Hơn một tuần nay, kể từ khi được chuyển lên Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (xã Thụy An, huyện Ba Vì, TP Hà Nội), cuộc sống của ông Tuất đã thay đổi.
Ông đã từ bỏ cuộc sống lang thang khắp chợ, con phố để nhặt gom từng chai, lọ để bán lấy tiền sống qua ngày…Căn lều rách nát, chênh vênh được dựng tạm dưới gốc cây ven sông Tô Lịch (hướng từ Lạc Long Quân đến Cầu Giấy) cũng không còn là “nhà” ông nữa, nó đã bị phá dỡ từ khi ông được chuyển lên trung tâm này.
Do hoàn cảnh éo le, không có nhà cửa, ông Trương Văn Tuất (sinh năm 1946) được chính quyền địa phương chuyển lên Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật (Ba Vì, Hà Nội) để được chăm sóc.
Khi biết có người đến thăm, ông đã đợi sẵn ở cổng từ sáng. Thấy chúng tôi, ông vui mừng vẫy chào từ xa.
Ông vui, xúc động khi nghe chúng tôi nhắc đến tên con trai, con gái ông.
Rồi ông giới thiệu về những người bạn trong khu nhà. Đặc biệt là người "bạn già" tên Vĩnh năm nay đã 90 tuổi cùng phòng số 6 với ông.
Ông Tuất chia sẻ rằng, lên đây nhiều bạn bè, nhiều người hơn nhưng cảm thấy nhớ nhà, nhớ con cái, cháu chắt.
Ông kể vừa lên trên này, ông được "cô Tây" (tên ông thường gọi cô Hằng - nhân viên quản lý khu nhà - PV) cắt tóc.
Chiếc giường nhỏ của ông có đầy đủ chăn chiếu...trong căn nhà kiên cố chứ không phải túp lều dựng tạm bằng tấm bạt, vải...
Hàng ngày ông ăn uống đều đặn 3 bữa, không còn đi lang thang nữa, có chỗ ở kiên cố không sợ mưa nắng. Trời lạnh ông cũng có chăn ấm để đắp, quần áo ấm để mặc.
Ông kể rằng, lúc rời khỏi cái lán gắn bó hơn 4 năm, ông chỉ mang theo được cái túi và bộ quần áo đang mặc trên người. Rồi ông thở dài nói ông nhớ cái lều dưới Hà Nội.
Ở trung tâm này, có hai thứ mà ông thích chính là cái điếu cày và cuốn truyện "Tam quốc diễn nghĩa".
Cứ sáng ra, ông Tuất lại ngồi trầm ngâm ở sân trước yên tĩnh, riêng tư để đọc truyện.
Ngoài đọc truyện, một ngày 3 lần ông ra tượng phật bà quan âm trong khuôn viên trung tâm để khấn, cầu.
Bữa trưa nay của ông Tuất có rau xào thịt với bát cơm. Mặc dù suất ăn được mang đến bàn lúc 10h30 trưa, nhưng ông Tuất nhất định không ăn vì ông nói vẫn chưa thích nghi được giờ ăn, thời tiết, sinh hoạt ở đây.
Theo thói quen, từ ngày chuyển lên đây, ông lấy giấy đậy bát cơm lại và để vào một góc chờ đến hơn 12h ông mới ăn.
Sau đó ông hứa rằng, đúng giờ trưa lúc đói ông sẽ ăn.
Lúc chào ông ra về, ông tiễn chúng tôi ngoài cổng, một tay vẫn cầm cuốn truyện, còn tay kia vẫy vẫy nói theo: "Nhớ lần sau lên đấy nhé!". Nhìn ông, tôi cũng thấy mừng, an tâm một phần nào khi cuộc sống của "người rừng" từng sống lang thang ngoài vỉa hè, ven sông...giờ đã có chỗ để ăn, ở, được chăm sóc, nuôi dưỡng lúc tuổi già.