Sách "Đại Nam nhất thống chí" chép: “Tên nỏ sản xuất ở huyện Yên Thế, cát sâm sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn…”.
Chữa bệnh mù lòa cho mẹ vua
Sâm Chung Sơn có nhiều huyền tích mờ tỏ. Chuyện dân gian rằng mẹ vua Tự Đức bỗng mắc phải chứng mù lòa dù thái y đã sắc cho đủ loại thuốc quý bệnh tình vẫn không chuyển.
Dân Bảo Lộc Sơn nghe tin liền dâng lên bà mấy củ sâm Chung Sơn (núi Chuông hay còn gọi là núi Dành - PV).
Một thời gian mắt mẹ vua lại nhìn thấy ánh sáng. Còn sách "Đại Nam nhất thống chí" chép: “Tên nỏ sản xuất ở huyện Yên Thế, cát sâm sẵn ở đỉnh núi Chung Sơn…”.
Bà Thọ, mẹ vợ ông Thân Văn Thành ở thôn Đầm Sen xã Việt Lập (Tân Yên, Bắc Giang) nếu còn sống phải 120 - 130 tuổi bởi người con rể năm nay cũng đã 91 tuổi.
Bà là người thuộc nghề thuốc nam, biết địa điểm cây sâm quý mọc trên núi Dành hơn ai hết trong vùng.
Một củ sâm đổi ngang vài chục cân gạo.
Cánh chánh phó tổng như tổng Tường, chánh Chức, chánh Nhạnh, chánh Hội Sáng… săn sâm như săn đón vàng bởi lẽ phần để nhà dùng, phần để nộp lên quan trên xin giảm tô, giảm thuế.
Ngoài bồi bổ sức khỏe, sâm núi Dành còn được dùng trong những trường hợp người bệnh thập tử nhất sinh, thoi thóp chưa kịp trăng trối con cháu ở xa thì người nhà sẽ cắt một lát sâm cho ngậm.
Việc cầm cự có thể được vài ngày. Lát sâm được rút ra khỏi miệng cũng là thời khắc người bệnh đi theo tiên tổ.
Vợ chồng ông Thành có tới mười người con, chúng thường xuyên bị sài đẹn, nóng sốt.
Thương cháu, bà Thọ vẫn thường lên núi Dành để kiếm sâm về.
Mỗi chuyến đi có khi kéo dài tới vài ba ngày. Nhờ sâm mà ông bà giữ lại được tất cả mười núm ruột.
Có lần thấy mẹ vợ đưa cho mấy củ sâm còn quá nhỏ ông Thành không nỡ dùng mà đem trồng ở một góc vườn.
Năm 1968, vợ chồng ông chuyển nhà từ phía tây về phía nam núi, mấy gốc sâm hoang cũng được di về.
Theo thời gian, sâm dần biến mất trên núi Dành, bà Thọ cũng thành người thiên cổ. Chỉ còn mấy gốc sâm dại là vẫn mọc bên góc vườn nhà ông Thành.
Tháng tám chúng bung nở từng chùm hoa dài cả gang tay như những cái chuông nhỏ trắng ngà.
Hoa tàn, nhụy rữa cũng là lúc những quả dài thuôn như ngón tay người thành hình.
Lá xanh rồi lại lá vàng. Hoa nở rồi lại hoa rụng. Gần nửa thế kỷ trôi qua mấy gốc sâm hầu chỉ những người trong gia tộc họ Thân là biết rõ.
Củ sâm mọc lưu cữu hàng chục năm nên rất to và rất nhiều. Cứ bập cuốc xuống là thấy sâm.
Khi gặp cơn mưa to trôi hết lớp đất bên trên củ sâm lại nổi lên như đàn lươn, đàn rắn.
Thỉnh thoảng ông Thành lại sai mấy đứa con đào mấy củ sâm phần ngâm rượu, phần phơi khô đem sắc uống như thưởng trà.
Ngoài Việt Lập, sâm còn có ở xã Liên Chung cũng chung một dải núi Dành. Những gốc sâm cổ được người dân giữ gìn rất cẩn thận.
Hễ lên núi mà thấy sâm là người ta tuốt hết lá để người khác không nhận dạng được. Sâm đã hiếm lại càng thêm hiếm.
Ngậm ngải tìm... sâm
Người ta kỳ vọng sâm Chung Sơn sẽ thành một sản vật đặc trưng cho khu du lịch tâm linh trên núi với tâm thế: "Núi không cần cao trên có tiên ở khắc linh.
Đầm không cần sâu dưới có rồng ở khắc thiêng”. Nhưng với tình hình này không biết bao giờ giấc mơ ấy mới thành sự thực.
Anh Trần Đình Dũng, Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường huyện Tân Yên, sau khi biết tin về sâm núi Dành đã nhiều lần khảo sát thực địa nhưng đều không tìm thấy.
Một lần tình cờ anh được ông Nguyễn Văn Được ở Liên Chung mời uống một bình rượu quý.
Dù loại thảo dược trong bình đã bị cắt lát nhưng vị sâm vẫn thơm rất đặc trưng. Linh tính báo cho anh Dũng biết đó chính là sâm núi Dành.
Cả mừng anh hỏi thì ông Được cho hay ở trên núi vẫn còn một gốc sâm cổ mà để tránh đào trộm ngay cả con cháu ông cũng không hề hé miệng.
Nếu anh thực sự có lòng hôm nào quay lại ông sẽ chỉ.
Không may vài ngày sau ông Được ốm cấm khẩu, chết bất đắc kỳ tử khiến cho lời hẹn kia trở thành dang dở, manh mối cây sâm núi bỗng tựa phù vân.
Chuyện tìm sâm tưởng lâm vào thế cùng đường thì tình cờ một ngày ông Nguyễn Khắc Lư ở xã Liên Chung báo tin trong một lần làm nương trên núi Dành có cuốc phải một bụi cây mùi thơm như sâm nên đem về nhà trồng.
Vậy là anh Dũng liền tìm đến. Đó chính là cây sâm núi Dành bằng xương, bằng thịt.
Bất ngờ hơn, một người dân ở trong xóm còn nhận lời dẫn đoàn đi quay phim mấy gốc sâm cổ ở trên núi nằm khuất lấp giữa rừng guột.
Tin truyền tin, cuối cùng anh cũng tiếp cận được bốn hộ đang sở hữu sâm núi Dành.
Cụ thể ở thôn Đầm Sen xã Việt Lập có bố con ông Thân Văn Thành với gốc sâm cổ nửa thế kỷ loại năm lá chét, ở thôn Hậu xã Liên Chung có ông Nguyễn Khắc Lư, Nguyễn Khắc Lừng, Nguyễn Khắc Lẫy có bốn gốc sâm trên mười năm tuổi trong đó ba gốc sâm ba lá chét, một gốc sâm năm lá chét.
Sâm núi Dành càng cổ càng quý.
Thân Hải Đăng, con trai ông Thân Văn Thành, một buổi đào hố trồng gốc nhãn đã bới được một củ sâm khổng lồ to như cổ tay người lớn và phân nhánh như một cái sừng hươu, trọng lượng khoảng 1kg.
Củ sâm to ngoại hạng đó cực hiếm còn củ to như chuôi dao, chuôi liềm rất sẵn. Khi biết được tin về gốc sâm cổ ở của ông Thành anh Dũng liền tìm đến.
Hỡi ôi, vườn sâm đã tan hoang không còn một lá. Thấy vẻ mặt tiếc ngẩn, tiếc ngơ của anh, anh Đăng phân trần: “Bà vợ tôi sơ ý quá nên để đàn gà sổng chuồng vặt sạch lá.
Chẳng biết có bổ béo gì không mà gà rất thích ăn lá sâm anh ạ”.
Một tấm lưới cấp tốc được phát cho anh Đăng để đem rào những gốc sâm quý.
Một dự án bảo tồn sâm núi Dành tại hai xã Việt Lập và Liên Chung cũng được lập ra.
Sâm núi Dành thuộc họ leo bò như khoai lang. Sâm nhân giống bằng hạt rất khó, bằng cành cũng không kém gian lao nên dân gian thường đào các dây sâm đã có rễ để trồng.
Dây sâm dài khoảng một gang tay là nẩy ra một “mắt”.
“Mắt” ấy khi bấm xuống đất, ra rễ thì hình thành nên củ. Củ sâm lớn rất chậm chứ không được như củ khoai.
Năm đầu tiên chúng nhỏ như cái đũa, phải mất bảy tám năm mới lớn bằng chuôi dao, chuôi liềm. Giống sâm Liên Chung cho củ nhỏ hơn sâm ở Việt Lập.
Sự nổi tiếng còn tai hại hơn cả những cái mỏ của đàn gà háu đói nhà anh Đăng.
Hết đem đi triển lãm, phân tích mẫu lại làm quà biếu, mấy bình sâm ngâm sẵn không còn đã đành mà những củ to, củ nhỡ rồi củ nhỏ trong vườn cũng bị đào bới đến kiệt quệ.
Lúc tôi đến, vườn sâm trơ lại những rễ là rễ. Nể khách quý, anh Đăng mới lầy lật xuống bếp, lôi trong xó xỉnh, ngóc ngách nào đó một bình rượu sâm đã vơi mất nửa.
Anh cười hề hề: “Không cất xuống dưới đấy thì bây giờ cũng chẳng còn một chén để mà đãi anh đâu.
Mong muốn duy nhất của chúng tôi là các nhà khoa học hãy nghiên cứu xem sâm núi Dành bổ béo ra sao, công hiệu chữa bệnh thế nào chứ cứ để như thế này dân chúng tôi chẳng biết xử trí thế nào cả”.
Chén rượu sâm trong cổ họng tôi vẫn thơm nguyên mùi sâm nhưng không còn thấy vị ngọt hậu