Người phụ nữ xứ Nghệ bán ốc, viết tiểu thuyết được dựng thành phim

Anh Ngọc |

Chưa học hết lớp 4, mưu sinh bằng nghề bán ốc vệ đường nhưng bà Sáng có gia tài đồ sộ về tiểu thuyết và hơn 70 bài thơ. Thậm chí có cuốn tiểu thuyết đã chuyển thành phim khiến nhiều nhà văn ngưỡng mộ.

“Nhà văn” trình độ văn hóa lớp 4

Hỏi thăm nhà bà Nguyễn Thị Sáng (SN 1952) đường Ngư Hải, phường Quang Trung, TP. Vinh (Nghệ An), ai cũng nhiệt tình chỉ đường: “Bà Sáng bán ốc và xổ số mà hồi xưa viết tiểu thuyết chứ gì, mới học hết lớp 4 nhưng viết truyện hay lắm, nhà kia kìa…”.

Sự nhiệt tình của người dân khiến chúng tôi không khỏi thắc mắc.

Lý giải về điều này, bà Sáng cười tủm tỉm rồi đưa ra cuốn sách của NXB Thanh Niên in mấy dòng chữ giới thiệu ngắn gọn:

“Tình yêu thầm lặng. Nguyễn Thị Sáng. Sinh năm 1952, tại xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An. Trình độ văn hóa: Tốt nghiệp lớp 4 năm 1966...”.

Tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng” đã được bà Sáng tái bản tới lần thứ 3
Tiểu thuyết “Tình yêu thầm lặng” đã được bà Sáng tái bản tới lần thứ 3

Mời chúng tôi vào căn phòng nhỏ nhưng chứa đầy sách báo cũ, bà Sáng bồi hồi nhớ lại những ngày sáng tác miệt mài. Bà kể: “Lúc đầu khi đang bán hàng vỉa hè, thời gian rảnh rỗi tôi nhận viết thuê thư tình, viết đơn kêu oan, viết di chúc hộ.

Sau ngẫm cuộc đời tôi cũng “ba nổi bảy chìm” nên tôi dự định viết hồi ký sau này cho con cháu đọc lại. Từ đó, mỗi ngày tôi dành khỏang 2 tiếng buổi tối bắt đầu viết”.

Chỉ với ý định đơn giản ban đầu như vậy mà bà đã cho ra đời một tác phẩm bán chạy nhất tại Nghệ An vào thời gian đó.

“Suốt 4 tháng vừa bán quán vừa viết, tôi không nhớ được đã thức thâu đêm bên ngọn đèn dầu bao nhiêu lần. Chỉ biết khi ý thức viết xong thì đã thấy hơn 300 trang viết tay trên những tờ giấy”, bà Sáng nói.

Đó là năm 1995, khi người chồng của bà bỏ đi biền biệt để lại 2 đứa con thơ, khi bà mất đi căn nhà khiến mẹ con phải phải căng ni-lông vào bờ tường đổ để ở.

Trong nỗi sợ tột cùng, bà đã viết xong nhật ký “Cuộc đời của mẹ”. Sau khi đưa ra quán đánh máy, mọi người đọc khen hay và khuyên bà nên gửi cho NXB để in sách.

Nghe mọi người nói, bà “liều” gửi bản thảo cho NXB Thanh niên. Một thời gian sau, NXB báo tin bản thảo sẽ được in sách, đề nghị đổi tên thành “Tình yêu thầm lặng”.

Niềm vui không ngờ tiếp tục kéo đến, khi năm 1997, cuốn tiểu thuyết đã được đạo diễn Trần Mạnh Cường ở Hãng phim Truyền hình Việt Nam chuyển thể thành 2 tập phim “Thầm lặng”.

Thơ văn từ cuộc sống đời thường

Bà Sáng rạng rỡ khi nghĩ đến “đứa con tinh thần” của mình được mọi người chú ý: “Tôi chưa từng nghĩ những gì mình viết ra sẽ được in thành tiểu thuyết.

Tôi cũng không nghĩ sách của tôi sẽ chuyển hóa thành phim. Tất cả cứ đến như một giấc mơ vậy”.

Mà sự thực một người có trình độ lớp 4 viết được cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất Nghệ An, được dựng thành phim chiếu trên đài Truyền hình Việt Nam thì cũng là chuyện xưa nay hiếm.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày bà Sáng vẫn chăm chỉ đọc báo
Mặc dù tuổi đã cao nhưng hằng ngày bà Sáng vẫn chăm chỉ đọc báo

Cuốn “Tình yêu thầm lặng” được xuất bản bán rất chạy, in đợt nào sách bán hết đợt ấy. Năm 2002, cuốn ấy tái bản lần thứ 2 với 2000 cuốn, thế mà chỉ trong vòng một tháng tất cả đã bán hết.

Bà Sáng dự định xin phép tái bản 3000 cuốn nữa. Năm 2007, bà xuất bản tiếp cuốn “Cuộc đời của mẹ” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành.

“Lúc đó tôi vừa bán vé số, vừa kê thêm chiếc bàn để bán sách của mình. Người này đồn người nọ, rồi rất đông người đổ xô tới mua sách.

Nhìn thấy sách mình được nhiều người quan tâm, tôi mừng đến phát khóc. Đó là động lực cho tôi tiếp tục sáng tác sau này”.

Sau đó, người đàn bà từng bán ốc, bán vé số này còn tiếp tục sáng tác không ngừng nghỉ. Bà là tác giả của tập thơ “Ngõ nhà tôi” với gần 70 bài thơ vừa được Hội Nhà văn thẩm định cấp giấy phép xuất bản.

Đồng thời, bà còn là tác giả tiểu phẩm kịch, thơ pha hài “Lão nông tri điền” do các nghệ sỹ đoàn dân ca Nghệ An dàn dựng nhân kỉ niệm ngày thành lập bộ đội biên phòng Nghệ An 3/3/2009.

Các tác phẩm được xuất bản của bà là mong ước của nhiều người sáng tác
Các tác phẩm được xuất bản của bà là mong ước của nhiều người sáng tác

“Tôi không được học hành đến nơi đến chốn, vì thế cũng không nhiều chữ nghĩa được như các nhà văn khác. Văn thơ tôi làm xuất phát từ tình cảm thực tế, những chiêm nghiệm tôi đã từng trải qua.

Tất cả điều đó là thực, là sự sống hằng ngày, cũng có thể đó là lý do sách tôi được mọi người chú ý”, bà Sáng giãy bày.

Giờ đây, tuổi ngày càng cao, sức khỏe đã giảm, bà Sáng không thể bán ốc được nữa, cũng không thể ngồi liên tục 2 tiếng viết sách, nhưng tâm hồn bà vẫn còn rạo rực như cách đây mấy mươi năm: “Lúc trước tôi viết cho con, giờ đây tôi sẽ viết cho cháu.

Thị hiếu mọi người đang dần thay đổi nên hằng ngày tôi vẫn cần mẫn đọc thêm sách báo làm tư liệu để bắt đầu viết cuốn mới. Hi vọng đến lúc đó mọi người vẫn còn quan tâm đến mua sách ủng hộ tôi”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại