“Bóc mẽ” công nghệ chế bún cua siêu rẻ

Chỉ cần mua vài miếng đậu, dầm nát rồi trộn với nước màu và gạch cua thật. Nước dùng thì "chế" thêm chút phẩm màu. Thế là có bát bún riêu cua đầy hấp dẫn cho thực khách...

8 phần đậu… 2 phần cua

7h30 sáng, dưới tiết trời oi bức của Hà Nội, hàng chục quán bún cua trên đường Nguyễn Sơn hoạt động vô cùng nhộn nhịp. Khách ra vào tấp nập.

Rẽ vào một quán bún cua ngay cạnh Chợ Long Biên, Bên cạnh cá rán, đậu rán, riêu cua để ăn với bún là nồi nước dùng ánh đỏ với những miếng cà chua chín mọng mang đến cảm giác ngon mắt.

Chị chủ quán luôn miệng mời chào khách: “Vào ngồi đi em, ăn bún cua hay cá? Chỉ cần đợi 1 phút là có ngay”.

Theo một số khách hàng ăn bún tại đây thì, với giá chỉ từ 12.000 đồng tới 20.000 đồng một bát khá đầy đặn, gạch cua rất nhiều. Quán bún cua này thu hút được lượng khách khá lớn. Nhất là những ngày nắng nóng.

Gọi là cửa hàng nhưng thực chất chỉ là một cái ô nhỏ che đầu, còn phương tiện bày bán là một thúng, một tải đựng đầy bún, bày cách ly trên mặt đường bằng mấy mẩu gạch nhỏ, hoàn toàn không có vật che đậy hay bất cứ một phương tiện bảo hộ vệ sinh nào.

Bác Miền (Gia Lâm, HN) chia sẻ: “Sáng nào đi chợ mua thức ăn tôi cũng rẽ vào ăn bún cua, bún cá. Nhất là những ngày nắng, oi bức, ai cũng chỉ muốn ăn đồ gì có nước cho dễ nuốt…”.

bún riêu, bún cua
Gạch cua tại các quán bún riêu cua vỉa hè được làm theo công thức: 8 phần đậu phụ dầm nát + 2 phần gạch cua.

Điều khiến PV không khỏi thắc mắc là: Hiện trên thị trường, giá cua giao động từ 100- 150 nghìn/kg. Để có một nồi bún riêu to thơm lựng và 1 một bát to gạch cua có lẽ phải dùng đến vài kg. Vậy mà một bát cún cua chỉ có giá từ 12.000- 15.000 đồng, với rất nhiều gạch cua và đậu rán. Vậy người bán liệu có lãi?.

Đem thắc mắc này hỏi một người khách đang ăn bún, chị này tặc lưỡi: “Ôi dào, nghề nào ăn nghề ấy. Người ta có mánh khóe hết. Ăn ở quán này lâu rồi nên tôi biết, cái bát gạch cua to tổ chảng kia chả có mấy là gạch cua thật đâu.

Đến 8 phần là đậu phụ dầm nát, trộn thêm 2 phần gạch cua, một ít hành khô rồi đem xào lẫn để vị cua ngấm vào phần đậu phụ dầm.

Em ăn rồi sẽ thấy, gạch cua nguyên chất khi cho vào miệng sẽ có vị rất đặc trưng. Nhưng khi ăn gạch cua này, chỉ thấy bã bã. Dù người chế biến có giỏi thì người ăn vẫn nhận ra sự không nguyên chất của nó.

Quán nào cũng thế cả thôi, họ mà dùng thịt cua nguyên chất thì phải bán 40.000- 50.000/ bát mới có lãi. Với giá chưa tới 20.000/bát thì chỉ ăn được hàng pha trộn”.

Nước dùng chế từ… phẩm màu công nghiệp

Theo tiết lộ của một dân trong nghề đã từng mở “gánh” hàng bán bún cua: Chỉ cần một thìa hóa chất là có được cả nồi nước dùng bắt mắt. PV có mặt tại chợ Đồng Xuân, và không khó gì để mua được loại hóa chất này

bún riêu, bún cua
Không khó để có thể mua được hóa chất "chế" nước dùng cho bún riêu

Ngay gần cổng chợ Đồng Xuân có một “mẹt” bán các loại bột rất bắt mắt. Vừa dừng lại nêu ý định muốn mua bột gia vị nấu bún riêu.

Bà chủ mẹt hàng liến thoắng giới thiệu: “Bột gì ở đây cũng có hết. Chỉ cần cho một muỗng thôi là nồi nước dùng thơm phức mùi cua, ngọt lừ”. Bà lấy ra một gói khoảng khoảng 0,5gram.

Bà này giới thiệu tiếp: “Loại bột này được rất nhiều quán bún riêu, bún bò sử dụng . Nếu mua màu thực phẩm thì 300.000- 400.000 đồng/kg nhưng mua loại này chỉ 50.000 đồng thôi. Chỉ một chút chấm vào đầu đũa là cả một nồi bún riêu nổi váng gạch cua liền”.

Bà bán hàng này cho biết, để nồi bún riêu có màu đẹp như gạch cua, cọng bún có màu gạch thì dùng đũa chấm một chấm bột rồi hòa vào nồi nước

Khi được hỏi bột này có tên là bột gì, bà chủ sạp nói là phẩm màu công nghiệp dùng cho sơn, dầu đánh bàn ghế...

Theo các chuyên gia hóa học: Việc dùng phẩm màu công nghiệp trong chế biến thực phẩm là hết sức nghuy hiểm. Nhiều loại gây tổn thương cho hệ thống thần kinh và tiêu hóa của người ăn phải chúng, dẫn tới nguy cơ rối loạn về thần kinh cũng như mắc các chứng bệnh ung thư.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại