Những cái tên thu hút dư luận xã hội năm 2012

Theo Infonet |

Nguyễn Bá Thanh, Đinh La Thăng... là 2 trong số những cái tên tạo ấn tượng trong năm qua.

Nguyễn Bá Thanh - hiện tượng trong bộ máy quản lý Đà Nẵng

 

"Cái gan của tôi (đối với kẻ cướp có vũ khí) là quất cái án chung thân, kiếm hòn đảo cho ra vĩnh viễn ngoài đó, đừng lưu luyến gì hết!", “Bắt quả tang cảnh sát giao thông nhận tiền là tước quân tịch, đuổi về nhà chớ không khiển trách chi hết!”, “Tôi rất muốn xách vài chai rượu xuống ngồi uống với mấy ông xe thồ tự quản để động viên họ nhưng bận quá. Bận đến mấy thì sắp tới tôi cũng phải ngồi với họ, động viên họ”, “Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”... chỉ là vài phát ngôn đi kèm với hành động hiệu quả mà ông Nguyễn Bá Thanh đã công khai trước dư luận năm qua.

Ông Nguyễn Bá Thanh hiện là Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng. Năm 2003, ông Nguyễn Bá Thanh bắt đầu giữ chức vụ Bí thư thành ủy Đà Nẵng nhưng đến năm 2012, dư luận mới biết nhiều hơn đến ông qua những cách điều hành quyết liệt và khiến người dân cảm phục.

Với những phát ngôn thẳng thắn, quyết liệt công khai, những hành động mang tính dấu ấn mà những người tiền nhiệm chưa có điều kiện để làm, ông được dư luận coi như một “hiện tượng”.

Đinh La Thăng - Bộ trưởng quyết liệt

 

Nhậm chức trong thời điểm phải giải quyết hậu quả của lịch sử để lại là chất lượng công trình giao thông xuống cấp nghiêm trọng, bộ mặt giao thông cả nước thường xuyên bị dư luận chỉ trích, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã "lăn lộn, có dấu chân trên hầu hết các công trình trọng điểm, giải quyết tại chỗ các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, giải ngân kịp thời, thay thế ngay những chỉ huy công trình, thay thế ngay những nhà thầu không đủ năng lực; điển hình như đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên đã đình chỉ thay thế  21 nhà thầu ...” (lời ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP Hà Nội).

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã đặt cược với hai nhà thầu thi công đường vành đai 3 Hà Nội trên cao về tiến độ và chất lượng. Ông Thăng đã "thua" nhưng bù lại, đường vành đai 3 đã được khánh thành đúng hạn, “Hà Nội đã thắng, nhân dân đã thắng”.

Ngoài đường vành đai 3, những công trình được hoàn thành trong năm 2012 mang dấu ấn của ông Thăng còn có hàng loạt cầu vượt giải quyết ùn tắc ở các điểm nóng tại Hà Nội, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, quốc lộ 32...

141 - liên quân trấn áp tội phạm ở Hà Nội

 

Cuối năm 2012, tội phạm cướp giật manh động dùng vũ khí chém giết nạn nhân trở thành điểm nóng trên bàn nghị sự ở các cuộc họp tại TP.HCM, nhiều câu hỏi được đặt ra là: "Tại sao TP.HCM không có 141 như Hà Nội?".

Còn ngay tại Hà Nội, cụm từ "cảnh sát 141" được người dân nhắc đến nhiều hơn cả các cụm từ dành để chỉ các lực lượng phản ứng nhanh trước kia như "cảnh sát cơ động" hay "cảnh sát 113".

Trải qua 1 năm hoạt động, mô hình 141 của công an Hà Nội đã rất thành công trong nỗ lực trấn áp tội phạm, cải thiện tình hình an ninh ở thủ đô.

141 thực chất là lực lượng liên ngành với nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra, xử lý các đối tượng điều khiển mô tô, xe máy lạng lách đánh võng, chở người sai quy định, mang theo vũ khí khi tham gia giao thông. Lực lượng được công an thành phố Hà Nội thành lập ngày 3/8/2011.

141 gồm 15 đơn vị được đánh số từ Y1 đến Y15. Mỗi Y có từ 15 đến 25 thành viên đến từ Phòng cảnh sát giao thông, Phòng cảnh sát hình sự, Trung đoàn cảnh sát cơ động công an thành phố. Các chiến sĩ tham gia 141 đều giỏi về nghiệp vụ, bản lĩnh tốt, võ thuật cao cường, đã công tác lâu năm trong ngành.

Bên cạnh đó, 141 còn được trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, kể cả súng, nhằm đấu tranh quyết liệt với tội phạm có vũ khí.

Phạm Tuân - chứng nhân lịch sử 'Điện Biên Phủ trên không'

 

Năm 2012, Hà Nội kỷ niệm 40 năm chiến thắng lịch sử "Điện Biên Phủ trên không" (từ  ngày 18 đến 29/12/1972), chiến thắng sau 12 ngày đêm rực lửa ở thủ đô đã đánh bại tham vọng xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc kẻ thù phải trở lại bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris.

Trong cuộc chiến được ví là "không cân sức giữa con người với máy móc" ấy, chiến sĩ phi công trẻ Phạm Tuân đã đóng góp vai trò không nhỏ khi là người đầu tiên ở Việt Nam bắn rơi được pháo đài bay B52 của Mỹ và trở về an toàn ngày 27/12/1972.

Những ngày này, cái tên Phạm Tuân xuất hiện trên hầu hết các phương tiện thông tin đại chúng. Từ khóa "Phạm Tuân" trở thành tâm điểm trên các công cụ tìm kiếm Internet. Phút giây làm nên lịch sử của người lính không quân Việt Nam, nay đã trở thành trung tướng, được không chỉ dư luận nói chung và giới trẻ trong nước nói riêng, tìm đọc mà còn được dư luận nước ngoài chú ý.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại