi làm xuất phát từ cái tâm chứ chẳng ai ép buộc mình cả, làm điều ý nghĩa thì từ tận đáy lòng mình cảm thấy vui. Ngoài ra thì mình trồng cây cao su, đu đủ quanh lăng để phát triển kinh tế”.

Căn lều nơi lão Lô ở để canh lăng.

Khi tận mắt chứng kiến mô hình trang trại thu nhỏ của 2 cha con ông Lô chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Khu lăng Nguyễn Phúc Thái nằm uy nguy  giữa rừng cây ăn quả được khai hoang từ sức người. Ông Lô bày tỏ: “ Ý định của tôi là vừa bảo vệ lăng, vừa có kinh tế gia đình thế nên tôi mới nghĩ đến chuyện xẻ núi và xây dựng mô hình trang tại. Sau 3 năm thì việc đắp đê, đào ao đã xong, tôi chỉ dùng sức mình và lấy ngắn nuôi dài chứ tiền đâu mà thuê máy xúc, máy ủi”.

Theo ông Lô, mồng 10 tháng Giêng hằng năm thì con cháu họ Nguyễn Phúc về lăng kị giỗ rất đông, mới năm ngoái con cháu vận động kinh phí để tu bổ lại bờ tường của lăng, còn những thứ khác vẫn giữ nguyên. Việc canh lăng không vất vả nhưng đôi lúc lại gặp nguy hiểm. Vì nhiều người tới đây để đào trộm lăng, mong kiếm được báu vật. Đêm khuya, ông vẫn chạy ra lăng để kiểm tra mỗi khi nghe thấy tiếng động.

Ông Lô giải thích: "Nếu có ai đào trộm lăng thì sẽ khi tôi ngủ sẽ có báo mộng thấy đám người mặc đồ đen bao vây lăng. Đêm hôm sau, tôi nghe tiếng động biết xảy ra chuyện, chạy ra đuổi thì họ sẽ đi. Mà mấy ai đào lăng mà giàu được đâu các chú, mấy năm trước có người nhặt được miếng sứ trong lăng đem về Mỹ rồi bị đau ốm, cũng phải mang qua trả lại đó thôi. Mảnh đất này coi vậy chứ thiêng lắm”.

Lão Lô xem lại những kỉ vật thời chiến tranh và bằng khen của mình.

Lão thầy thuốc từ thiện

Việc yêu thích thiên nhiên và tiếp xúc nhiều với núi rừng đã giúp lão Lô hiểu rõ về công dụng của các loại cây trong rừng. Hằng ngày, ông vẫn vào rừng để tìm lá làm thuốc. Sau khi hái lá từ rừng về ông đem phơi làm thuốc để cứu người. Vì thế nên người dân trong làng đặt cho ông cái tên lão thầy thuốc từ thiện. Ai bị đau dạ dày, viêm xoang, viêm phế quảng hay đau lưng đem đến ông vài ba hôm là khỏi. Điều đặc biệt, lão chữa bệnh giúp người chứ không lấy tiền thù lao.

Biết được việc làm của ông, nhiều bệnh nhân được ông chữa khỏi đến nhà chơi mang theo ít trà, gói thuốc để tặng. Tiếng lành đồn xa, không chỉ riêng người dân làng Kim Ngọc mà còn có những những dân làng khác cũng đến nhờ lão Lô giúp đỡ.

Hôm chúng tôi đến nhà, có một cặp vợ chồng mang trà và đường phèn đến biếu ông. Họ trò chuyện rất thân mật và cởi mở. Cứ tưởng là bà con của lão Lô nhưng không phải, đây là người nhà bệnh nhân được lão chữa khỏi bệnh từ tuần trước.

Anh Trúc, một người đến nhờ lão Lô chữa bệnh cho biết : “ Trước đây tôi ở làng Kim Ngọc bây giờ chuyển đến làng Bình Điền, em bé hay khóc đêm nên đến đây nhờ ông bốc lá giúp. Bây giờ, em bé đỡ hơn rồi nên mang ít trà đến biếu ông".

Việc bốc thuốc tự nguyện xuất phát từ cái tâm của lão nông dân chân chất. Với ông, giúp người là giúp chính mình, bởi lẽ nếu mình gặp nạn thì họ sẽ giúp mình. Đó là quy luật của cuộc sống, còn tiền công đối với ông không quan trọng, điều mà ông quan tâm là có thể đem lại niềm vui cho xã hội. Ai tặng tấm lòng, niềm vui thì ông nhận.

Lão Lô bộc bạch: “Người ta nói làm thầy nuôi vợ, làm thợ nuôi con. Tôi nuôi vợ tôi không phải là từ những  đồng tiền mà là tấm lòng, sự cảm ơn của người bệnh. Đó là hạnh phúc duy nhất của 2 vợ chồng tôi, thôi thúc tôi trong công việc cứu người”.

Chia tay ông Nguyễn Lô, chúng tôi dành cho ông sự cảm phục cao cả. Đó là một người có trách nhiệm, cần mẫn và dành cả tình yêu to lớn đối với xã hội. Khi con người ta đang hối hả lao mình vào cuộc sống hiện đại, thì ông sống điềm đạm giữa khoảng trời của vùng đất Huế. Nhẹ nhàng, nguyên vẹn và không phai màu thời gian.

 Nguyễn Phúc Thái (1649-1691) thời gian trị vì ( 1687- 1691) là chúa Nguyễn thứ 5 trong lịch sử Việt Nam, người gốc Gia Miêu, huyện Tống Sơn , Thanh Hóa. Chúa Nguyễn Phúc Thái là người nổi tiếng rộng rãi, giảm nhẹ hình phạt thuế khóa, trọng dụng quan lại cũ, trăm họ ấm no, hạnh phúc. Ông có công dời dinh của các chúa Nguyễn vào Phú Xuân, và nơi này trở thành kinh đô của triều Nguyễn và sau này thành chính dinh.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại