Mê muội vì yêu, người phụ nữ trẻ đã "trút" tất cả gia sản một đời phấn đấu để cung phụng cho người chồng "hờ" luống tuổi. Khi tiền hết, tình cũng tan, người đàn ông sau khi “giúp” chị thành kẻ không nhà liền cao chạy xa bay.
Nữ tỉ phú khao khát tình yêu
Lấy chồng từ thuở đôi mươi, cô gái Phan Thị Tố Na (33 tuổi, ngụ đường Hoàng Diệu, phường Tây Lộc, TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cứ nghĩ cuộc đời từ đây sẽ luôn mỉm cười khi cô tìm được bến đỗ bình yên. Đứa con gái chào đời, cứ tưởng hạnh phúc sẽ được nhân đôi, vậy mà những mâu thuẫn nhỏ nhặt của cuộc sống vợ chồng đã phá nát tổ ấm gia đình một cách chóng vánh.
Cô ôm con về nhà mẹ với đôi bàn tay trắng. Hơn mười năm tất bật, tranh đua giữa thương trường, kinh qua đủ các lĩnh vực kinh doanh, cuối cùng Na cũng khẳng định được vị trí của mình giữa đất Cố đô với chuỗi những shop thời trang cao cấp.
Trong những ngày đi học lái xe, Na quen biết với một người đàn ông và hai người nhanh chóng trở thành bạn bè thân thiết. Dù có hơi luống tuổi, nhưng với vẻ ngoài điển trai, phong độ… y như “Việt Kiều”, người đàn ông nhanh chóng đánh gục Na và cả người thân của cô.
Nhưng oái oăm thay, trong khi Na không bị ràng buộc về hôn nhân thì anh lại cho rằng không thể ly hôn với vợ dù cả hai đã sống ly thân từ lâu, trái với “phong tục” nhà anh nên chỉ có thể sống chung với “vợ” ngoài giá thú.
“Mẹ anh ấy bị bệnh tim nên không thể để bà ấy xúc động mạnh. Anh ấy hứa đợi khi mẹ… qua đời, anh ấy sẽ ly hôn và cho tôi một danh phận rõ ràng”, Na chia sẻ, “nhưng ngặt nỗi mẹ anh ấy còn trẻ lắm và rất khỏe, nên tôi cũng chẳng mong chờ nhiều”. Cũng vì thế mà cả hai chính thức yêu đương và sống cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng” khi anh vẫn đang có vợ chính thức.
Nữ tỉ phú hết thời cho rằng mình đã bị người tình lừa tiền tỉ.
Tuy chỉ là “chồng hờ”, “vợ hờ” nhưng gia đình Na lại coi anh như rể con trong nhà. Hành trình thay đổi cách xưng hô, từ chỗ gọi mẹ Na bằng “chị”, sang bằng “mẹ” của người đàn ông luống tuổi cũng chẳng mấy khó khăn, ngượng ngùng. Mẹ Na cũng nhanh chóng “hòa nhập” với thực tế, chấp nhận người con rể "hờ" chỉ chênh mình dăm tuổi. Với tấm lòng của người mẹ, chỉ cần con hạnh phúc là bà cảm thấy mãn nguyện trong lòng.
Mượn cả tiền mua quan tài của mẹ đưa cho người tình
Vốn ý thức được mình chưa phải là dâu con của “nhà người ta” nên Na hầu như không bao giờ sang nhà của người yêu. Trong khi đó, anh lại thường sang thăm hỏi gia đình Na vào những dịp cuối tuần hoặc lễ tết.
Lạ lùng hơn, sau này mẹ anh còn “thay đổi thái độ”, nhiều lần cùng chị gái anh sang nhà Na chơi. Mỗi lần như thế, mẹ và chị gái anh đều công nhận miệng Na là dâu con trong nhà, dù cả hai chẳng cưới hỏi gì. Có lẽ chính vì những khẳng định chắc nịch của người thân bên “nhà chồng” đã giúp Na sống hết mình, trải hết lòng và trải cả tiền để “vun đắp” tình cảm cùng anh.
Sau một thời gian ngắn “góp gạo thổi cơm chung”, Na mới biết được anh đang lâm vào cảnh bi đát, nợ nần chồng chất. Vốn tình cảm đã mặn mà, lại thương người lúc sa cơ lỡ vận nên nữ "đại gia" xứ Huế quyết định đứng ra gánh nợ giúp người tình.
Bao nhiêu tiền kiếm được, Na đều giấm giúi đưa cho người tình. Na còn thay mặt anh đứng ra vay mượn tiền của những người thân trong gia đình.
Ngay cả số tiền mẹ cô dành dụm cả đời cũng được con gái mượn để tiêu tốn cho người tình. “Số tiền ấy bà chắt chiu mấy chục năm nay để dưỡng già và để mua cái quan tài lúc về với tổ tiên, không ngờ vì thương con nên cũng mất sạch”, giọng người phụ nữ nghèn nghẹn khi nói đến người mẹ.
Cuối cùng, Na mang căn nhà đang ở ra thế chấp ngân hàng để giúp anh thoát một phần cơn hoạn nạn.
Tiền mặt cạn kiệt, nhà đã mang cầm cố, những người quen mặt bên “vợ” cũng đã mượn đến đồng xu cuối cùng, lúc này, người đàn ông phong độ bắt đầu nhắm đến đồ đạc nhà vợ. Đầu tiên là chiếc Honda SH của Na, sau khi mượn đi, anh đã mang thẳng vào tiệm cầm đồ để cầm cố. Dù vô cùng tức giận, nhưng khi nghe những câu nói ân hận, những lời vỗ về, Na lại xuôi lòng tha thứ.
Thấy ngày ngày, ông chồng hờ phải đi lại bằng xe ôm cũng xót, Na lại đưa chiếc xe Honda SH khác trong nhà để anh thuận tiện đi lại. Cũng chỉ được 4 ngày, anh lại mang vào tiệm cầm cố. Cũng như lần trước, khi nghe những câu nói đầy ân hận của người tình cùng với sự “thành khẩn” vô bờ bến, lòng Na lại yếu đuối và xí xóa mọi lỗi lầm.
Có lẽ biết được điểm yếu của người yêu, nên sau mỗi lần “phạm tội”, anh cũng đều ra sức dỗ ngọt người tình. Kịch bản cũ tiếp tục lập lại với hai chiếc xe Vespa hiệu LX và Liberti trong nhà Na.
Sau khi tài sản cuối cùng của Na đã theo chân anh "đội nón" ra đi, ngay cả số tiền 10 triệu đồng cuối cùng còn lại trong ví dùng để mua thức ăn cũng bị người đàn ông này móc sạch. Từ đây, “người đàn ông phong độ” ngày nào cũng lặn mất dấu.
Khi điện thoại không liên lạc được, tìm đến nhà cũng không ai biết anh đã đi đâu, người phụ nữ này mới nhận ra bấy lâu nay mình chung sống với kẻ "đào mỏ" thứ thiệt mà không hay biết.
Vác đơn đi kiện chồng "hờ"
Trắng tay. Không dưng lại phải gánh thêm một đống nợ mà mình từng đứng ra vay mượn giúp người tình, giờ đã đến lúc phải trả, hoảng loạn, bế tắc, Na đành phải sang các tiệm thời trang cho chủ khác lấy tiền trả nợ và để có tiền sống cầm hơi qua ngày. Đang sống trong cảnh sung túc, bỗng chốc thành kẻ không nhà ra ở trọ, ngay cả chiếc xe để đi lại cũng không có, Na như rơi thẳng xuống địa ngục.
Trong một đêm mưa gió, sau khi mệt mỏi vì tìm kiếm gã chồng "hờ" trong điên dại, Na đã ra con sông gần nhà với ý định trầm mình để giải thoát. Nhưng đứng trước dòng sông cuộn cuộn chảy, Na chợt tỉnh ngộ. Trốn tránh có ích gì, khi đẩy gánh nặng sang vai người thân. Nếu không có cô thì mẹ già, em dại và đứa con thơ ai sẽ lo?. Ý nghĩ về gia đình đã cứu cô thoát khỏi lòng sông trong đêm mưa gió ấy.
Gom chút sức tàn, Na đã lê từng bước về nhà. Sau 4 tháng nhốt mình trong phòng tự dằng xé bản thân, cuối cùng cô cũng thoát ra được khỏi vỏ ốc và vạch kế hoạch để “đòi” lại tiền, dẫu biết là rất khó khăn, bởi dân gian vẫn nói “bắc thang lên hỏi ông trời…”.
Na cho biết, sau khi lục tung cả thành phố Huế, mới biết anh đã vào Nam, nhưng chẳng biết chính xác là ở đâu. Người “chị chồng” trước nay vẫn coi cô như là người em dâu trong gia đình giờ cũng tỏ ra lạnh nhạt. Na quyết định gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.
Đến lúc này, bà chị chồng mới “mời” Na sang “nói chuyện”. Sau khi vuốt ve, dỗ dành rút đơn kiện không thành, bà chị này liền giở giọng đe nẹt, dọa nạt, thách thức “cứ ngon thì gửi đơn kiện, xem có làm gì được, hay lại thêm nhục”.
Trong khi bà chị tỏ ra mạnh miệng thì anh có vẻ cũng sợ công an “sờ gáy”. Ít ngày sau khi Na đâm đơn kiện, anh liền nối ngay liên lạc với gia đình cô. Không gọi cho người tình để vỗ về an ủi hoặc van xin tha thứ, anh lại gọi cho mẹ Na nhờ bà khuyên giải con gái. Anh cũng không còn gọi “mẹ” xưng “con” ngọt ngào như trước mà chuyển sang một “chị”, hai “em”. Anh nhờ mẹ Na khuyên nhủ con gái rút đơn kiện lại và một mực khẳng định mình “không hề chạy trốn, chỉ là đi xa để thu xếp công việc, sẽ quay về để trả nợ”.
Dù rất giận gã con rể "hụt", nhưng biết con gái vẫn còn chút lo lắng cho người yêu, nên mẹ Na yêu cầu anh gọi cho Na. Anh thẳng thừng bảo là không nhớ số của “vợ” nên không gọi được, sau đó người đàn ông này cúp máy và tiếp tục biệt vô âm tín. Sau khi nghe chính mẹ kể lại sự “nhẫn tâm” của người yêu, Na mới thật sự tỉnh mộng hoàn toàn.
Trong căn nhà nhỏ lụp xụp gia đình Na vừa chuyển về ở trọ, khác với bức ảnh trên tường với khuôn mặt xinh tươi và nụ cười quyến rũ của người đàn bà mới qua tuổi 30, người phụ nữ ấy giờ gầy guộc, đôi mắt sâu hun hút vì thiếu ngủ, trên trán và khóe mắt cũng hằn lên nhiều vết nhăn do suy nghĩ nhiều. Có lẽ, giờ đây khi trắng tay, cô mới thấm thía hết sự u mê vì tình của bản thân. Và hẳn, chị sẽ nghĩ mãi về câu nói “giá như…”, “giá như…”.
Thông tin từ cơ quan điều tra cho biết, vụ việc đang trong quá trình điều tra làm rõ.