Liên quan đến một số vật thể lạ rơi xuống Tuyên Quang, Yên Bái đang gây xôn xao dư luận, chia sẻ với chúng tôi, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học FPT nhận định, vật thể lạ rơi xuống ở Tuyên Quang rất có ý nghĩa khoa học.
"Từ trên trời rơi xuống và mang đầy ý nghĩa khoa học. Đó là vật thể lạ rơi ở Tuyên Quang vừa qua", ông Tùng nêu.
TS Lê Trường Tùng bày tỏ mong muốn được mua vật quý hiếm này với giá 100 triệu đồng để trưng bày trong góc Khoa học Trường ĐH FPT và cũng để ghi nhớ việc ĐH FPT đã từng phóng vệ tinh mini lên quỹ đạo.
"Có cái này, để cán bộ, sinh viên, học sinh hàng ngày chiêm ngưỡng, hình dung vật này đã qua một lộ trình cam go thế nào trước khi về thường trú tại trường" ông Tùng bày tỏ.
Có thể là bộ phận của tên lửa Nga
Còn ông Vũ Trọng Thư, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu không gian Fspace (Trường ĐH FPT) cho hay, 2 “vật thể lạ” hình cầu rơi tại Yên Bái và Tuyên Quang vừa qua có thể là 1 phần tầng 2 của tên lửa đẩy vệ tinh khí tượng Elektro-L2 của Nga.
Tổng hợp các thông tin liên quan đến vệ tinh, ông đã đưa ra những nhận định xung quanh sự việc người dân phát hiện 2 “vật thể lạ” rơi tại Yên Bái và Tuyên Quang hôm 2/1 vừa qua như sau:
Lúc 13h45 ngày 11/12/2015 (UTC) Nga phóng vệ tinh khí tượng Elektro-L2 lên quỹ đạo địa tĩnh từ sân bay vũ trụ Baikonur bằng tên lửa đẩy Zenit-2SB (có 3 tầng, do Nga và Ukraine chế tạo).
Tầng 1 của tên lửa đốt hết nhiên liệu sau 2 phút rưỡi, tách ra và rơi xuống đất.
Tầng 2 của tên lửa được kích hoạt và đẩy vệ tinh lên quỹ đạo tạm thời (parking orbit), quỹ đạo này có hình elip với thông số bán trục nhỏ 167km, bán trục lớn 554km, chu kỳ chuyển động 1 giờ 31 phút cho mỗi vòng bay quanh Trái đất.
Sau đó tầng 2 tách ra khỏi vệ tinh (lúc này vẫn đang gắn với tầng 3).
Tầng thứ 2 của tên lửa Zenit gồm 1 động cơ đẩy chính RD-120 và 1 động cơ nhỏ RD-8 dùng để điều chỉnh hướng bay cho tên lửa.
Nhiên liệu cho 2 động cơ này được chứa trong các bình hợp kim hình cầu và thường được sơn màu vàng.
Tầng 3 của tên lửa được kích hoạt, đưa vệ tinh lên quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao 36.000km. Tầng 2 của tên lửa lúc này đã hết nhiên liệu và tiếp tục bay theo quán tính ở quỹ đạo tạm thời.
Tuy nhiên, do bán trục nhỏ của quỹ đạo chỉ có 167km nên nó liên tục bị ma sát với bầu khí quyển mỗi khi di chuyển tới gần cận điểm và chuyển động chậm dần lại (bị mất dần động năng).
Việc này cũng khiến cho cận điểm của quỹ đạo bị thấp dần (mất khoảng vài kilomet độ cao mỗi ngày).
Tất cả các vật thể bay trên quỹ đạo có kích thước trên 10cm đều được hệ thống radar của Cơ quan phòng thủ không gian Bắc Mỹ NORAD theo dõi và giám sát hàng ngày.
Đến ngày 2/1/2016, cận điểm của tầng 2 tên lửa đã xuống rất thấp (khoảng trên dưới 100km) là nơi bầu khí quyển trở nên đậm đặc hơn, khiến cho lực ma sát tăng lên nhiều và nó bắt đầu rơi xuống trái đất.
Điểm bắt đầu rơi xuống (reentry) dự đoán ở gần Ấn Độ.
Do tổng hợp các lực khí nhiệt động lực học tác động trong quá trình rơi xuống khiến cho tầng 2 tên lửa bị thay đổi hướng bay, bị nung nóng và bốc cháy khi bay ngang qua Thái Lan.
Từ dưới đất nhìn lên trông như là 1 quả cầu lửa đang bay, một số người dân Thái Lan đã quay được clip này.
"Khi ngoại lực tác động lên đến cực đại thì xảy ra vụ nổ, có thể đã có 3 vụ nổ, làm cho tầng thứ 2 của tên lửa bị phá hủy hoàn toàn.
Trừ 2 cái bình nhiên liệu và 1 vài bộ phận khác nữa vì có hình dạng, kết cấu bền vững nên "may mắn" thoát được vụ nổ để bay thêm 1 đoạn nữa rồi rơi xuống Tuyên Quang và Yên Bái của Việt Nam", ông Thư nhận định.
Trước đó, trao đổi với chúng tôi, Thượng tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết, hiện chưa có thêm thông tin về những vật thể lạ rơi xuống Yên Bái, Tuyên Quang.
Cũng theo tướng Tuấn, hiện Bộ Quốc phòng đã giao cho Quân chủng Phòng không - Không quân điều tra, xác minh rõ xem chủ thể của những vật thể lạ này theo đúng quy trình.