Những câu chuyện cảm động ghi ngoài phòng thi đại học

Minh Anh (TH) |

(Soha.vn) - Đó là câu chuyện về thí sinh "tí hon" trốn nhà đi thi, bố cõng con đi học suốt 12 năm trời...

Cô bé "da cam" và ước mơ đến giảng đường

Sáng 9/7, tại địa điểm thi ở trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), hàng trăm người không khỏi xúc động, cảm phục khi chứng kiến cảnh một người đàn ông cõng con gái đi thi đại học.

Đó là ông Phan Châu Nguyên (57 tuổi, trú huyện Phú Ninh, Quảng Nam) và con gái là thí sinh Phan Thị Kim Vân (SN 1991, dự thi vào ngành Luật, Đại học Kinh tế).

Những câu chuyện cảm động ghi ngoài phòng thi đại học
Hai cha con cùng nhau đi học suốt nhiều năm nay

Vân bị nhiễm chất độc da cam từ nhỏ, nên em gặp khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, không vì thế mà Vân chịu đầu hàng số phận. Thấy bạn bè cùng trang lứa tung tăng đi học, Vân cũng đòi bố mẹ cõng đi học.

“Mặc dù bị teo cơ không tự đi lại được, nhưng nó ham học lắm. Đầu tiên gia đình ai cũng ái ngại nhưng cứ nghĩ đến việc nếu sau này nó không biết chữ thì lại càng khổ hơn. Vì thế, suốt 12 năm trời, hai cha con cùng nhau đi học”, ông Nguyên tâm sự.

Ngay sau buổi làm bài thi môn Toán sáng nay, em Vân cho biết em làm bài được khoảng 7 điểm và hy vọng sẽ hoàn thành tốt hai môn thi còn lại.

Ước mơ thành nhà báo, thí sinh "tí hon" trốn nhà đi thi ĐH

Thí sinh Nguyễn Thị Hải Yến, đến từ Hải Dương đăng ký dự thi vào ngành Báo chí của trường ĐH KHXH&NV Hà Nội khiến nhiều người phải chú ý vì chỉ cao khoảng 1m. Yến cho biết do bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam nên cơ thể không thể phát triển bình thường được tuy nhiên trên môi thí sinh "tí hon" này luôn nở nụ cười lạc quan.

	Yến luôn lạc quan, cởi mở trong cuộc sống

Yến luôn lạc quan, cởi mở trong cuộc sống

Mặc dù hiện tại đang đi học tại trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh nhưng Yến luôn mơ ước trở thành nhà báo nên đã trốn nhà đi thi. Chia sẻ lý do vì sao phải "bí mật" đi thi, Yến nói: "Do mình sợ bị áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ, mình thích được thoải mái và chỉ biết cố gắng làm bài thật tốt thôi”.

Chiến đấu với bệnh tật nữ sinh ấp ủ ước mơ đại học

Dù bị tật ở chân, không thể đứng thẳng và đi lại bình thường như bạn bè cùng trang lứa nhưng thí sinh Trần Thị Kim Nguyệt vẫn luôn nở nụ cười lạc quan, yêu đời. Năm nay, Nguyệt đăng ký dự thi vào khoa Công nghệ thông tin trường ĐH Sư phạm Kĩ thuật TP.HCM và khoa Tâm lý trường ĐH KHXH&NV TP.HCM.

Từng có một tuổi thơ êm đềm như bao bạn bè nhưng đến năm Nguyệt lên 7 tuổi, tai họa bỗng  giáng xuống, mẹ cô bé kể lại: "Trong một lần sốt cao, người nó yếu dần và không thể đi lại được. Biết không thể tự điều trị ở nhà nên tôi và chồng đưa cháu vào bệnh viện. Trải qua một loạt các xét nghiệm, chụp phim mà bác sĩ vẫn không thể chẩn đoán con tôi mắc bệnh gì".

	Từ nhỏ, Nguyệt mơ ước trở thành một kĩ thuật viên

Từ nhỏ, Nguyệt mơ ước trở thành một kĩ thuật viên

Những năm sau đó, Nguyệt phải sống chung với bệnh tật. Ý thức được thiệt thòi lớn của mình, Nguyệt không ngừng nỗ lực, cố gắng trong học tập. 12 năm liền em luôn đạt học sinh khá, giỏi, là niềm tự hào của bạn bè, thầy cô và gia đình.

Nguyệt cho biết, từ nhỏ, em đã rất thích thú khi lần đầu tiên được tiếp xúc với chiếc máy tính. Mơ ước trở thành một nữ kĩ thuật viên đến với em lúc nào không hay. Việc vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT 1 cách xuất sắc đã đưa Nguyệt đến gần hơn với ước mơ của mình.

Nam sinh đi thi ĐH với 300 nghìn đồng

Thí sinh Lê Hữu Hòa (SN 1995) học sinh Trường THPT Bình Mỹ, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang năm nay dự thi vào khoa Bảo vệ thực vật (Trường ĐH Cần Thơ).  Trước khi xuống Cần Thơ chuẩn bị "cuộc so tài", Hòa không có ý định sẽ đi thi ĐH vì gia cảnh quá nghèo khó.

	Hòa tính bỏ thi vì gia cảnh quá nghèo khó

Hòa tính bỏ thi vì gia cảnh quá nghèo khó

Bản thân Hòa là người đam mê thể thao (bóng đá và bóng chuyền). Trước đây, Hòa định dự thi khối T (theo ngành thể thao). Gần 1 tháng trước trong một lần chơi thể thao, Hòa bị gãy một ngón chân cái và từ bỏ ý định thi chuyên ngành này.

Lấy đâu ra tiền để đi thi đại học là một câu hỏi lớn đối với Hòa, cậu chia sẻ: “Thật sự em tính bỏ thi vì biết bố mẹ không có tiền. Em sợ nhất là thi đậu đại học mà không có tiền để đi học. Gần đến ngày thi, em được bà nội, bố và một số bạn bè động viên nên em mới quyết định đi thi”.

Trước ngày con trai dự thi đại học, mẹ Hòa nước mắt lưng tròng đưa cho em 300 nghìn đồng. Bà nội cũng cho Hòa 300 nghìn đồng để thêm vào chi phí đi thi. Rất may khi tới Cần Thơ, em nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của những TNV tốt bụng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại