Bãi rác Tân Lập thuộc xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang là một trong những bãi rác lớn của tỉnh Tiền Giang đã có từ lâu và nhiều người dân cũng đã gắn bó với nghề nhặt rác tại đây hàng mấy chục năm nay. Bất kể ngày đêm, không ngại mùi hôi thối, họ vẫn lầm lũi, cặm cụi mưu sinh trên bãi rác.
Những thứ kiếm được nơi đây dù chỉ là một vỏ lon sữa, mấy tấm bìa carton, vài ba mẩu sắt vụn, một hai chai nhựa đã cũ… cũng làm ấm lòng và đủ để họ trang trải cho cuộc sống đời thường.
Mỗi lần đi qua khu vực bãi rác, mọi người dễ dàng phát hiện những bóng người nhấp nhô đang đào bới, tìm kiếm phế liệu trên các núi rác khổng lồ. Trung bình mỗi ngày có khoảng 60 người nhặt rác tại nơi đây. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau trên địa bàn tỉnh, thậm chí có những người ở tận Bến Tre, Long An, Kiên Giang… cũng về đây mưu sinh.
Ngày nào cũng vậy, bất kể ngày nắng hay mưa, cả bãi rác giống như một công trường với những kiếp người đang làm việc hăng say. Trong đó hầu hết là phụ nữ và thanh niên, khuôn mặt rám nắng, quần áo vấy bẩn, lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi.
Đồ bảo hộ của họ chỉ là những đôi bao tay mỏng dính, một số người chỉ mang đôi dép xốp hoặc đôi ủng để nhặt rác. Trong khi đó, dưới chân họ là từng đống kim tiêm ngổn ngang luôn chực chờ đe dọa.
Họ là những người có cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn hoặc không có đất sản xuất nên rời quê và sống nhờ vào bãi rác và xem nghề thu nhặt phế liệu như một nghề để mưu sinh. Túi ni lông, chai nhựa, lông vịt, mẩu giấy vụn… là những thứ mà người đời bỏ đi nhưng đối với họ đó lại là những "chiến lợi phẩm" có giá trị.
Người có thâm niên cao nhất sống với nghề nhặt rác cũng đã trên 20 năm. Nhiều người có tuổi đáng lẽ ra phải ở nhà vui vầy cùng con cháu vậy mà họ vẫn miệt mài với công việc vất vả và tổn hại sức khỏe này.
Có thể nói, nghề nhặt rác tuy vất vả nhưng đã giúp bao gia đình vượt qua khó khăn, trang trải cuộc sống. Vẫn biết nguy hiểm, bệnh tật luôn rình rập họ từng giây, từng phút, nhưng với họ nhặt rác đã là cuộc sống, là tương lai, là hi vọng chắp cánh ước mơ cho các con ăn học…
“May mắn thì có ngày cũng dành dụm được hơn trăm ngàn, ngày ít cũng được vài chục nghìn. Chỉ mong sau các con biết cái công của cha mẹ mà tu chí học hành đến nơi đến chốn….”- Đó là hi vọng là nỗi niềm của những người suốt ngày chỉ biết sống với rác.
Không thể không nhắc đến những “chuyện tình từ bãi rác”. Họ gặp nhau, cưới nhau rồi cùng nhau mưu sinh trên bãi rác. Cứ sáng sớm họ khăn gối ra đi, chập tối lại quay về với con cháu. Ngày nào cũng thế, dù bệnh tật họ vẫn miệt mài với công việc không dám nghỉ ngơi.
“Chúng tôi làm nghề nhặt rác đã hơn 10 năm, lúc đầu nhặt ở bãi rác Mỹ Phong gặp nhau rồi cưới nhau. Bãi rác dời lên đây chúng tôi kéo nhau lên đây sinh sống. Sáng đạp xe từ Mỹ Tho lên Tân Lập, chiều tối kéo nhau về nhà chăm lo cho các con. Tuy vất vả với nghề nhặt rác nhưng vợ chồng có nhau và không phải lệ thuộc ai. Chúng tôi chỉ cầu mong cho có sức khỏe để cùng nhau mưu sinh trên bãi rác mà lo cho các con được học hành đàng hoàng”, vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam cho biết.
Mặt trời đứng bóng, khi xe rác ngừng hoạt động thì cũng là lúc những người nhặt rác nghỉ tay, họ tranh thủ nhai vội chén cơm giữa bốn bề là rác. Thức ăn chẳng có gì ngoài cơm trắng với rau luộc hay nước tương, cứ thế họ ăn ngon lành, ngấu nghiến để rồi lại bắt tay vào công việc đào bới phế liệu. Xe rác đến, họ buông vội chén cơm, nhanh chóng chạy đến, bắt đầu công việc.
Chiếc xe kéo chất đầy những bao phế liệu đang lùi khỏi bãi rác. Nắng gay gắt, ngồi trong bóng mát của cây cối xung quanh mà chúng tôi còn không khỏi than thở bởi cái oi bức hòa lẫn mùi hôi thối bốc lên từ rác. Mong sao công sức của những người nhặt rác này bỏ ra cho cuộc mưu sinh hôm nay sẽ được đền đáp xứng đáng từ những đứa con học hành chăm chỉ thành đạt mà họ đã ra sức vun bồi.