Tình yêu nhóm lên từ bãi rác
Ở khu bãi giữa sông Hồng này, chẳng ai không biết đến ông Nguyễn Văn Thành (79 tuổi) và bà Nguyễn Thị Thủy (77 tuổi) với câu chuyện “nhặt vợ” hài hước mà cảm động lòng người.
Cha mẹ mất từ hồi 11 tuổi, ông Thành từ miền Trung phiêu dạt ra Hà Nội kiếm sống bằng nghề nhặt rác. Qua bao năm, quê hương chỉ hiện lên mơ hồ trong trí nhớ ông là ở Thanh Hóa, giáp vùng biên Việt - Lào.
Cũng cảnh tứ cố vô thân, bà Thủy dạt từ Thái Bình về Hà Nội lúc nào không hay. Thế rồi, cái nghề nhặt rác đưa ông bà đến với nhau và có được “tổ ấm” yên bình như hôm nay.
Sáng hôm đó, sau khi bán được giỏ ốc bắt được từ bãi sông, ông Thành lang thang sang khu vực ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) để nhặt rác.
Nói đến đây, bà Thành từ gian trong của chiếc thuyền nói vọng: “Ông nhặt rác, bà quét gạo, hai người cụng nhau cái đốp váng cả đầu, thế là quen nhau”, tiếng bà lanh lảnh cùng giọng cười sảng khoái khiến không khí trên thuyền trở nên rộn ràng.
Hồi đó, thấy bà xinh đẹp, ông chủ động bắt chuyện. Biết được hoàn cảnh không người thân thích, ngày làm thuê, tối ngủ khoang tàu của bà, thương cảm, ông đề nghị: “Hay là mình về ở cùng tôi”.
Đang khó khăn, bỗng có người thương tình, bà đồng ý. Rồi ông bà song hành cùng nhau từ ấy cho đến giờ.
Để ghi nhớ chiến tích “lịch sử” ấy, ông Thành còn tự xăm lên cánh tay trái mốc thời gian ông bà gặp nhau. Nói đoạn, ông giơ cánh tay lên khoe, không quên nở nụ cười mãn nguyện.
Đã 79 tuổi nhưng trông ông Thành còn rất khỏe mạnh và vạm vỡ. Từ ngày bà bị đau chân, ông cho bà “nghỉ hưu” luôn, một mình ông cáng đáng kinh tế, lo miếng ăn cho cả hai.
Nói về công việc mưu sinh vất vả của mình mà ông vẫn tươi cười, lạc quan như không: “12h là tôi phải đi nhặt rác rồi.
Có hôm trắng đêm, thu nhập cao lắm thì được 40.000 - 50.000 đồng/ngày, không thì 20.000 - 30.000 đồng/ngày. Người ta đi nhặt phế liệu đầy, nào có phải rác ở đấy cho mỗi mình nhặt. Được thế là đủ tiền gạo, mắm muối rồi”.
Khỏe mạnh nhưng ông bị chứng lãng tai, phải nói thật to may ra ông mới nghe được lõm bõm rồi đoán ý. Tính bà lại nóng, cứ thấy ông chuyện nọ xọ chuyện kia lại quát ầm lên.
“Nhiều lúc nói chuyện với ông ấy mà phát bực, hỏi đi hỏi lại cả chục lần thì cứ “hở” với kín”, bà nói.
Nói xong, bà rít một hơi thuốc lào, còn ông cười khoái chí vì sự hài hước của bà. Tiếng sóng vỗ mạn thuyền chiều ở bãi sông vẫn không át nổi tiếng sòng sọc của cái điếu sắt mà ông bà mỗi người “tậu” riêng một cái.
Ông nói: “Tính bà nhà tôi nóng vậy thôi chứ nhiều khi yếu đuối lắm. Ông trời cho ông bà già này gặp nhau nhưng không có diễm phúc làm cha, làm mẹ.
Đôi khi thấy bà ngẩn ngơ nhìn ra sông, thương lắm mà không biết làm sao để bù đắp. Cho nên, những lúc bà giận hay lớn tiếng, tôi chỉ im lặng vậy thôi. Dù sao, bà ấy cũng chỉ có tôi là người thân duy nhất trên đời”.
Rồi ông nhìn bà trìu mến: “Đâu phải mỗi mình bà biết buồn. Con người còn biết miếng cơm sống, cơm chín, còn biết trở đầu đũa thì vẫn còn cảm thấy chạnh lòng khi không có con.
Nhưng nghĩ thoáng ra thì con cái là lộc trời, trời cho ai người ấy hưởng. Ông bà già này chỉ biết động viên nhau vượt qua khó khăn, vui vẻ tuổi già thế là đã mãn nguyện lắm rồi.
Có con, rồi nó lại phải chịu phận lang thang vất vưởng như mình, có khi còn khổ hơn”.
Tôi hỏi “ông bà có bao giờ cãi nhau không”, ông quả quyết: “Tôi không vừa ý với bà điều gì thì tôi nói thẳng, bà ấy cũng vậy. Người ta nhà cao cửa rộng, con cái đề huề, cuộc sống va chạm nhau đã đành chứ như hoàn cảnh ông bà thế này, cãi nhau thì còn ra cái gì nữa”.
Ông giải thích, bà ấy thương để trong tim, lúc trái gió trở trời mới hiểu được.
Lúc ông đi làm về muộn, bà ấy nóng ruột còn đứng ở cửa thuyền ngóng lên ngóng xuống, lo ông đi đường bị làm sao, lo xe đạp bị hỏng. Những người ra tắm ở bãi sông, thi thoảng ghé thuyền ông bà rửa chân, mách nhỏ: “Ông bà già rồi nhưng yêu chiều nhau lắm”.
Vui với tình người
Sống ở khúc sông này, ngoài việc nhặt rác kiếm sống, ông Thành không nhớ mình đã vớt bao nhiêu xác người chết.
Cảm được tấm lòng của ông, người cho ông vài ba trăm nghìn, người giúp ông cân gạo, chai nước nắm. Ông nói: “Họ quý thì họ cho thôi, chứ tôi không làm việc này để kiếm tiền đâu”.
Chiều chiều, những người ra bến sông này tắm lại mang cho ông bà ít thức ăn thừa họ bỏ tủ lạnh từ bữa sáng. Những ngày cuối tuần, sinh viên các trường đại học cũng ra đây chơi với ông bà, có tốp sinh viên còn cắm trại đến sáng.
Bà Thủy nãy giờ không lên tiếng, nhắc đến các cháu sinh viên giọng vui hẳn: “Mấy đứa nó thương ông bà lắm. Thấy ông bà ở đây buồn, thi thoảng chúng lại đến đây chơi. Lúc mang cho cái này, lúc mang cho cái kia”.
Rồi bà thật thà: “Có hôm nó mang xuống cho ít bánh mì, hỏi ông bà ăn chưa, tôi chỉ trả lời một câu mà chúng nó cười nghiêng ngả: “thấy bánh mì các cháu mang đến sáng cả mắt, thế là biết ăn chưa hay rồi””.
Ông thì tự hào: “Tôi nghèo thật, nhưng mà giàu tình cảm. Căn thuyền ọp ẹp này chẳng bao giờ ngớt tiếng cười sinh viên. Tuy không có con nhưng sự có mặt của lũ trẻ cũng khiến tôi vơi bớt nỗi cô quạnh lúc về già”.
Chiếc thuyền mà ông Thành, bà Thủy sống bây giờ mới được dựng vào cuối năm ngoái. Đó là món quà mà những nhà hảo tâm dành tặng khi chứng kiến cuộc sống khó khăn nhưng lại giàu tình người của ông bà.
Nhìn “tổ ấm” hiện tại và nhớ về quãng thời gian ăn bờ, ngủ bụi trước đây, ông Thành không giấu nổi xúc động: “Bây giờ được như thế này là tốt lắm rồi chứ ngày xưa vợ chồng cứ dắt díu nhau kiếm sống qua ngày.
Tối đâu thì ngủ đó, đến cái mái che để chui ra chui vào lúc nắng lúc mưa cũng không có”.
Chiếc thuyền được tạo nên từ 24 chiếc thùng phuy và những mảnh gỗ ghép nay đã ấm cúng hơn rất nhiều.
Nó được chia làm hai gian, gồm gian bếp và gian phòng ngủ kiêm tiếp khách, trần nhà được lợp lớp chống nóng từ những mảnh gỗ bàn thờ người ta vứt dưới sông mà ông nhặt nhạnh được.
Cứ thế, cuộc sống vất vả nhưng tràn ngập niềm vui của ông bà trôi đi trong sự cưu mang của mọi người, giữa tiếng sóng vỗ mạn thuyền yên ả mỗi ngày.
Thi thoảng, ông bà lại đem sự cưu mang đó chia sẻ với những người bất hạnh hơn.
Đó là những người nhặt rác vô gia cư như ông bà trước kia, là cặp vợ chồng người què, kẻ điên gọi ông bà là cha, là mẹ khi được ông bà cho ăn cùng bữa cơm và ngủ cùng trong không gian ẩm thấp, chật hẹp.