Nhớ lễ thượng quốc kỳ ngày Giỗ Tổ 68 năm trước

Lễ thượng quốc kỳ ngày Giỗ Tổ vào ngày mùng 10 tháng 3 năm 1946 diễn ra suôn sẻ, long trọng, nghiêm trang trong không khí yên bình.

Năm nay 87 tuổi, cụ Hà Thể Mậu đã yếu đi nhiều, không thể lên Đền thắp hương tưởng niệm các Vua Hùng. Nhưng trong lòng cụ vẫn hướng về ngày Giỗ Tổ và thầm nhớ câu chuyện về lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên núi Nghĩa Lĩnh vào ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3 năm 1946.

Đầu tháng Ba âm lịch năm 1946, ngày ấy cụ Thể Mậu còn là thanh niên trong trung đội dân quân tự vệ, nhận nhiệm vụ chuẩn bị treo quốc kỳ ở Đền Hùng đón Đoàn đại biểu của Chính phủ lên dự ngày Giỗ Tổ.

Lúc đó, chọn địa điểm dựng cờ rất khó khăn vì phía Quốc dân Đảng cũng nắm được thông tin này nên đã đưa một trung đội có vũ trang đầy đủ lên tranh giành vị trí dựng cờ. Thậm chí, họ sẵn sàng đụng độ vũ trang nếu căng thẳng. Trước đó, Quốc Dân Đảng ở Hà Nội và một số vùng đã gây ra nhiều vụ việc đổ máu.

Cụ Hà Thế Mậu vẽ lại sơ đồ vị trí thượng cờ Tổ quốc ở Đền Hùng 68 năm trước.

Cả hai bên đều giành chỗ ngay trước sân cổng đền. Đây là khu đất rộng và nhân dân có thể dự mít tinh đông đảo, trong khi ở Đền Thượng ngày ấy có mặt bằng rất hẹp. Ông Mậu cùng các anh em đã bí mật dựng một cột cờ ở vị trí mỏm đồi cách đó vài chục mét, còn ở sân cổng đền, họ vẫn lắp gá chân cột như muốn tranh giành vị trí dựng cột cờ với Quốc Dân Đảng.

Bên kia Quốc Dân Đảng đã chuẩn bị một cột cờ rất cao, muốn giành thế thắng với ta lúc thượng cờ đón đoàn Chính phủ. Bởi khi ấy, họ tưởng rằng một “thủ lĩnh” của Quốc Dân Đảng sẽ lên Giỗ Tổ và làm lễ thượng cờ đỏ lam trắng.

Nhưng cờ đỏ sao vàng đã kịp dựng lên trước ở mỏm đất cao hơn sát cổng đền khi cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa xuất hiện ở cổng Đền Hùng. Ngước nhìn cờ Tổ quốc lần đầu tiên bay rực rỡ trên nền trời Nghĩa Lĩnh đúng ngày Giỗ Tổ, bà con hoan hỉ hô “Cờ Việt Minh”, “Cờ Cụ Hồ”… Cụ Huỳnh Thúc Kháng nói lớn: “Hai mươi triệu đồng bào Việt Nam ta đoàn kết lại chống quân thực dân, chống phát xít. Chúng ta là con Lạc cháu Hồng”.

Lễ thượng quốc kỳ ngày giỗ Tổ vào ngày mùng 10 tháng 3 năm 1946 diễn ra suôn sẻ, long trọng, nghiêm trang trong không khí yên bình. Cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước nói với bà con: "Đây là lễ thượng cờ đầu tiên của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên núi Nghĩa Lĩnh...", rồi cụ mời bà con cùng lên Đền Hùng thắp hương.

Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng năm ấy, đã dâng lên Điện Kính Thiên một tấm bản đồ Tổ quốc và một thanh gươm quý nhằm kính cáo và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Cũng năm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, lại sợ cái uy phong của cụ Huỳnh Thúc Kháng, đám lính của Quốc Dân Đảng đã lặng lặng chuồn mất. Ba tháng sau, vụ án Ôn Như Hầu xảy ra ở Hà Nội. Việc phá vụ án này có ý nghĩa to lớn góp phần củng cố chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại