Những nữ sinh "đặc biệt" tại viện Sức khỏe Tâm thần - bệnh viện Q. Hà Nội bị bệnh tâm thần khi còn trẻ do không thể vượt qua được những cú "sốc", stress trong cuộc sống.
Vì đang trong giờ phát thuốc nên phải đợi một lúc chúng tôi mới được gặp và trò chuyện với các bệnh nhân. Nhìn những thiếu nữ mới lớn bị rối loạn thần kinh, không kiểm soát được hành vi của mình, nhiều người cảm thấy... sợ hãi.
Một y tá trong viện cho biết: "Ở nhà mọi người dỗ trẻ con như nào, thì ở viện Tâm thần phụ huynh và người đi chăm dỗ bệnh nhân y như thế. Thậm chí có cả chuyện, thiếu nữ cầm kéo đuổi mẹ khắp hành lang bệnh viện nữa đấy...".
Chúng tôi gặp mẹ con chị Nguyễn Thị M. ngay tại hành lang bệnh viện, khi chị đang dỗ cô con gái 17 tuổi của mình uống thuốc.
Chị M. cho biết, con gái chị vào đây đã được 2 tháng vì chuyện... tình yêu. Đang học lớp 11 trường PTTH Thuận Thành 3 (Bắc Ninh) thì Trần Minh H. (con chị M.) có để ý đến một người học lớp trên.
Chị M. kể, con gái chị rất xì tin, facebook, các bài hát Hàn Quốc, nhưng câu nói hài hước của giới trẻ ngày nay H. đều thuộc hết. Thỉnh thoảng hai mẹ con lại ra ngoài sân chơi bệnh viện ngồi và H. lại hát những bài tiếng Hàn cho mọi người nghe.
"Tết cháu nó vẫn bình thường, còn rủ các bạn cùng lớp về nhà chúc tết và ăn bánh kẹo nữa. Tuy nhiên sau đấy một thời gian thì cháu kêu đau đầu và miệng nói lảm nhảm, gặp ai cũng muốn xem... tướng số cho người ta và hễ gặp con trai lại gào lên "anh Tuấn ơi, đừng bỏ em!".
Qua tìm hiểu từ các bạn chơi cùng, chúng tôi mới biết được là con gái mình có thích một người học lớp 12 nhưng không được đáp lại nên cháu bị "sốc" và phải vào đây điều trị".
Theo chị M., hoàn cảnh nhà chị khá khó khăn, H. mới được hơn 3 tuổi thì chồng vướng vào vòng lao lý. Khi mãn hạn tù trở về, chồng chị H. lại lao vào con đường cờ bạc, rượu chè, thường xuyên đánh đập vợ con.
Đây cũng chính là lý do mà H. thường xuyên chán nản, lao vào yêu đương sớm. Nhưng do không được đáp ứng, cô gái ấy bị rối loạn thần kinh và phải vào bệnh viện tâm thần điều trị.
Được mẹ đưa ra sân chơi bệnh viện ngồi, H. vô tư ngồi hát một bài về tình yêu mà giới trẻ đang ưa chuộng, không những hát, cô còn làm những động tác tay chân, nhắm mắt lại để minh họa cho bài hát nhìn rất buồn cười và ngô nghê.
Nhìn thấy tôi có chiếc điện thoại, H. bảo tôi: "Chị có cái điện thoại đẹp thế, cho em mượn nhắn tin cho anh Tuấn nhé. Số điện thoại của anh ấy là 09873657... anh ấy đang chờ em đến...".
Rồi đột nhiên H. khóc tu tu. Chị M. cho biết, H. thay đổi cảm xúc rất nhanh, vừa khóc, lại cười ngay được, nhưng được cái không đập phá và đánh lại mẹ như nhiều bệnh nhân khác. Nhưng hễ gặp bác sĩ nam hay con trai là đều cho rằng, đấy là người tên Tuấn và kéo vào nói chuyện với mình.
Không chỉ chị M. mà chị T. chị D. khi có con gái vẫn đang ngồi trên ghế nhà trường, bỗng nhiên "được" chuyển khẩu về... viện tâm thần đều có nhiều tâm sự, tốn kém về vật chất đã đành, họ còn nỗi đau về tinh thần khó có thể nguôi ngoai.
Bởi sinh con ra, ai cũng mong con cái được khỏe mạnh, ngoan ngoãn, bỗng dưng phải đưa con vào đây điều trị là điều không ai mong muốn.
Chị D. nói: "Con trai thì không nói làm gì, nhưng khi có con gái vào bệnh viện tâm thần mới thấu hiểu được nỗi vất vả vì lo không biết sau này cháu khỏi bệnh, có ai lấy không, chứ bố mẹ khỏe mạnh thế này cũng có lúc già và mất đi, nếu không có chồng con, nó sẽ bấu víu vào đâu...".
Bác sĩ Trần Văn Nam, làm việc ở Viện kể cho chúng tôi nghe về nhiều trường hợp "cười ra nước mắt" của những bệnh nhân "đặc biệt này".
Có lần anh đang khám bệnh, thì một bệnh nhân trẻ ở phòng bên vào khen: "Bác sĩ đẹp trai quá!" rồi cầm tay anh vuốt ve. Sau đó còn đòi... hôn bác sĩ vì đẹp trai giống diễn viên Hàn Quốc.
Sau khi được khuyên bảo về phòng nghỉ ngơi thì cô nữ sinh lại chê anh bụng... to quá, cần phải tập thể dục mới đẹp...
Anh bảo, người bị thần kinh rất dễ thay đổi cảm xúc, vừa khóc tu lại cười khanh khách, vì thế nhiều bác sĩ, y tá mới ra trường cảm thấy sợ khi tiếp xúc với bệnh nhân, nhưng lâu dần thành quen, họ đã coi những bệnh nhân ấy như người thân của mình để kiên trì điều trị.
Không chỉ có chuyện bệnh nhân đòi hôn bác sĩ mà chuyện bệnh nhân yêu... bệnh nhân ở đây cũng không hiếm. Trần Linh Q. là một bệnh nhân được điều trị ở đây được 6 tháng. Trước khi vào đây. Q. là một kế toán của công ty Xây dựng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội).
Chị Hậu - người chăm sóc cho Q. cho chúng tôi biết: "Năm nay Q. 25 tuổi, tốt nghiệp đại học Thương mại và đi làm được hai năm. Một năm trước Q. có yêu một người làm cùng, tình cảm mặn nồng, hai gia đình đã chuẩn bị gặp mặt thì D. - người yêu Q. "quất ngựa truy phong" khi cái thai đã được 3 tháng.
Quá đau khổ, Q. bỏ cái thai đi và mắc bệnh trầm cảm, không muốn tiếp xúc, nói chuyện với ai. Lâu dần, gia đình phải đưa vào đây điều trị...".
Theo chị Hậu, vì gia đình Q. là công chức nên không có thời gian chăm sóc Q. đành thuê chị chăm sóc ban ngày, ban đêm mới có người vào đây.
Ở bệnh viện một thời gian, Q. lại "thích" một bệnh nhân tên T. - cũng vào đây điều trị, cứ ngồi ở phòng một lúc, Q. lại đòi ra ngoài sân chơi để có cơ hội nhìn thấy anh T.. Chị Hậu bảo: "Tôi phải để mắt liên tục đến cô ấy, nếu không là tìm không thấy đâu.
"Nàng" đang đòi đi mua quần áo để tối đi chơi với anh T.. Khổ lắm, lúc tỉnh táo thì lụy tình, giờ bị bệnh cũng như thế này nên người nhà bảo tôi phải liên tục để mắt đến không lại xảy ra chuyện gì thì... mệt lắm...".