Phố Đào Duy Từ - con phố mang tên vị danh tướng thời Chúa Nguyễn

TheoVOV |

(Soha.vn) - Phố Đào Duy Từ - con phố mang tên 1 vị danh tướng thời Chúa Nguyễn, xưa từng là trung tâm buôn bán tấp nập mặt hàng thóc gạo giữa kinh thành Thăng Long.

Phố Đào Duy Từ dài 288 mét thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố bắt đầu từ Ô Quan Chưởng giao cắt với các phố Nguyễn Siêu, Chợ Gạo, Hàng Buồm, Mã Mây, ngõ Đào Duy Từ kết thúc ở Ngã 3 Lương Ngọc Quyến.

Đào Duy Từ ngày nay được hợp thành từ 2 con phố thời Pháp thuộc. Đoạn đầu phố từ Ô Quan Chưởng tới đoạn giao cắt phố Hàng Buồm nguyên là phố Sông Đào Cũ – rue de l’Ancien canal thuộc thôn Hương Bài, sau đổi thành Hương Nghĩa.

Phần còn lại kéo dài từ điểm giao cắt với phố Hàng Buồm tới phố Lương Ngọc Quyến, thời Pháp thuộc mang tên Đào Duy Từ thuộc đất của thôn Ngư Võng, tổng Hữu Túc sau gọi là Đông Thọ.


Cuộc sống thường ngày đoạn phố Sông Đào Cũ bây giờ

Đầu phố Đào Duy Từ nhìn ra Ô Quan Chưởng

Phố mang tên Đào Duy Từ 1 nhà quân sự, nhà thơ, nhà văn hóa, vị danh thần thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Ông chỉ làm quan cho Chúa Nguyễn có 8 năm. Nhưng trong thời gian ngắn ngủi ấy, ông đã xây dựng cho họ Nguyễn một cơ sở xã hội vững chắc, và một quân đội hùng mạnh. Vì vậy ông được coi là đệ nhất khai quốc công thần của họ Nguyễn và được thờ ở nhà Thái miếu kinh thành Huế.

Về cuộc đời và thân thế Đào Duy Từ, tương truyền ông mất cha khi mới lên 5, mẹ ông 1 mình nuôi ông ăn học. Từ nhỏ ông đã thể hiện tố chất thông minh, sáng dạ. Năm 14 tuổi ông vào học trường của Hương cống Nguyễn Đức Khoa, nhưng không được thi Hương vì luật lệ của nhà Lê bấy giờ cấm con kép hát đi thi, tục bấy giờ cho rằng xướng ca vô loài. Mấy năm sau ông bỏ vào Đàng Trong giúp các chúa Nguyễn ly khai và lập nhiều công trạng, được Chúa Nguyễn tin dùng và nể trọng.

Biển tên phố gắn trên cây cột điện đã in dấu thời gian

Diện mạo phố dần đổi khác…

Phố xưa hầu hết là những ngôi nhà lớn, xây cao tầng…

Hàng quà sáng trước cửa số nhà 8, xưa từng là 1 nhà bán gạo lớn trên phố

Phố giờ kinh doanh nhiều loại mặt hàng khác nhau, nhưng phần nhiều vẫn là các loại mỳ, gạo,…

Một nhà làm bánh rán bi ngay đầu phố - món quà vặt vẫn thường thấy ở Hà Nội bây giờ

Nhà số 10 xưa là hàng gạo Nghiêm Tử Trình

Thời cuối thế kỷ 19, phố Đào Duy Từ mang đặc trưng rõ nét, gần khu sinh sống của Hoa Kiều có nghề chính là buôn thóc gạo. Cả 2 đoạn phố thời ấy đều có những kho rộng của họ, ngoài buôn bán gạo còn có cả khoai và ngô.

Nhiều người nghèo tập trung đến phố này ngày làm công hoặc phu khuân vác, tối đến lại ra bãi Phúc Xá ngủ. Họ làm việc theo nhóm và có người đứng ra cai thầu, nhận việc. Sau này dần dần những cai thầu này cũng trở thành các nhà buôn gạo trên phố.

Các cửa hàng trên phố nằm rải rác ở các phố từ Trần Nhật Duật vào đến cột đồng hồ phố Chợ Gạo và tập trung nhiều ở đoạn phố Sông Đào Cũ.

Những cửa hiệu buôn bán thóc gạo của người Việt ở phố xưa có nhà Triệu Ngọc ở số nhà 4-6, nhà Nghiêm Tử Trình ở các số 8,10,12…

Từ những hiệu, nhà buôn ta và Tàu cùng mở trên phố đã hình thành nên kiểu kiến trúc đặc trưng với hàng loạt các nhà cao, lớn xây 2 đến 3 có khi cả 4 tầng, có những nhà gồn nhiều gian kéo dài và các nhà kho rộng, chủ yếu xây 1 tầng, có cả máy xay xát đặt bên trong.

Ngoài ra đoạn đầu phố gần Ô Quan Chưởng cũng có 1 số nhà xây theo kiểu cổ.


Hình ảnh thường thấy mỗi con phố nhỏ ngõ nhỏ Hà Nội
Rạp Lạc Việt là 1 trong 2 rạp hát lớn nhất ở Hà Nội xưa

Giữa phố xưa có 1 rạp hát với tên gọi Sán Nhiên Đài, sau đổi là Lạc Việt. Thời kỳ đầu rạp chuyên về sân khấu chèo là 1 trong 2 rạp lớn nhất Hà Nội thời bấy giờ.

Dọc phố ngày nay chỉ còn lại 1 di tích lịch sử là đình Hương Nghĩa ở số 13B. Hương Nghĩa nguyên là tên 1 thôn mới lập hồi giữa thế kỷ 19, được hợp nhất từ 2 thôn Kiên Nghĩa và Hương Bài.

Đình này thờ Cao Tứ, 1 nhân vật lịch sử đời Thục An Dương Vương. Cao Tứ là em Cao Lỗ người sáng chế ra nỏ thần, cũng là 1 tướng tài của Thục Phán, được giao trấn giữ vùng cửa sông Tô, đóng quân tại giáp Hương Bài. Thục Phán phục tài đức mà gả con gái thứ 2 là Phượng Minh cho ông.

Quân Tần xâm lược bờ cõi, ông chỉ huy thủy quân mưu trí đã nhiều lần thắng trận. Khi Triệu Đà xâm lược nước Việt, ông cho lập 5 đồn trên sông Tô chống cự giặc rồi tử trận. Ngày nay tại đình Hương Nghĩa còn 2 câu đối minh họa lại sự tích này:

"Đọc sử Nam, sách cũ còn ghi, nước lắng cô trung nêu tiết nghĩa

Ở La Thành, ba đền được dựng, đất thiêng thắng tích đượm hương thơm".


Đào Duy Từ nằm trong lịch trình tham quan của nhiều du khách đến với Hà Nội ngày nay

Phố Đào Duy Từ con phố mang tên danh tướng đời nhà Nguyễn, ngày nay vẫn tấp nập các hoạt động kinh doanh, nhiều nhà vẫn còn giữ nghề xưa, buôn bán xen lẫn các loại mỳ, gạo…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại