Người mẹ hiền của hàng chục người nhiễm HIV

Lâm Phương |

(Soha.vn) - Không phải người thân cũng chẳng ruột thịt nhưng với tấm lòng cao cả của một người mẹ nên hơn hai năm qua bà Quý đã mở mái ấm tình thương để cưu mang, chăm sóc những bệnh nhân bị nhiễm HIV. Sự nhiệt tình và tận tụy của bà đã làm cho họ tự tin và nhìn cuộc sống theo chiều hướng tích cực hơn.

Đến với người nhiễm HIV như một cơ duyên

Mới sáng sớm, khi những giọt sương vẫn còn long lanh trên cành lá, chưa bị cuốn đi bởi sức nóng của ánh nắng mặt trời, bà Đỗ Thị Quý (57 tuổi ở khu phố 6, thị trấn Củ Chi, Củ Chi, TP.HCM) đã chuẩn bị xong bữa sáng và ra sân phân công, công việc vệ sinh nhà cửa cho những “đứa con” được nhận về chăm sóc tại “mái ấm tình thương” do bà lập ra.

Thấy có người gọi, bà đi như chạy ra mở cổng, rồi nở nụ cười mời chúng tôi vào nhà. Đến khi nghe xong mục đích chuyến thăm bất ngờ của những vị khách lạ bà tươi cười nói:“Tôi cứ tưởng cách anh đưa người thân hay bạn bè bị nhiễm đến đây”.

Với bà khi thấy có người lạ đến tìm thì ý nghĩ đó gần như là phản xạ. Theo bà thì một người cả ngày làm việc với những bệnh nhân bị nhiễm HIV thì chẳng có mấy khách tìm đến gặp trừ những người thân, người hiểu về công việc bà đang làm. Dù có thì đó là những lần đưa người bệnh đến gửi.

Bà Quý coi những bệnh nhân bị nhiễm HIV như con đẻ của mình.

Thoạt nhìn thì ngôi nhà của bà cũng như bao căn nhà khác nhưng khi bước vào bên trong mới thấy nó rất quy củ và ngăn nắp. Nhà được chia thành từng khu vực khác nhau như: khu ngủ của bệnh nhân nam, khu làm việc kết hợp với ăn uống và sinh hoạt, khu phòng ngủ của bệnh nhân nữ…

Ngoài vườn, dưới tán hàng cây si bà cho kê thêm chiếc bàn đá và mắc võng cho bệnh nhân ngồi uống nước và nằm nghỉ ngơi.

Những người được cưu mang trong mái ấm này mỗi người có hoàn cảnh, độ tuổi, quê hương khác nhau nhưng họ có một điểm chung là mang trong mình căn bệnh thế kỷ. Có người được bạn giới thiệu nên tìm đến, cũng có trường hợp bị người thân từ bỏ không còn chỗ đi đành sống dưới gầm cầu được bà đưa về đây.

Bà Quý đến với nhưng người nhiễm HIV như một cơ duyên định sẵn. Hai vợ chồng bà sinh được 8 người con thì người con cả bị nghiện nên năm lần bảy lượt đi cai mà vẫn tái nghiện. Đến khi có một người bên Australia về nước gặp và giúp đỡ thì con bà cai nghiện thành công, cũng trong năm đó chồng bà qua đời sau một cơn bạo bệnh.

Cảm phục tấm lòng của ân nhân đã giúp đỡ, bà lại nghĩ đến những lần cùng con đi cai nghiện và chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh đáng thương vừa nghiện vừa bị nhiễm HIV mà gia đình xa lánh khiến họ không còn đường đi.

Hình ảnh đó cứ luẩn quẩn trong đầu, tìm hiểu về căn bệnh này thì bà được biết chúng cũng không dễ bị lây như mọi người lầm tưởng. Đến khi bà đưa về nhà hai bệnh nhân và cho sống chung thì bị các con phản đối kịch liệt. Nhưng bà cố gắng phân tích và thuyết phục, đến khi hiểu ra các con đã nhiệt tình ủng hộ mẹ.

Ban đầu bà chỉ nghĩ sẽ giúp một vài người nhưng chẳng hiểu thế nào mà bệnh nhân tìm đến ngày càng nhiều, ngôi nhà chẳng mấy chốc đã quá chật chội không thể nhận thêm nên bà đã bàn bạc với các con chuyển xuống thuê địa điểm tại thị trấn Củ Chi.

Việc làm của bà cũng dần đến tai những nhà hảo tâm, cảm động với tấm lòng của bà nên hàng tháng họ ủng hộ gạo, thức ăn giúp mái ẩm nhỏ duy trì hoạt động.

Nhớ lại những ngày đầu tiên mới nhận bệnh nhân với biết bao bỡ ngỡ, bà Quý kể do không hiểu tâm lý nên đôi khi trong cuộc sống hàng ngày có những câu nói vô tình làm cho họ buồn lòng.

Những lúc trái gió trở trời, không ăn uống được bệnh nhân mệt mỏi bà lại sốt sắng, chạy đôn chạy đáo đi mua thuốc. Những việc này với người trong nghề còn khó chứ không nói đến người “ngoại đạo” như bà. Bà phải học từ cách nói chuyện, nấu ăn… và nhất là cách nhớ các loại thuốc, cách uống trong từng giai đoạn bệnh.

Khu giường tầng dành cho bệnh nhân nam.

Thế rồi mọi bỡ ngỡ ban đầu cũng dần qua, từ một người không hiểu về bệnh HIV, đến nay cả cách cạo gió bấm huyệt bà đều thuộc nằm lòng.

Bà trầm ngâm: “Ngày mới chuyển xuống đây mọi thứ đều thiếu thốn nhưng được cái mấy đứa nó cũng ngoan ngoãn đùm bọc lấy nhau và biết nghe lời, khi khỏe thì ngồi xâu hạt cườm thành túi để kiếm thêm thu nhập. Đến giờ dù vẫn phải đi thuê nhưng mọi thứ cũng tạm ổn”.

Công việc thường ngày của bà là chăm lo từ miếng ăn giấc ngủ cho từng người, coi họ như con. Có khi do làm quá sức mà lâm bệnh những lúc như vậy bà mới cảm nhận được tình cảm của những đứa con không ruột thịt dành cho mình.

Đấu tranh để được làm việc thiện

Khi mới chuyển về thị trấn Củ Chi bà và những thành viên trong mái ấm vấp phải sự kỳ thị xa lánh của những người dân cùng khu phố bởi họ sợ bị lây.

Còn chính quyền địa phương cũng đôi lần gây khó dễ với lý do lo ngại những thành viên mà bà nhận cưu mang trở lại con đường cũ gây mất an ninh trật tự địa bàn.

Trước những áp lực đó, nhiều lúc tưởng chừng bà đã suy sụp nhưng mỗi khi nghĩ đến nếu giải thể thì những số phận này sẽ đi về đâu hay để họ quay lại còn đường cũ.

Nếu điều đó xảy ra thì rất nguy hiểm, bởi theo bà một người bị bệnh HIV có tâm lý chán nản thì họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì, thậm chí là nguồn lây bệnh cho nhiều người khác.

Chính vì điều đó mà bà đã ra sức thuyết phục để chính quyền thông cảm và tạo điều kiện để mái nhà tình thương được phép hoạt động.

Bệnh nhân mới đến mái ấm tình thương này thường tâm lý chán nản, sức khỏe yếu, ngại nói chuyện với mọi người, cá biệt hơn có trường hợp xuất hiện ý nghĩ tiêu cực với bản thân.

Nhưng khi tiếp xúc và tâm sự với bà thì đa số những trường hợp này đã thay đổi ý nghĩ. Bởi qua bà họ nhận ra cuộc sống này vẫn còn rất nhiều ý nghĩa, có người yêu thương, quan tâm, chăm sóc…

Bà Quý kể lại: "Năm ngoái có một trường hợp bị phát hiện nhiễm HIV nên người thân trong gia đình ruồng bỏ và tìm đến đây xin được cưu mang.

Nhưng khi đến hành lý chỉ vẻn vẹn một bộ quần áo, thấy lạ bà hỏi sao lại mang mỗi một bộ quần áo theo thì thay như thế nào? Thì bệnh nhân đáp lại là chẳng còn sống được bao nhiêu nữa nên mang theo một bộ thôi".

Lúc đó bà lại gần ngồi thủ thỉ tâm sự, rồi chỉ ra cho cô ta biết rằng bản thân mang căn bệnh nhưng không có nghĩa là chấm dứt mọi thứ.

Rồi bà đặt ra câu hỏi: "Nếu con biết ngày mai con ra đi, vậy tại sao hôm nay con không sống cho có ý nghĩa? Mẹ nhận con về đây không phải mỗi mục đích là cho con có chỗ ở mà cơ bản con phải có suy nghĩ tích cực và sống hòa nhập với mọi người".

Sau buổi nói chuyện đó, ngay ngày hôm sau bệnh nhân này đi mua thêm quần áo và cô còn mua tặng bà một món quà.

Trước khi nhận bà khéo léo hỏi lại: "Mới hôm qua con còn nói với mẹ là sắp ra đi nên không mang theo quần áo, vậy hôm nay con mua làm gì nhiều thế?". Bệnh nhân này cười và trả lời: "Con không đi đâu, con sống với mẹ thêm 10 hay 20 năm nữa".

Sản phẩm do chính tay bệnh nhân làm ra.

Cũng trong năm ngoái, người dân địa phương phát hiện phát hiện một cháu bé 4 tuổi bị chính người mẹ ruột bỏ rơi, trong mẩu giấy nhỏ có vài dòng chữ nghệch ngoạc của người mẹ để lại và cho biết cháu bé đã bị nhiễm HIV.

Sau đó họ đưa cháu bé đến với bà nhưng do không được phép nuôi trẻ em nên sau vài ngày chăm sóc bà đưa cháu bé lên trung tâm nhà nước.

Về nhà bằng những thông tin ít ỏi qua lời kể của đứa trẻ, bà tìm mọi cách liên hệ với người mẹ đó với hi vọng nếu có tìm được thì bà cũng sẽ dang vòng tay cưu mang nhưng tất cả đều đi vào vô vọng.

Cho đến một ngày bất ngờ có một người phụ nữ đến tìm bà và tự nhận là mẹ của cháu bé bị bỏ rơi đã được mọi người đưa đến đây. Khi nghe bà nói lại cháu bé đã được chuyển lên trung tâm nhà nước để tiện chăm sóc thì người phụ nữ ấy nói là đã yên tâm rồi chào bà ra đi.

Hơn 2 năm đã trôi qua kể từ ngày bà bắt đầu mở mái ấm tình thương, có người đến rồi đi và khi họ không thể chịu đựng được cuộc sống xô bồ ngoài xã hội thì lại quay về và bà vẫn dang tay đón nhận.

Đến nay bà đang nhận nuôi và chăm sóc cho 15 bệnh nhân gồm cả năm và nữ. Dù phải chịu nhiều điều tiếng và sự xa lánh của mọi người nhưng bà chưa bao giờ coi đây là công việc nhằm mục đích vụ lợi. Bà làm việc này bởi niềm vui và coi đó là như làm phúc, tích đức cho đời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại