Mẹ là hậu phương vững chắc, luôn động viên con cháu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biển trời Tổ quốc.
Nhà mẹ Hồ Thị Đức nằm khiêm tốn trong khu dân cư nhỏ ở phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình), ngay gần nghĩa trang liệt sỹ của xã.
Trong nghĩa trang có anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, con trai mẹ, người mà lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam mãi ghi danh anh hùng trong trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988.
Mẹ có 4 con trai là lính hải quân
Kể chuyện về anh hùng liệt sỹ Trần Văn Phương, mẹ Đức bần thần nhớ lại: “Hắn về nghỉ tết với gia đình đến mùng 10 thì lên đường trở lại đơn vị. Ai ngờ đó là kỳ nghỉ phép cuối cùng.
Phương ra Trường Sa rồi hy sinh tại Gạc Ma mà vẫn không biết mình có đứa con đã thành hình hài tại quê nhà”.
Biết tin con trai cả hy sinh, lòng người mẹ đau như xát muối. Những năm cuối thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước, tin tức biển Đông cứ dội về, nóng hầm hập.
Một đêm khoảng giữa năm 1989, mẹ Đức khều tay chồng nói nhỏ mà dứt khoát “Hay là cho thằng Hồng vào hải quân, ra đảo Trường Sa chiến đấu trả thù cho anh?”.
Ông Trần Văn Phụng ậm ừ cho qua chuyện. Tang con trai đầu chưa mãn. Ông động viên bà, cứ thư thư thời gian rồi tính...
Mẹ Hồ Thị Đức
Không ngờ mẹ Đức làm thật. Sáng ra đã thấy mẹ gói gém hành lí rồi giục hai cha con lên đường quốc lộ đón xe vào Vùng IV Hải quân tận cảng Cam Ranh, Khánh Hòa.
Chuyện Trần Văn Hồng theo nghiệp lính của anh trai đầu Trần Văn Phương đơn giản như thế.
Những ngày tháng 5/2014, xảy ra vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương- 981 trong vùng biển chủ quyền Việt Nam, biển Đông sôi sùng sục khi hàng loạt vụ đâm va do tàu Trung Quốc gây ra cho lực lượng chấp pháp.
Lúc đó anh Hồng đang trong lực lượng cảnh sát biển, trực tiếp đương đầu với kẻ thù nơi sóng gió Hoàng Sa. Mẹ ở nhà một lần nữa đứng ngồi không yên.
Cuối tháng 7/2014, khi Trung Quốc rút giàn khoan, anh Hồng về quê thăm mẹ sau những tháng ngày lênh đênh trên biển. Lúc ấy, mẹ mới như trút bỏ được nỗi lo trĩu nặng trong lòng bấy lâu.
Lá thư cuối cùng của liệt sĩ Trần Văn Phương được mẹ giữ cẩn thận
“Thằng Hiệp đi bộ đội hải quân được 3 năm thì về, đơn vị giữ lại đào tạo sỹ quan theo gương hai anh, mà hắn nỏ chịu. Hắn nói mạ ở nhà một mình, nay tuổi cao sức yếu.
Về để chăm mạ và chăm hương khói anh trai đầu, chứ chị dâu đã đi bước nữa rồi”, mẹ Đức kể.
Trần Văn Hiệp sau ngày ra quân, không nghề nghiệp ổn định, thu nhập đủ lo cho bản thân.
Mẹ Đức thương con, chỉ biết chép miệng thở dài: “Mong hắn có ai thương về làm bạn cùng. 40 tuổi rồi chứ có ít chi”.
Mẹ là hậu phương vững chắc!
Vợ chồng mẹ có 4 con trai là anh Trần Văn Phương, Trần Văn Hồng, Trần Văn Hải và Trần Văn Hiệp. Mẹ Đức luôn tự hào rằng “Gia đình mẹ toàn là lính hải quân” nên không khó để hiểu cái tên mà mọi người đặt cho mẹ.
Ngoài anh Trần Văn Hải, ba con trai mẹ đều vào bộ đội hải quân.
Trong lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam có ghi lại trường hợp hi sinh của Thiếu úy Trần Văn Phương vào sáng ngày 14/3/1988:
“…Nguyễn Văn Lanh cùng 11 cán bộ, chiến sỹ nhảy ngay xuống biển và bơi vào đảo. Khi đó trên đảo, địch đã nổ súng, đồng chí Trần Văn Phương, người giữ cờ trúng đạn, anh vẫn hiên ngang giữ vững ngọn cờ chủ quyền và hô lớn:
“Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo. Hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng”.
Anh Trần Văn Hồng sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Hoàng Sa, hiện nay đơn vị đã chuyển anh về làm cảnh sát biển đóng quân tại đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị.
Vợ liệt sỹ Trần Văn Phương, chị Mai Thị Hoa sinh được duy nhất một người con gái, chị Hoa đặt tên là con là Thủy.
Trần Thị Thủy sau khi tốt nghiệp ngành Việt Nam học, Trường Đại học Quảng Bình năm 2009, đã viết đơn tình nguyện công tác tại Trường Sa.
Năm nay, liệt sĩ Trần Văn Phương đã có nhà thờ nhỏ
Mơ ước được một lần ngang qua Gạc Ma, nơi bố mình cùng đồng đội ngã xuống trong cuộc chiến giữ đảo không cân sức của Thủy trở thành hiện thực khi được tiếp bước người cha anh hùng làm lính hải quân thuộc Lữ đoàn 146.
Chồng Thủy, anh Nguyễn Hồ Hải cũng là sỹ quan hải quân. Con gái đầu lòng của đôi vợ chồng trẻ được Thủy đặt tên Nguyễn Trần Navy (Navy tiếng anh là Hải quân).
Mẹ Đức bảo, năm nay mẹ đã sửa được nhà để đón Tết và xây một nhà thờ nhỏ để hương khói cho anh Phương.
Cho đến giờ, mẹ vẫn là hậu phương vững chắc, luôn động viên con cháu hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biển trời Tổ quốc.