Hành trình lên ngôi của ‘vua rác’ gốc Việt trên đất Mỹ

Việc công ty của ông David Dương giành được hợp đồng 2,7 tỷ USD trước công ty lớn nhất Mỹ về xử lý rác thải Waste Management (WM) là sự kiện đáng tự hào của cộng đồng người Việt.

Cuộc thắng thầu ngoạn mục

Trước thời điểm đấu thầu, rác tái chế của thành phố Oakland do hai đơn vị thu gom, trong đó một nửa do CWS thu gom, một nửa còn lại do WM thực hiện. Các hợp đồng này đều hết hạn vào cuối tháng 6/2015.

Hội đồng TP Oakland chuẩn bị cho hợp đồng mới từ năm 2011. Họ đã đưa ra gói đấu thầu gồm các công đoạn từ tiếp nhận rác, bãi chôn lấp, thu gom xử lý rác, thu gom xử lý phế liệu, thu gom xử lý rác cây xanh, thu gom xử lý chất thải thực phẩm. Đã có 7 công ty đăng ký tham gia và sau đó thì còn 2 công ty vào “chung kết” là WM và CWS. Kết cuộc, CWS của ông David Dương đã thắng.

Đây là hợp đồng lớn nhất của TP Oakland lần đầu tiên giao cho một công ty địa phương dù công ty này quá nhỏ so với WM - công ty sừng sỏ hàng đầu thế giới và hàng đầu nước Mỹ.

Bắt đầu từ tay trắng

David Dương là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc CWS, công ty châu Á duy nhất đứng thứ 31/100 công ty hàng đầu trong ngành xử lý chất thải của Mỹ vào năm 2013. David Dương còn là Chủ tịch công ty TNHH Xử lý Chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) chuyên đầu tư xử lý rác thải tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP.HCM.

David Dương tên là Dương Tử Trung, con ông Dương Tài Thu, sang định cư ở San Francisco, Mỹ cuối những năm 80. Ở Việt Nam, gia đình ông Dương Tài Thu là chủ hãng giấy Cogido nổi tiếng. Sang xứ lạ quê người, ông đã trải qua những năm tháng gian nan, thử thách như không biết tiếng xứ người, không vốn liếng, không hiểu tập tục, văn hóa, không hợp khí hậu, thời tiết; không có mối quan hệ… Nhưng với dòng máu kinh doanh, ông Dương Tài Thu đã nhìn ra cơ hội làm ăn ở xứ người. Nhìn thấy những bọc rác vứt ở các tòa nhà, ông tìm ra hướng làm ăn cho gia đình. Ban đầu là nguồn thu nhập thêm vì ban ngày phải đi học và đi làm chứ chưa ai nghĩ có thể phát triển thành cái “nghiệp rác”.

Công việc của gia đình ông Dương mở rộng. Cha ông quyết định mua một chiếc xe tải cũ trả góp để thu gom rác khắp thành phố. Chiếc xe tải cũ kỹ chở theo 11 con người đến từ Việt Nam rong ruổi ngày đêm trên khắp nẻo đường, ngõ ngách TP. Nhờ kiên nhẫn, tiết kiệm, chịu khó, xe đẻ ra xe. Công việc cứ thế mở ra theo thời gian.

Thời gian sau ông Thu thuê nhà kho chứa phế liệu. Để mở rộng công việc, ông sang Đài Loan tìm lại bạn hàng xưa, kết nối làm ăn. Gia đình ông gom góp vốn, mua máy đóng kiện hàng xuất khẩu trực tiếp sang Đài Loan. Công việc ngày một mở rộng, năm 1983, ông Thu quyết định thành lập công ty Cogido Paper Corporation và giao cho con trưởng là David Dương làm giám đốc. David Dương bắt đầu gánh trọng trách từ đây, bắt đầu bước vào thương trường và tạo dựng cơ đồ.

Ông David Dương - vua rác trên đất Mỹ.

Trải đắng cay lên ngôi “vua rác”

Năm 1989, thấy công ty của gia đình David Dương ăn nên làm ra, một số công ty để mắt đến. Và họ đưa ra đề nghị mua lại công ty với giá vài triệu USD.

Trước lời đề nghị này, gia đình suy nghĩ thấy công ty khởi đầu chỉ với 700 USD, nay bán được vài triệu USD, họ trả trước một phần và nợ lại 2 triệu USD trả dần, nên đồng ý bán với điều kiện David Dương ở lại làm giám đốc cùng người em trai và người chú làm việc trong 5 năm để thu nợ. Nhưng được chừng một năm, những ông chủ mới muốn đuổi cả 3 chú cháu David Dương ra khỏi công ty, tìm mọi cách đưa 3 chú cháu xuống thu gom rác bẩn từ những người vô gia cư phóng.

Em trai và chú của David Dương kiên quyết xin nghỉ việc. Riêng David Dương chấp nhận, quyết ở lại làm để có lương, có tiền thuê luật sư, phục hồi cơ nghiệp. Chấp nhận cay đắng, David Dương đã vượt qua nhiều ải. Ông được chủ mới cho làm quản lý 6 nhà máy của họ rồi làm marketing bán hàng phế liệu…

Chính nhờ đó, ông phát hiện ra tình trạng gian dối và kỳ thị của ban giám đốc. Ông quyết định nghỉ việc kèm điều kiện chủ doanh nghiệp phải trả hết số tiền nợ. Tuy nhiên gia đình ông chỉ nhận được 25% tổng số tiền còn nợ và nhận lại một số thiết bị cũ. Không may, sau 3 nhà kho chứa thiết bị này đã bị cháy do tàn thuốc của một người vô gia cư. Mọi thứ tưởng như đã kết thúc.

Thời điểm đó, biết được thành phố Oakland đang tổ chức đấu thầu thu gom rác phế liệu nên David Dương quyết định thành lập công ty. Đầu năm 1991, CWS ra đời và CWS đã trúng được gói thầu đầu tiên về thu gom rác phế liệu cho một nửa thành phố trị giá vài chục triệu USD.

Với tính cách kiên cường, David Dương không từ bỏ khát vọng chinh phục và phát triển kinh doanh, CWS đã trúng gói thầu thứ 2, trị giá vài trăm triệu USD, đánh bại đối thủ đứng hàng thứ 4 của Mỹ trong ngành môi trường là Công ty Norcal Waste Systems năm 2006. Công việc dần tốt lên, David Dương xây dựng được nhiều mối quan hệ, giúp CWS có mặt tại 8 thành phố của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ kinh doanh phế liệu, quản lý, thu gom và tái chế rác thải, vận hành các nhà máy tái chế rác thải... Ngoài ra, CWS còn kinh doanh vật liệu tái chế trên thị trường Mỹ và quốc tế.

Hành trình trên đất Mỹ của gia đình David Dương đầy vinh quang lẫn cay đắng. Song nhờ những thất bại và đắng cay đó, ông đã bước lên ngôi “vua rác” đầy tự hào.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại