Nhầm tên, bệnh viện phát thuốc bổ não thành động kinh

Một nhầm lẫn vô cùng hy hữu đã xảy ra ở Bệnh viện huyện Bình Chánh TP.HCM. Cả trăm bệnh nhân hú hồn, bị phát nhầm thuốc tuần hoàn não thành thuốc…động kinh.

Chiều 21/1, chúng tôi tới ghi nhận về vụ việc phát thuốc “râu ông nọ cắm cằm bà kia” tại Bệnh viện huyện Bình Chánh. Tại đây, các thân, bệnh nhân vẫn còn rất hoang mang về sự việc .

Cô Trần Thị L., ngụ tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh đưa cháu đi khám viêm họng kể: “Bệnh viện này tưởng thuốc động kinh là thuốc bổ não, vừa phát nhầm cho một loạt người đấy. Chẳng hiểu có ai chết vì sai thuốc hay không ?”

Ông Phạm Hữu Q., đang đợi khám bệnh tim mạch biết rất rõ về chuyện này: “Ông T.V gần nhà tôi bị bệnh tim do thiếu máu mà bác sĩ lại kê toa cho thuốc động kinh. Hôm nay tôi đi khám bệnh, con cháu cứ nhắc phải cẩn thận. Biết vậy nhưng ở đây gần nhà, cuối năm tụi nó bận làm ăn, không lẽ mình bắt tội tụi nó đưa lên tận bệnh viện tuyến trên? Chắc lần này bác sĩ không nhầm nữa đâu!”

Bà Phạm Thị Hạnh, Phó trưởng phòng hành chính quản trị Bệnh viện huyện Bình Chánh xác nhận với phóng viên, chuyện nhầm thuốc là có thật, xảy ra vào tháng 12/2013.

“Đây là sự việc rất hy hữu chưa từng có tại bệnh viện. Ngay sau đó bệnh viện đã phát hiện, xử lý và báo cáo Sở Y tế TP.HCM” - bà Hạnh nói.

Cụ thể, do bệnh viện mới nhập về một lô thuốc mới. Theo đúng quy trình phát thuốc cho bệnh nhân, thuốc nhập về sẽ được Khoa dược đưa lên mạng. Bệnh nhân được bác sĩ khám và chỉ định thuốc, sau đó cầm toa thuốc đến Khoa dược để dược sĩ kiểm tra và phát thuốc.

Trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về dược sĩ Huy Thanh, trưởng Khoa dược. Khi nhập tên thuốc lên mạng có thể hoạt chất của loại thuốc động kinh và thuốc tuần hoàn não có tên rất giống nhau (Levetral có tên hoạt chất là levetisacetam và thuốc thế hệ mới tuần hoàn não Pisacetam) nên bị dược sĩ bấm chuột nhầm.

Ảnh minh họa.

Các bệnh nhân được phát nhầm thuốc đa số là bệnh nhân bị bệnh mãn tính và người già.

Chỉ vài ngày sau đó, trong lúc kiểm tra toa thuốc bệnh viện đã phát hiện ra có sự nhầm lẫn, ngay lập tức ngưng việc phát thuốc và thu hồi hết số thuốc đã phát nhầm. Các bệnh nhân bị phát nhầm thuốc đã được kiểm tra sức khoẻ.

“Điều chúng tôi lo ngại nhất là phản ứng thuốc, ảnh hưởng tới sức khoẻ bệnh nhân nhưng may mắn đến giờ chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra. Chỉ một số trường hợp than phiền sau khi uống thuốc, cảm thấy buồn ngủ.”, bà Hạnh cho biết.

Tới nay bệnh viện vẫn chưa thống kê được bao nhiêu toa thuốc bị nhầm. Công tác kiểm tra, rà soát vẫn đang gấp rút tiến hành, bệnh viện sẽ có văn bản báo cáo chính xác cho Sở Y tế trong thời gian sắp tới.

Các cá nhân liên quan tới vụ phát nhầm thuốc kể trên, không riêng gì dược sĩ Trưởng Khoa dược mà còn có cả các bác sĩ chỉ định.

Được biết dược sĩ Huy Thanh, trưởng Khoa dược đã có thâm niên mấy chục năm trong nghề.

Bà Hạnh cũng cho biết, Hội đồng kỷ luật của Bệnh viện huyện Bình Chánh đang cân nhắc đưa ra mức kỷ luật với từng cá nhân sai phạm. Có 5 mức kỷ luật, mỗi cá nhân sẽ được quyết định mức kỷ luật theo hình thức bỏ phiếu.

Hoạt chất Levetiracetam dùng trong điều trị bệnh động kinh có tác dụng phụ gây buồn ngủ, đặc biệt có thể gây ra ảo giác, rối loạn trí nhớ…

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại