Những bí mật hậu trường karaoke ôm thủ đô

Để duy trì quán luôn đông khách, nhiều ông trùm karaoke đã nghĩ ra nhiều chiêu để giữ chân khách đến quán, thậm chí là cho dùng "miễn phí"... tiếp viên khi lần đầu đến quán...

Tuấn Minh  - một tay chơi tại đất Hà thành cho chúng tôi biết, tại Hà Nội có rất nhiều quán karaoke, hầu như mỗi con phố có ít nhất hai quán, chưa kể đến những con phố "mang tiếng" ăn chơi như Đê La Thành, Thái Hà, Nguyễn Chí Thanh, Chùa Láng... thì con số ấy còn nhiều hơn gấp bội. Và để "hút" khách đến, nhiều quán đã có những chiêu bài "độc đáo" nhằm kéo khách quay lại quán nhiều lần tiếp theo.

Tiếp viên... phải học hát

Tại những phố là "thiên đường" của dân "nghiền" hát karaoke, nhiều người nhận thấy rằng, có nhiều quán karaoke mọc san sát nhau nhưng không phải quán nào cũng "hút" được khách. Có quán, khách chỉ vào một lần và "một đi không trở lại".

Trong vai một thành viên của hội sành điệu đi xả stress cuối tuần, tôi và một vài người bạn có điều kiện "mục sở thị" những chiêu trò của một số quán karaoke trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.

Những bí mật hậu trường karaoke ôm thủ đô
Không gian  mờ ảo của quán karaoke X.M.

Tại quán karaoke X.M., chúng tôi vừa dừng xe đã có hai người trông xe hồ hởi chạy ra hướng dẫn đánh xe vào bãi. Với những quán karaoke ở trong phố, có được bãi đỗ xe rộng để có thể để được ôtô và xe máy là rất hiếm, vì thế, X.M. cũng được dân "sành hát" lựa chọn vì có "địa thế" đẹp. Nhiều đại gia khi tiếp khách, thường rủ bạn bè tới quán này vì có thể đỗ xe thoải mái mà không bị... tuýt còi.

Vì không gọi điện đặt phòng trước, nhưng chúng tôi may mắn chọn được một phòng hát trên tầng 4 của quán. Mạnh - quản lý của quán bảo với chúng tôi: "Ở Hà Nội, quán em là bậc nhất rồi anh ạ, cầu thang máy từ tầng 1 đến tầng 6, quán được sửa sang mất gần 7 tỷ với hệ thống phòng hát đẹp, đồng bộ, đảm bảo nhà bên cạnh cũng không nghe được bất kỳ tiếng động nào.

Vì chúng em dùng cách âm nhập khẩu, hệ thống loa, âm ly hiện đại... nhiều khách vào lần đầu ngạc nhiên và rất thích, lần sau rủ bạn bè đến đông...".

Trong thời đại công nghệ số, những quán karaoke biết cách "chiều" khách bằng những công nghệ hiện đại, khác với những quán karaoke "tầm tầm" quán X.M. này không còn việc khách muốn nghe, hát bài nào thì ghi ra giấy, đưa cho nhân viên trong quán bật lên từ phía ngoài phòng hát.

Quán này hiện đại ở chỗ, đã trang bị máy tính và âm ly, cộng với mã số bài hát tự động, nếu khách muốn nghe bài nào, chỉ cần chỉ vào màn hình cảm ứng, bấm đúng mã số là có thể cùng bạn bè hát hò, nhảy nhót mà không cần chốc chốc lại đưa list bài hát cho nhân viên ở bên ngoài.

Thao tác hiện đại này không phải quán karaoke nào ở Hà Nội cũng có, thế nên nhiều "khách sộp" muốn đến những quán karaoke kiểu này để... thử hát và thử... công nghệ hiện đại.

Nhiều quán karaoke hiện đại còn trang bị dàn âm ly "nâng giọng", máy tính điểm "chuyên nghiệp" vì thế nhiều khách hát chênh và phô nhưng được dàn âm ly “át” đi, khách nào có lỡ "hát không hay" cũng được máy chấm đến... 100 điểm, nhiều khách muốn lấy le với bạn bè, chứng tỏ mình hát cũng... không đến nỗi tệ, nên thường xuyên quay lại để... ra oai với bạn bè.

Chúng tôi đang hát thì Mạnh mở cửa "nháy" mắt bảo với bạn tôi: "Các cậu có muốn người hát cùng không? Các em ở đây hát hay như ca sĩ, đảm bảo nghe là mê luôn".

Đang muốn tìm hiểu về vấn đề này nên chúng tôi đồng ý, Mạnh vừa ra thì có ba cô gái - là nhân viên của nhà hàng trang điểm lòe loẹt, ăn mặc gợi cảm vào ngồi rót bia, và hát cùng chúng tôi.

Toàn - bạn tôi cho biết: "Đây là những “chim mồi” của các quán karaoke, những em này chính là nguồn thu nhập chính của quán, chứ khách hát có vài tiếng, thì thu tiền cũng không nhiều đâu, cái chính là các em ấy... "mọi" tiền của khách mang về cho chủ quán".

Tại các quán karaoke như X.M. những tiếp viên của quán, trước khi làm nghề được đào tạo một khóa học từ 5 - 7 ngày. Gọi là khóa... học hát, nhưng thực chất họ chỉ học thuộc, biểu cảm một số bài về tình yêu, những bài tình ca để "chiều" khách và hát cùng khách.

Nguyên tắc làm việc ở quán karaoke X.M. là "đào nữ" phải mặc váy cách đầu gối... 5cm trở lên và phải mặc áo dây hở hang để... "hút" khách lần sau quay lại.

Những bí mật hậu trường karaoke ôm thủ đô
Hoa - tiếp viên "ôm" đang chờ khách tại quán karaoke D.A.

Biết hát tiếng Anh để... tiếp khách Tây

Tại quán karaoke D.A. trên phố Thái Hà, Hà Nội, Lưu Ly - một cô gái trong nhóm hát "ôm" cho chúng tôi biết, để vào được quán karaoke "ôm" này làm tiếp viên, cô đã phải nhờ chị họ “nói khó” với chủ quán.

Do Ly ở Hưng Yên, thường xuyên nói ngọng giữa "n" và "l" nên khi hát cô vẫn còn tật ngọng ấy. Vào được 3 tháng, do thường xuyên “luyện thanh” và hát cùng với khách nên Lưu Ly đã bớt ngọng, biết cách rót bia "chiều chuộng" khách.

Trong phòng hát karaoke, chỉ còn ánh đèn mờ ảo, ai hát cứ hát, còn những người "rảnh rỗi" khác đã bị những cô tiếp viên "kèm chặt" ngoài việc liên tục bật gần hết thùng Heniken, các cô ấy "tiện tay" bóc hết bim bim, bò khô, bánh kẹo ra bàn.

Những quý ông  ngồi bên cạnh không biết vì "phê" bia hay nhạc mà mắt lim dim, bàn tay di chuyển vào những chỗ nhạy cảm  của mấy "đào" mà không hay biết rằng, chính những chiêu dụ khách "ngọt" như thế mà sau gần 2 tiếng đi hát, nhiều người mới "tá hỏa" khi nhìn thấy hóa đơn thanh toán gần... 5 triệu đồng.

Để đáp ứng nhu cầu của những quý ông "dửng mỡ" nhiều quán karaoke còn có thêm dịch vụ... tới Z, chỉ cần khách có nhu cầu, họ sẵn sàng đưa "đào" và khách đi nhà nghỉ.

Một số quán karaoke và nhà nghỉ có mối quan hệ mật thiết với nhau, hễ khách có "cầu" là họ sẵn sàng có một đội xe ôm đặc nhiệm, đưa "đào" tới tận nơi khách yêu cầu, hoặc đưa sang nhà nghỉ bên cạnh để thỏa mãn... tới Z.

Thường thì giá của những cuộc tới Z này khá đắt. Đại gia vào hát chọn khách sạn, nhà nghỉ làm "bãi đáp" đã hết 10 triệu đồng một buổi chiều. Số tiền này quán karaoke sẽ được 50%, còn lại là chia cho đào và chủ khách sạn.

Chỉ với những chiêu trò “dụ” ngọt như thế, nhiều quán karaoke "ôm" đã có thu nhập khủng, đó chính là lý do họ sống rất ung dung, kinh doanh trên nhu cầu "vui vẻ" của những quý ông lắm tiền.

Trong lúc đợi tới ca của mình, Hoa - tiếp viên trong quán karaoke cho tôi biết: "Ban đầu làm công việc này cũng thấy xấu hổ, nhưng dần thành quen, chẳng phải mưa nắng vất vả mà chúng em vẫn có tiền tiêu.

Cũng do số phận đưa đẩy, chứ em không muốn theo cái nghề này. Bạn em làm tiếp viên ở quán karaoke trên Bờ Hồ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, trước khi vào làm tiếp viên, chủ quán còn bắt hát cả tiếng Anh, và kiểm tra xem có biết cách nũng nịu, "chiều" khách Tây không?!.

Kiếm tiền của Tây cũng dễ, vì người nước ngoài không "cáo" như Việt Nam, chỉ cần quán thường xuyên "update" (tức tải - PV) những bài hát mới, phục vụ tốt thì kiếm tiền đô rất dễ...".

Hoa cho biết thêm, đội tiếp viên karaoke "ôm" của quán rất trẻ, tuổi chỉ từ 16 - 22, làm việc không có ngày nghỉ. Vào cuối tuần hay các ngày lễ, khách đến quán đông, có khi chồng chéo nhau để phục vụ, điều quan trọng là biết cách "chiều" khách thì sẽ "hút" được họ lần sau lại đến quán. Hoa nói, khi hát các bài về tình yêu, mướt át thì phải biết "biểu cảm" cùng khách.

Nhiều quán karaoke tung ra chiêu bài "khuyến mại", còn cho khách dùng "đào miễn phí" lần đầu ngay tại quán để khách "nhớ mặt đặt tên"... Khi khách hát, phải biết tán dương, nếu như vào những ngày quán đông, mỗi tiếp viên không "mồi" được khách 1triệu đồng là bị chủ quán... phạt và kiểm điểm.

Nhiều người vào quán cho biết, khách "phê" có khi dùng cả thuốc lắc và "quậy" như trên sàn nhảy cũng không bị chủ quán nhắc nhở, điều quan trọng với họ là tiếp viên "moi" được tiền của khách mang về cho quán.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại