Những kỷ vật của chiến dịch Điện Biên Phủ về với Điện Biên

Vũ Nam Hải |

(Soha.vn) - Bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” và tờ Báo Quân đội nhân dân được xuất bản tại mặt trận đã được hiến tặng cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Cách đây gần 60 năm, tác giả Phạm Thanh Tâm, lúc ấy mới 22 tuổi, là chính trị viên trung đội thuộc Đại đoàn 351, có nhiệm vụ đi cùng đoàn văn công ra mặt trận phục vụ bộ đội. Lúc đó, chiến dịch Điện Biên Phủ còn chưa bắt đầu. Bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” được vẽ khá tình cờ trong hầm pháo của Đại đội 806, là đơn vị bắn những loạt đạn đầu tiên vào trung tâm đề kháng Him Lam, mở màn cho chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.


	Tờ báo Quân đội Nhân dân được được xuất bản ngay tại mặt trận, trang đầu
	của tờ báo là lời “Kêu gọi của Đại tướng Tổng tư lệnh cương quyết tiêu
	diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ”cũng được họa sĩ tặng cho Bảo
	tàng

Tờ báo Quân đội Nhân dân được được xuất bản ngay tại mặt trận, trang đầu
của tờ báo là lời “Kêu gọi của Đại tướng Tổng tư lệnh cương quyết tiêu
diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ”cũng được họa sĩ tặng cho Bảo
tàng

Trong hầm pháo chật hẹp, ngột ngạt, bốn cô gái văn công mặc áo tứ thân đang biểu diễn những điệu múa uyển chuyển, thướt tha phục vụ các chiến sĩ. Bên cạnh là khẩu pháo 105mm vươn nòng qua lỗ châu mai hướng về phía dưới lòng chảo Điện Biên Phủ. Trên khuôn mặt các chiến sĩ hiện lên vẻ rạng rỡ, vui mừng như cùng đắm chìm với tiếng đàn, điệu múa. Không màu mè, không cầu kỳ, những hình ảnh ấy đã được ghi lại một cách chân thực, rõ nét đến lạ thường.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm (đeo kính) hiến tặng bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Họa sĩ Phạm Thanh Tâm (đeo kính) hiến tặng bức tranh “Xuân trong hầm pháo Điện Biên Phủ” cho Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Tớ báo Quân đội Nhân dân được được xuất bản ngay tại mặt trận, trang đầu của tờ báo là lời “Kêu gọi của Đại tướng Tổng tư lệnh cương quyết tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Điện Biên Phủ”cũng được họa sĩ hiến tặng cho Bảo tàng

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, những tờ báo Quân đội nhân dân như thế này là món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội, là một kỳ tích chưa từng có trong lịch sử chiến tranh. Để có được những tờ báo ấy, cả một Tòa soạn báo với đầy đủ các bộ phận từ phóng viên tới việc in ấn, phát hành được tổ chức ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ, đóng ngay cạnh Bộ chỉ huy chiến dịch. Chính vì vậy những tin tức tại mặt trận được cập nhật thường xuyên, liên tục, kịp thời đến tay các chiến sĩ ngay giữa chiến hào giúp các chiến sĩ nắm bắt được thông tin, yên tâm chiến đấu.

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm quê ở Vĩnh Lai, huyện Vũ Bản, tỉnh Nam Định, hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Người chiến sĩ Điện Biên năm ấy giờ tuổi đã ngoài 80, dáng đi đã chậm, đôi mắt đã mờ nhưng chỉ cần nói tới trận đánh đã làm “chấn động địa cầu” thì ông vẫn còn minh mẫn và thổn thức lắm. Bức tranh hay tờ báo Quân đội nhân dân và một số “xấp giấy lộn xộn không cùng kích cỡ, không lấy gì làm phẳng phiu lắm được cuộn nhanh, gói gọn trong mảnh vải bạt lượm từ công sự địch cùng với cuốn nhật ký dã chiến” như cách nói của ông, là những thứ duy nhất có giá trị trong ba lô ông ngày trở về. Cho đến tận bây giờ ông vẫn nâng niu, trân trọng như đó là một phần không thể thiếu của cuộc đời mình.

Trở về Điện Biên trên chuyến máy bay xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất, chúng tôi, những cán bộ của Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không khỏi bùi ngùi, xúc động mà trong lòng nặng một nỗi lo. Kết quả thu được từ chuyến đi này ngoài sự mong đợi, nhưng gánh nặng từ những câu chuyện kể, những tâm tư, nguyện vọng của người chiến sĩ, họa sĩ Phạm Thanh Tâm làm thế nào giữ gìn và phát huy tối đa giá trị của Di tích Điện Biên Phủ cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Cuốn nhật ký của tác giả, những ngày tháng gian khổ ác liệt của chiến dịch đã được ghi lại tỉ mỉ xen lẫn những cảm xúc chính là những ký ức chung của những chiến sĩ Điện Biên ngày ấy. Và không chỉ có họa sĩ Phạm Thanh Tâm mà còn rất nhiều những cựu chiến sĩ Điện Biên hay người nhà của các bác đang sinh sống trên mọi miền của Tổ quốc vẫn còn lưu giữ rất nhiều những kỷ vật như thế nữa. Họ vẫn đang kể những câu chuyện Điện Biên cho con cháu của mình nghe và vẫn đang hướng về Điện Biên trong dịp kỷ niệm 60 năm với cùng một tâm tư, nguyện vọng ấy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại