Những quy định tổ chức đám cưới "độc" ở Việt Nam

Theo Phunutoday |

Thời gian gần đây, các tỉnh thành trong cả nước thường xuyên ban hành những quy định "độc": chỉ được tổ chức vào 2 ngày nhất định trong tháng, chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy đăng ký kết hôn và không được quá 50 mâm...

Có quy định khi đi vào thực tiễn đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ phía người dân nhưng cũng có những quy định "thiếu tính thực tế", "không khả thi" khiến dư luận hoang mang, lo lắng.

Vĩnh Phúc: chỉ được tổ chức đám cưới 2 ngày/tháng

Thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc – tỉnh Vĩnh Phúc) có hơn 14000 nhân khẩu. Nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi làng nghề chế biến gỗ và sản xuất đồ gia dụng mà còn nổi tiếng bởi một bản quy ước 5 chương, 38 điều rất lạ về văn hóa – xã hội.

Trong quy ước ấy có điều 7 quy định về đám cưới 6 không ở thị trấn như sau: Không tổ chức dài ngày, không ăn uống linh đình, không hút thuốc lá, không sử dụng nhạc sống, không sân khấu đèn nhảy, không sử dụng loa có công suất lớn.

Theo quy ước đó, đám cưới chỉ được tổ chức vào hai ngày trong tháng (theo lịch âm) đó là mồng 2 và 16. Riêng các tháng  9, 10, 11 thì thêm hai ngày nữa là ngày 10 và 22.

Ngoài quy định về thời gian, bản quy ước còn nói rõ cô dâu không được mặc váy cưới mà chỉ được mặc tân thời hoặc thường phục, không được chơi nhạc sống, không dùng đèn nhấp nháy, không được đánh bạc và cấm hút thuốc lá.

Trước khi cưới, nhà trai phải làm đơn lên thị trấn rồi xin ký vào bản cam kết tuân theo quy định mới được cưới. Theo đó, nam thanh nữ tú là người cùng thị trấn lấy nhau hoặc con trai lấy vợ thiên hạ thì hai gia đình đều phải tuân theo quy định của thị trấn. Con gái lấy chồng nơi khác thì được miễn trừ, không phải tuân theo.

Trước đây, ở thị trấn Yên Lạc, đám cưới thường được tổ chức linh đình, mỗi đám vài trăm mâm cỗ; nhà nào cũng mời nhạc sống, sân khấu ngoài trời, sàn nhảy, thanh niên nhảy múa suốt đêm.

Từ khi quy ước về tổ chức đám cưới được đưa vào thực hiện tình trạng trên đã không còn nữa.

Đám cưới trong thị trấn chỉ tổ chức 2 ngày theo quy định của bản quy ước và không tiệc cưới linh đình, không váy áo rườm rà.

TP.HCM: Nhà hàng chỉ tổ chức tiệc cưới khi có giấy đăng ký kết hôn

Đầu tháng 12, Sở VHTT&DL TP.HCM đã họp lấy ý kiến đóng góp của hơn 60 doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng tổ chức tiệc cưới tại các quận nội thành về cách tổ chức "thực hiện các tiêu chuẩn công nhận cơ sở, nhà hàng tiệc cưới văn hóa 2012 - 2015".

Trong tiêu chuẩn về văn minh - lành mạnh - tiết kiệm có nội dung "cơ sở, nhà hàng chỉ tiến hành tổ chức tiệc cưới khi có giấy chứng nhận kết hôn".

"Tiêu chuẩn" này ngay sau đó đã bị rất nhiều người cho là không phù hợp với thực tế vì "cưới là cưới mà kết hôn là kết hôn".

Còn các doanh nghiệp thì cho rằng "nhà hàng chỉ là nơi để tổ chức tiệc cưới, không phải là cơ quan quản lý nhà nước nên không có quyền yêu cầu khách hàng phải trình giấy chứng nhận kết hôn".

Theo một cán bộ Sở VHTT&DL TP.HCM, việc tổ chức một đám cưới đúng pháp luật là cần thiết. Nhiều khách hàng sẵn sàng chấp nhận một vài điều kiện để được tổ chức tại các nhà hàng có đầy đủ các yếu tố văn minh, lịch sự, tiết kiệm, có văn hóa.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn đặt ra là mang tính tự nguyện, không bắt buộc các nhà hàng đăng ký tham gia.

Rất nhiều người cho rằng cho rằng quy định “nhà hàng chỉ tổ chức tiệc
cưới khi có giấy đăng ký kết hôn” không phù hợp với thực tế.

Hà Nội: Công chức thủ đô tổ chức tiệc cưới không quá 50 mâm

Tháng 10/2012, Thành ủy Hà Nội đã ban hành quy định về văn minh việc cưới. Theo đó, khách mời không quá 300 người (tương đương 50 mâm cỗ), nếu nhà trai và nhà gái tổ chức tiệc chung thì không quá 600 người; không tổ chức tiệc cưới nhiều lần; không mời khách trong giờ làm việc.

Thành ủy cũng yêu cầu không tổ chức cưới ở những nơi chi phí quá tốn kém, không phù hợp với đời sống, thu nhập chung của dân cư và cán bộ công chức (khách sạn 5 sao, khu du lịch cao cấp...).

Đám cưới xa hoa, linh đình như thế này sẽ bị cấm ở Hà Nội (ảnh minh họa).

Quận Hà Đông đã quy định đám cưới không được làm quá 40 mâm cỗ , tổ chức cưới gọn ở một nơi, trong một ngày, không mời tràn lan; khuyến khích tổ chức tiệc trà, cưới tập thể, cô dâu mặc áo dài dân tộc; cán bộ, đảng viên, công chức không đi ăn cỗ trong giờ hành chính...

Quy định này đã nhận được những ý kiến trái chiều. Những ý kiến ủng hộ cho rằng đây là quy định nhằm thực hiện chủ trương tiết kiệm. Luồng ý kiến phản đối cho rằng, quy định này đã can thiệp quá sâu vào đời sống cá nhân, việc đếm người, đếm mâm đám cưới là không khả thi.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại