Rất nhiều công chức không trả lời được các câu hỏi về chuyên môn mà họ làm hằng ngày thì lấy gì đảm bảo họ hướng dẫn người dân đúng và thủ tục hành chính mà họ thực hiện là chính xác?
Ông TRẦN PHƯỚC HỪNG (trưởng phòng cải cách hành chính Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp)
Theo ông Trần Phước Hừng - trưởng phòng cải cách hành chính Sở Nội vụ tỉnh Đồng Tháp, đợt này Sở Nội vụ sát hạch 1.200 công chức thuộc năm chức danh trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại UBND các xã, phường gồm: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường; tư pháp - hộ tịch; tài chính - kế toán và văn hóa - xã hội.
Mỗi công chức trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm (30 điểm), trong đó kiến thức chung về cải cách hành chính, tin học, soạn thảo văn bản chiếm 40%, còn 60% câu hỏi là kiến thức chuyên môn lĩnh vực mà người đó đang làm.
Các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình và Cao Lãnh có tỉ lệ công chức đạt yêu cầu (từ 20 điểm trở lên) khá cao. Các địa phương còn lại có tỉ lệ đạt yêu cầu rất thấp.
Trong đó TP Sa Đéc “đội sổ” khi có tới 49% công chức không đạt yêu cầu. Các huyện Châu Thành, Tam Nông, Tân Hồng, Lai Vung, Lấp Vò và TP Cao Lãnh có trên 20% công chức không đạt.
Tính chung toàn tỉnh có khoảng 20% công chức cấp xã không đạt yêu cầu, tức gần 240 người. Báo cáo của Sở Nội vụ Đồng Tháp đã thẳng thắn nhìn nhận: “Quá trình sát hạch chưa thật sự nghiêm túc, công chức còn trao đổi, sử dụng tài liệu nhiều.
Nhiều người làm bài kiểm tra mang tính đối phó, chưa thật sự nhìn nhận những hạn chế của bản thân để có biện pháp khắc phục”. Như vậy số lượng công chức chưa đạt yêu cầu có thể cao hơn 20%.
Ông Hừng kể nhiều công chức không trả lời được các câu hỏi về chuyên môn mà họ làm hằng ngày.
Ông nêu ví dụ đề sát hạch công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường hỏi: “Bãi bồi ven sông trên địa bàn xã, phường, thị trấn do cơ quan nào quản lý?” (đáp án: UBND cấp xã);
“Thời gian cấp lại giấy phép xây dựng nhà ở nông thôn là bao nhiêu ngày làm việc?” (5 ngày)... nhưng rất nhiều người trả lời sai. Đề sát hạch công chức văn phòng - thống kê hỏi:
“Trẻ em sinh ra sống được từ 24 giờ trở lên rồi mới chết thì cần đăng ký khai sinh hay không?” (phải đăng ký); “Theo quy định của Bộ Nội vụ thì dấu được đóng như thế nào?” (đóng ngay ngắn, rõ ràng, trùm lên 1/3 chữ ký về phía trước, mực dấu màu đỏ tươi)... nhưng số câu trả lời sai rất lớn.
TP Sa Đéc là nơi có tỉ lệ công chức rớt sát hạch cao nhất tỉnh Đồng Tháp. Ông Lê Ngọc Quang Hồng, chủ tịch UBND P.2 (TP Sa Đéc), nói ông rất bất ngờ khi nhận được thông báo kết quả có tới 5/9 công chức của phường không đạt gồm: 2 công chức địa chính - xây dựng, 2 công chức tư pháp - hộ tịch và công chức văn hóa - xã hội.
Ông nói: “Tôi quan sát công việc hằng ngày thấy họ làm rất tốt, nhưng không hiểu tại sao điểm sát hạch lại thấp như vậy. Cũng may là qua đợt sát hạch này mới biết anh em nào yếu cái gì để bồi dưỡng, học thêm”.
Ông Nguyễn Văn Sơn (công chức tư pháp - hộ tịch) thừa nhận do trước đây làm cán bộ địa chính, mới chuyển sang làm lĩnh vực này chưa tới một năm nên kiến thức lĩnh vực còn hổng rất nhiều.
Còn ông Nguyễn Hữu Thiện (công chức địa chính - xây dựng) nói ông đã 55 tuổi, ngoài giờ làm việc phải lo toan chuyện gia đình nên hạn chế trong việc cập nhật kiến thức mới. Cả hai người đều xác nhận kết quả sát hạch phản ánh đúng thực tế.
Ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói kết quả sát hạch cho thấy một tỉ lệ khá cao công chức chưa đạt yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Theo ông Dương, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính cấp xã.
Ông đã chỉ đạo các địa phương tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những người rớt sát hạch và làm bài chưa nghiêm túc, đồng thời sắp xếp, bố trí lại công việc cho phù hợp với năng lực, trình độ chuyên môn. UBND xã, phường, thị trấn lấy kết quả sát hạch này làm tiêu chí phân loại, đánh giá công chức hằng năm.
Còn theo Sở Nội vụ Đồng Tháp, việc sát hạch công chức phường, xã sẽ được tiến hành hai năm/lần. Những người không đạt cả hai lần sát hạch này sẽ bị sa thải.