Nộp phạt qua ATM
Mới đây, phòng Cảnh sát giao thông công an Hà Nội đưa ra đề xuất thí điểm đặt cây ATM tại các trụ sở tiếp dân của cảnh sát giao thông để tạo thuận lợi cho người vi phạm nộp phạt.
Theo đó, khi người vi phạm có quyết định nộp phạt thì có thể cầm tiền mặt vào nộp phạt ở cây ATM tại trụ sở cảnh sát giao thông hoặc chuyển khoản rồi lấy biên lai thu tiền mà không cần phải ra kho bạc hay ngân hàng nộp phạt như hiện nay.
Theo đại tá Đào Vịnh Thắng, trưởng phòng Cảnh sát giao thông công an Hà Nội, đề xuất này sẽ rút ngắn được thời gian và các thủ tục không cần thiết cho người dân. Việc xử phạt này cũng nhằm xây dựng hình ảnh cảnh sát giao thông gần gũi, thân thiện với người dân.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa ở Bùi Xương Trạch (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ với PV chuyện ông đã mất khá nhiều thời gian cho việc nộp tiền phạt vi phạm giao thông. Cách đây không lâu, ông Nghĩa lái xe ô tô đi Bắc Ninh có việc, bị cảnh sát giao thông phạt chạy quá tốc độ và thu bằng lái xe.
Sau hơn chục ngày, ông Nghĩa phải đến phòng cảnh sát giao thông Hà Nội lấy quyết định xử phạt. Tiếp đó, ông lại phải mang quyết định đó ra kho bạc Nhà nước nộp phạt, cuối cùng quay về lại phòng Cảnh sát giao thông hoàn thiện nốt thủ tục để lấy bằng.
"Công việc kinh doanh của tôi khá bận rộn, riêng việc đi nộp phạt đã mất nửa ngày, đấy là tôi còn gặp may khi đến lúc kho bạc vắng người chứ đông thì chẳng biết làm sao. Tôi rất vui mừng khi biết cảnh sát giao thông công an Hà Nội đưa ra đề xuất nộp phạt giao thông qua cây ATM. Trước đó, rất nhiều người bạn của tôi cũng từng phàn nàn về việc nộp phạt vi phạm giao thông quá phức tạp", ông Nghĩa chia sẻ.
Ảnh minh họa
Trao đổi với PV, ông Đào Văn An (một cán bộ hành chính tại Hà Nội) cho rằng, hiện nay, hệ thống ATM chưa phổ biến và chưa đáp ứng nhu cầu, kể cả rút tiền thì nói chi đến nộp phạt.
Theo đó, không phải ai cũng có thẻ ATM, đa số là người nông thôn, người lao động phổ thông, số người vi phạm cũng phần nhiều thuộc tầng lớp này. Phần lớn những người này không dùng tài khoản ngân hàng.
"Theo tôi, hiện nay thì đề xuất thu tiền phạt vi phạm giao thông qua ATM rất khó thực hiện, chưa nên làm ngay. Tuy vậy, sau này phải phổ cập thu tiền phạt vi phạm giao thông qua cây ATM nhưng điều quan trọng là phải xây dựng cơ sở vật chất hoàn thiện, chuẩn bị điều kiện để triển khai trong vài năm tới.
Tuy vậy, tôi cũng thấy đề xuất có điểm tích cực là giảm được tiêu cực trong cảnh sát giao thông, người dân chúng tôi cũng đỡ mệt với đủ loại thủ tục hành chính phiền hà khác", ông An nói.
Không nhất thiết phải giấy trắng mực đen
Trước đề xuất trên của phòng Cảnh sát giao thông công an Hà Nội, sáng 4/4, trao đổi với PV, ông Phạm Anh Tuấn, phó tổng giám đốc Vietinbank nêu quan điểm: "Đề xuất này bên phía ngân hàng chưa nhận được cụ thể. Thật ra, khi đề xuất được thực hiện thì phía ngân hàng chúng tôi cũng không có gì khó khăn.
Hiện nay, người vi phạm giao thông phải đi nộp phạt, sau đó lấy giấy xác nhận để quay lại cơ quan công an lấy giấy tờ. Đề xuất này tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người vi phạm, khi đó người vi phạm sẽ không phải tìm đến một địa điểm duy nhất là kho bạc mà có thể nộp ở nhiều cơ quan khác, sau đó ATM in ra biên lai là xong".
"Về mặt kỹ thuật, tôi thấy không có vướng mắc gì, việc nối mạng thông suốt. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, để công nhận những cái nào là giấy tờ hợp pháp, đủ tính xác thực để khi phản hồi quay trở về cơ quan công an có thể đối chiếu, trao trả giấy tờ cho người vi phạm là những vấn đề cần bàn cụ thể hơn.
Khi nộp phạt, máy ATM in ra rõ ràng không có dấu và thiếu rất nhiều công đoạn. Nếu để đi vào thực tế và mang tính khả thi thì phải là sự thống nhất của các bộ, ngành liên quan. Phải coi biên lai của cây ATM đó đủ cơ sở pháp lý để hoàn trả giấy tờ cho người vi phạm", ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Cũng theo vị phó tổng giám đốc Vietinbank, máy ATM chỉ có thể in ra một giấy giống giấy báo số dư như mỗi khi khách hàng giao dịch. "Vấn đề là chúng ta phải tin vào đó, thay đổi tư duy cải cách hành chính chứ không nhất thiết cái gì cũng phải giấy trắng mực đen, dấu đỏ... Theo đó, giữa cơ quan công an và phía các ngân hàng để kiểm chứng, xác thực giấy tờ không khó, có thể kiểm tra chéo, kiểm tra trên hệ thống website tự động", ông Tuấn nói.
Theo ông Phạm Anh Tuấn đánh giá, đề xuất này hoàn toàn có thể thực hiện được, miễn đó là việc của cơ quan công an và ngân hàng, đừng "hành" người dân. Hệ thống khi đi vào triển khai hoàn toàn tự động, ngân hàng cũng không lo phải "gánh" thêm việc.
Tuy nhiên, đề xuất này chỉ có thể áp dụng với người vi phạm có sử dụng thẻ ATM. Trong khi một bộ phận không nhỏ người vi phạm là lao động phổ thông, người nghèo không dùng thẻ ngân hàng.
Cùng trao đổi về đề xuất trên, một lãnh đạo của ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPbank) bày tỏ sự đồng tình, hoan nghênh. Vị cán bộ này cho rằng, đề xuất hoàn toàn có tính khả thi.
Hiện nay, rất nhiều khoản thu như phí điện, nước, điện thoại, internet và tiến tới là phí giao thông được thu qua cây ATM thì đó là một sự nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, công sức của các bên.