Nơi vợ chồng cưới nhau nhưng không được ở cùng nhà

Tổ chức xong lễ cưới, người vợ và người chồng ai lại về nhà người ấy sinh sống bình thường. Trong suốt thời gian đầu sau khi cưới, hai người qua lại nhà nhau như khi còn tán tỉnh.

Chỉ đến khi nào người vợ có thai, thì chồng mới được đến rước về ở chung một nhà… 

Nơi chồng “phải” lấy vợ hơn tuổi… Cách trung tâm xã Tát Ngà hơn 10km đường đèo dốc ngoằn ngoèo, một bên là vách núi cao ngút tầm mắt, một bên là vực sâu hun hút, xóm Thăm Noong, xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang là điểm đến hấp dẫn, một thử thách thực sự đối với tôi, một chàng trai trẻ lần đầu tiên đặt chân tới Hà Giang. 

Sau gần 2 giờ đánh vật với ngựa sắt “bất kham”, cuối cùng tôi cũng đặt chân tới địa phận xóm Thăm Noong, nơi mà đồng chí Lò Văn Sí, Chủ tịch UBND xã Tát Ngà bật mí, vẫn còn giữ được rất nhiều phong tục, tập quán độc đáo và thú vị. 

Được xem là bản người Xuồng duy nhất ở huyện Mèo Vạc, xóm Thăm Noong vẫn giữ cho mình một nét gì đó hoang sơ, kì bí, khơi dậy trong chúng tôi sự tò mò đến bất tận. Tiếp xúc với tôi, ông Nùng Y Hoo, một già làng trong bản, tay bắt mặt mừng khi biết có nhà báo dưới xuôi lên tìm hiểu văn hóa của dân tộc mình. 

Sau chén rượu ngô thơm nồng, được xem như một nét đẹp văn hóa của người Xuồng khi có khách quý đến chơi nhà, ông hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về những phong tục, tập quán cũng như cuộc sống sinh hoạt của người Xuồng. 

Đôi mắt thẳm sâu, giọng nói ồm vang, tựa như giọng nói từ ngàn xưa vọng về, những câu chuyện già làng Hoo kể, có một sức hút ghê gớm đối với người nghe. Một trong những phong tục tập quán độc đáo nhất của người Xuồng là việc đàn ông “phải” lấy vợ hơn tuổi. 

Khi tôi thắc mắc hỏi già làng Hoo, phong tục này có tự bao giờ và bắt nguồn từ đâu mà có, già làng Hoo chỉ cười hiền hậu, đáp rằng: “Ây da! Phong tục này có từ lâu lắm rồi mà, chẳng nhớ là có tự bao giờ và bắt nguồn từ đâu mà. Chỉ biết từ thời ông bà, cha mẹ già đã có rồi”. 

Theo quan niệm của người Xuồng, khi lấy vợ, người đàn ông sẽ chọn những người phụ nữ hơn tuổi mình, bởi họ có kinh nghiệm trong việc làm ăn, cũng như chăm sóc gia đình tốt hơn những người ít tuổi. Theo khảo sát của chúng tôi, có tới gần 100% đàn ông ở xóm Thăm Noong đều lấy vợ hơn tuổi, ít nhất là 2-3 tuổi.

Nơi vợ chồng cưới nhau nhưng không được ở cùng nhà
Già làng Nùng Y Hoo kể cho PV nghe về những văn hóa lạ của người Xuồng.

Cưới nhau xong, ai về nhà ấy… Một điều khá kỳ lạ trong phong tục cưới xin của người Xuồng ở Hà Giang là: Vợ chồng mới cưới nhau không được ở chung một nhà. Chia sẻ với tôi, anh Nùng Y Sỉnh, 38 tuổi, trú tại xóm Thăm Noong cho biết: Tập tục này của người Xuồng đã có từ lâu đời. Thông thường sau quá trình tìm hiểu, khi cả hai bên gia đình đã đồng ý, đôi trai gái sẽ tổ chức cưới xin. 

Tuy vậy, sau khi đã thành vợ, thành chồng, vợ chồng không được ở chung một nhà, mà ai lại về nhà người ấy để sinh sống, làm việc. Trong suốt thời gian đó, vợ chồng vẫn qua lại nhà của nhau như khi còn tán tỉnh. Người chồng đến nhà bố mẹ vợ ở 3, 4 ngày để làm việc, sau đó lại đến lượt người vợ qua nhà người chồng làm việc và ăn ở khoảng vài ngày. Vợ chồng chỉ chính thức được về sống chung với nhau dưới một mái nhà khi người vợ có thai.

Nơi vợ chồng cưới nhau nhưng không được ở cùng nhà
Vẻ đẹp của những bản làng nơi địa đầu Tổ quốc.

Có rất nhiều trường hợp, hai người lấy nhau đã 4,5 năm, nhưng vẫn chưa được về ở chung một nhà, do người phụ nữ chưa mang thai giọt máu của người chồng. Đấy là trường hợp của anh Nùng Y Dạo, 26 tuổi và chị Chạo Thị Sùi, 28 tuổi, cùng trú ở xóm Thăm Noong. 

Cưới nhau xong, vì điều kiện kinh tế khó khăn, anh Dạo đi xuất khẩu lao động sang Malaysia 3 năm. Sau khi về nước, dù lâu ngày xa cách, nhưng hai vợ chồng anh vẫn không được sống chung dưới một mái nhà, mà ai vẫn ở nhà người ấy. 2 năm sau đó, chị Sùi mới mang thai đứa con đầu lòng. Lúc này, đôi vợ chồng trẻ mới chính thức được về chung sống với nhau dưới một mái nhà, giờ đây cuộc sống của họ vô cùng hạnh phúc. 

Một trường hợp khác, là gia đình vợ chồng anh Chảo Văn Bảo, 32 tuổi, lấy vợ hơn 2 tuổi. Cưới xong, cũng phải mất tới 2 năm vợ chồng anh mới được ở chung dưới 1 mái nhà. Thậm chí, khi mang thai, vợ anh Bảo còn sinh tại nhà mẹ đẻ, khi mẹ tròn con vuông, vợ chồng con cái mới về sống cùng nhau. 

Đám cưới của người Xuồng thường được tổ chức khá to, kéo dài 2-3 ngày. Cả họ nhà trai, nhà gái đều sắp xếp mỗi ngày khác nhau để có dịp mời cả dân làng trong thôn, bản, cùng anh em bạn bè tới uống rượu mừng và chúc phúc cho đôi bạn trẻ. 

Trong đêm diễn ra đám cưới, tất cả mọi người quây quần bên những mâm rượu và bếp lửa, cùng ăn uống no say, trò chuyện cùng nhau cho tới tận sáng. Đấy cũng được xem là dịp để mọi người trong thôn bản có thể gắn kết thêm tinh thần đoàn kết, yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. 

Điều may mắn nhất của chúng tôi khi đặt chân đến mảnh đất còn gì đó xa lạ này là nhận được sự thương yêu, đùm bọc của bà con dân bản. Tối hôm chúng tôi ngủ nhờ nhà anh Chảo Văn Bảo, tất cả mọi người trong làng, một phần vì tò mò vì có nhà báo dưới xuôi lên, một phần vì muốn kết giao với những vị khách từ phương xa tới nên đã ngồi chật kín sàn nhà. 

Thực sự  trong bầu không khí đó, mọi người mới cảm nhận hết sự ấm cúng, tình cảm chân thành, mộc mạc của người dân thôn bản dành cho những vị khách phương xa. Dù rất muốn ở lại cùng người dân xóm Thăm Noong thêm 1,  2 ngày nữa, nhưng do thời gian không cho phép, nên chúng tôi lại phải chia tay để tiếp tục lên đường. Hình ảnh xóm người Xuồng mỗi lúc một xa khỏi tầm mắt chúng tôi. Dù không nói thành lời, nhưng chúng tôi tự nhủ sẽ có một ngày sẽ trở lại Thăm Noong.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại