Người trẻ 'bán mạng' để được chuyển giới

“Em muốn được phẫu thuật để sống được 1 giờ và chết trong thân xác của một người phụ nữ”, đó là tâm sự của Yuki, người ăn mặc như nữ và đang khát khao được chuyển giới.

Không ngượng ngùng hay e dè trước báo chí, những người chuyển giới và có ý định chuyển giới đã có những chia sẻ rất thật trong buổi trò chuyện và trao đổi về ngườichuyển giới do Trung tâm ICS (tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT tại Việt Nam) tổ chức vào sáng 23/4 tại TP.HCM.

Gian nan chuyển giới

Trở lại câu chuyện của Yuki, cô cho biết tuy chưa phẫu thuật chuyển giới nhưng đã nung nấu ý định từ rất lâu. “Trước khi chuyển giới, ai cũng mang tâm lý… sợ. Không biết chuyển giới có thành công không. Chuyện giới rồi có đẹp không. Còn khi thành công rồi thì có được mọi người công nhận không hay là phải sống cuộc đời lầm lũi”, Yuki chia sẻ.

Cát Thy, một người đã chuyển giới từ nam sang nữ, cũng cho biết, chuyển giới phải có nghị lực ghê gớm để chịu được nỗi đau đớn về thể xác trong quá trình biến đổi.

Người trẻ 'bán mạng' để được chuyển giới
Buổi trò chuyện thu hút đông đảo bạn trẻ là người chuyển giới, người đồng tính, đến chia sẻ câu chuyện riêng của mỗi người.

Theo Cát Thy, hiện ở Việt Nam chưa cho phép phẫu thuật chuyển giới nên những người không có điều kiện kinh tế để ra nước ngoài thì phải “làm chui” ở các cơ sở không được phép và không đảm bảo. Ngoài ra, họ còn phải mua thuốc hỗ trợ được bán ở các cơ sở ngoài bệnh viện. “Cô” cũng cho biết hoóc môn nữ ở Thái Lan khoảng 100.000 đồng/chai nhưng khi về Việt Nam thì giá bị đẩy lên 150.000 - 200.000 đồng/chai.

Trong khi đó, để có vòng một tự nhiên như con gái, Cát Thy tự bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua silicon và bơm vào ngực. 

“Cô” kể: “Tôi đi hát đám ma, tiền đâu ra mà có thể đặt túi ngực nên phải tự mua silicon nhờ người bơm vào. Lúc bơm silicon, người bơm đã cảnh báo có thể mình sẽ chết vì chỉ cần không cẩn thận một chút thì kim đâm vào phổi, vào tim mà chết ngay, không kịp trăn trối”.

Tuy may mắn chưa phải đối mặt với tử thần, nhưng Cát Thy cho biết sau khi uống nhiều loại thuốc và tiêm hoóc môn nữ, cô thường xuyên phải chịu những cơn đau thấu xương khi trời mưa hoặc trở lạnh. Đó là chưa kể, nguy cơ ung thư rất cao từ silicon trong cơ thể mà cô không biết sẽ phát tác khi nào.

“Vì khao khát, mơ ước làm con gái nên bao nhiêu đau đớn tôi đều chịu, ngay cả khi chết cũng muốn chết trong thân phận là người phụ nữ”, Cát Thy tâm sự.

Trong khi đó, Aki, sinh viên năm cuối ở một trường đại học tại TP.HCM cũng đang nuôi nguyện vọng chuyển giới từ nữ sang nam. Aki cho biết với mong muốn có cơ thể, sinh lý là người nam, Aki phải tiêm hoóc môn nam vào người tốn khoảng 90.000 - 100.000 đồng/lần và cứ 2 - 3 tuần lại tiêm một lần.

Trong khi đó, theo Aki tìm hiểu trong quá trình phẫu thuật chuyển từ nữ sang nam thì phải phẫu thuật buồng trứng, tử cung, mất khoảng 5 triệu đồng nếu tại Việt Nam và để có bộ ngực của nam phải mất khoảng 4.000 USD khi làm ở Thái Lan.

Trước những lo ngại về sự an toàn trong quá trình chuyển giới, cả Cát Thy và Aki đều mong muốn ở Việt Nam có một nơi tư vấn, khám bệnh đáng tin cậy của Bộ Y tế để bảo vệ sức khỏe cho người chuyển giới.

“Mẹ nói với bác sĩ tôi mắc bệnh… pê đê”

Đau đớn là vậy nhưng hầu như người chuyển giới, kể cả người ăn mặc như nữ nhưng chưa chuyển giới đều gặp phải sự soi mói, kì thị của người khác, thậm chí là người trong gia đình.

Yuki cho biết: “Lần đầu tiên tôi mặc đồ như con gái ra đường là năm 15 tuổi. Biết là sẽ bị chọc là pê đê này, pê đê nọ, nhưng không ngờ miệng lưỡi thế gian lại cay độc đến vậy. Nhất là khi những người chê bai, dèm pha tôi lại là những người có ăn học, có chức quyền. Họ gọi tôi là “bóng dơ”. Rồi rất nhiều trường hợp khác, người ta gọi tôi là thứ làm ô uế xã hội”.

Jessica đã chuyển giới và hiện là chuyên viên trang điểm, kể lại: “Ban đầu khi ba mẹ biết tôi có ý định chuyển giới đã gọi tôi là “quái dị, biến thái”. Mẹ bắt tôi phải vào bệnh viện kiểm tra hoóc môn. Bác sĩ hỏi mắc bệnh gì sao phải kiểm tra thì mẹ bảo:Nó mắc bệnh pê đê”. Cha tôi thì thì mê tín, kêu thầy bùa, thầy ngãi về chữa trị cho tôi”

Cũng vì những áp lực từ gia đình nên Jessica đã bỏ ra sống ở ngoài. Sau này, nhờ một người cậu ở nước ngoài thấu hiểu và gửi cho ba mẹ “cô” nhiều tài liệu liên quan đến người chuyển giới thì hai ông bà mới dần thay đổi và gọi “cô” về.

Gia Kỳ, người tự nhận mình đang ở giai đoạn đầu của việc chuyển giới. Nghĩa là “cô” vẫn là nam, ra đường mặc quần áo nam nhưng khi có những dịp đặc biệt, chẳng hạn như buổi nói chuyện này, cô mới cho phép mình được trang điểm, mặc đồ như là nữ.

Gia Kỳ cho biết đa phần người chuyển giới được đi làm vì quen biết chứ làm sao tránh được cái nhìn soi mói của người đời và những rắc rối khi hồ sơ ghi tên của một người con trai mà xuất hiện phỏng vấn lại là một người có ngoại hình là nữ.

“Tôi chưa từng thấy một người chuyển giới nào ngồi làm việc văn phòng một cách tử tế. Không phải vì trình độ của họ thấp kém mà vì ánh nhìn của mọi người dành cho họ không bình thường”, Gia Kỳ chia sẻ.

Người trẻ 'bán mạng' để được chuyển giới
Quang cảnh buổi chia sẻ thông tin về người chuyển giới.

Cũng như Jessica dù bề ngoài trông không khác gì phụ nữ nhưng trong công việc “cô” vẫn gặp không ít rắc rối: “Bình thường, trong công việc, khi phải kí hợp đồng hay đưa giấy tờ này nọ thì đôi khi tôi cũng gặp phải những ánh mắt soi mói và những lời nói khó nghe. 

Có lần tôi đi làm tiếp cận viên cho một dự án, khi đi giao lưu, chia hai phòng nam nữ thì tôi lại bị xếp vào phòng nam. Sau đó anh phụ trách sực nhớ ra mới chuyển lại cho tôi ở phòng nữ. Rồi chuyện giấy tờ, chuyện đi nghĩa vụ quân sự hay đi đường gặp cảnh sát giao thông… lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn vì người ta bảo sao trên giấy tờ ghi Nguyễn Hữu Toàn mà người đến trình diện lại là nữ”.

Jessica cho biết mong muốn của cô là nếu chưa chứng nhận họ là nữ thì nên có thêm một ô riêng về giới tính trong sơ yếu lí lịch để những người chuyển giới lẫn người đối diện không phải bối rối khi tiếp xúc với nhau.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại