Người đàn ông Mông đi bằng tay nuôi 5 đứa con

Thiên Di |

(Soha.vn) - Trên đôi chân tật nguyền, anh Sồng A Các vẫn lết từng bước, bò bằng đôi tay lên nương, làm rẫy để nuôi 5 đứa con với mong muốn lớn lên chúng đỡ khổ như bố.

Trong chuyến hành trình từ thiện Tây Bắc 5 ngày, mỗi vùng đất tôi đi qua để lại nhiều ấn tượng, ám ảnh về con người lam lũ, cuộc sống khốn khó của người dân nghèo.

Và hình ảnh người đàn ông dân tộc Mông Trắng nhếch nhác, rách rưới, hiền lành luôn nở nụ cười hạnh phúc với hai đứa con cùng ngồi trên xe lăn thiết kế kèm chiếc xe đạp cũ kỹ, hoen rỉ đã ám ảnh tâm trí tôi. Anh là người ở bản Bải Hồ, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Anh Sổng A Các, người dân tộc Mông ở xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, Lai Châu.

Anh Sổng A Các, người dân tộc Mông ở xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, Lai Châu.

Anh cười hiền trò chuyện với tôi, khuôn mặt anh nhem nhuốc, hằn lên những nếp nhăn, kham khổ của cuộc đời. Anh kể về cái ngày anh biết mình không thể đi được trên đôi chân của chính mình…

2 năm bò bằng tay đến trường

Nhìn vào đôi chân teo quắt, đen nhẻm, anh kể từ ngày xưa còn nhỏ lúc 2 tuổi mình đã không đi được do bố đi bộ đội và ảnh hưởng chất độc màu da cam. Khi ấy còn quá nhỏ để nhận biết được nỗi đau, nỗi khổ khi thiếu đi đôi chân.

"Lúc đấy không biết gì, sau này mới nghe thấy có nhà trường để học thì mình mới ra học khi ấy mình 10 tuổi mới vào học lớp 1. Vì nếu mình không học học thì không biết tiếng. Lúc ấy không có chân di chuyển khó khăn lắm", người đàn ông khuyết tật kể lại.

Đôi chân của anh đã bị teo quắt từ khi anh 2 tuổi. Nhưng anh vẫn còn đôi tay để làm nương, làm rẫy.

Đôi chân của anh đã bị teo quắt từ khi anh 2 tuổi. Nhưng anh vẫn còn đôi tay để làm nương, làm rẫy.

Khoảng thời gian đi học, chưa có xe đạp, xe lăn, anh Các đi học bằng đôi tay chống xuống đất để lê, bò từng bước đến lớp. Buổi sáng nào cũng phải dậy sớm hơn bạn bè bình thường 1 tiếng để bò trên đường, có những tuần mang thêm gạo đi khiến đôi tay anh bầm tím.

Cậu bé không có đôi chân tiếp tục đến trường với ước mơ biết chữ. Năm 1998, anh thi vào cấp 1 để lên cấp 2. Nhưng đi học cấp 2 được 1 tuần thì ước mơ bị bỏ dở giữa chừng khi điều kiện gia đình khó khăn, vất vả, 15 tuổi anh nghỉ học để lấy vợ.

Không tiếp tục đi học được, cả đời anh quyết tâm cho con mình đến trường đầy đủ để biết tiếng. Anh kể, anh có 5 người con, 2 trai, 3 gái. Đứa con gái thứ nhất, năm nay 17 tuổi đang ở nhà làm nương, không cho nó đi học vì nhà trường bảo nó béo phì, bị bệnh không học được, Đứa con gái thứ 2, năm nay 15 tuổi chưa lấy chồng ở nhà giúp gia đình.

Hàng ngày, chiếc xe đạp 3 bánh này là đôi chân giúp anh di chuyển trên đường bằng.

Rồi anh quay lại đằng sau, chỉ vào đứa nhỏ ngại ngùng, lén lút đứng đằng sau đẩy xe lăn cho anh, anh nói đó là đứa thứ 3, năm nay 12 tuổi, đã nghỉ học khi học hết lớp 1.

"Nó bảo không thích đi học, mình bảo đi nhưng không đi. Tên nó là Sồng Thị Rủa, nó đưa mình đi. Còn đứa thứ 4 đang học lớp 3, thấy nhà trường bảo nó học được.

Và ở nhà còn một thằng con trai 3 tuổi, nó đi học không được, không nuôi được, không đi được, chắc nó bị bệnh gì đấy không đứng được, sau này nó còn khổ hơn mình", người đàn ông này nói.

Khi tôi hỏi, anh có cho con đi học nữa không, anh cười và nói : "Cũng phải tạo điều kiện chịu khó nuôi con để sau này lớn nó đỡ khổ. Mình bắt buộc cho chúng nó đi học. Mình vất vả rồi thì phải làm sao cho con mình đỡ khổ để giúp mình khi về già".

Buồn nhất là không có đôi chân như người ta

Năm 2000, anh lấy vợ khi anh 27 tuổi, còn vợ anh 29 tuổi. Éo le hơn khi vợ anh cũng bị mất một chân phải vì hồi nhỏ bị ốm nặng. Cả hai vợ chồng và 5 đứa con trông chờ vào đôi bàn tay và một chiếc chân phải của người vợ. Anh nói chưa bao giờ mình mặc quần dài vì đôi chân ấy.

Nhưng không vì thế mà anh đầu hàng số phận trớ trêu ấy, hàng ngày anh vẫn đi nương làm rẫy trồng ngô, đậu hay kiếm củi để nuôi gia đình.

Anh kể rằng, anh chỉ bò thế này để đi lên đồi, lên rừng. Cũng đau, cũng chảy máu nhưng anh đi quen rồi, đi từ từ cũng đến được nơi, đi xa thì một tiếng mới đến nương, một cây thì đi mất 1 tiếng, đến tối thì 8h mới về đến nhà trong khi người bình thường là 6h tối đã về.

Khó khăn như thế, nhưng anh vẫn dùng đôi tay và đôi chân tật nguyền nhưng anh vẫn làm được mọi việc như người thường và chỉ hơi chậm hơn thôi. Như việc đi cày ruộng, cày nương, vác gỗ thì phải nhờ anh em, một phần phải tự làm.

Nhìn vào đôi chân đầy sức sống của anh, tôi không tin là anh có thể đi trên nó. Ở hai đầu gối, anh có buộc chặt đôi tông cũ để lê khỏi đau khi bò trên đất đá, lên rẫy không nhọc như trước.

"Nếu không bị liệt thì làm được rất nhiều việc như đi học, đi nương, rẫy. Mình buồn nhất là không có chân đi như người ta nhưng mình có đôi tay này", vừa nói anh chìa đôi bàn tay lấm lem, gầy bé của mình. 

Đối với người đàn ông này, 5 đứa con là niềm hạnh phúc lớn nhất của anh. Bởi anh muốn chúng được đi học, đỡ khổ như anh.

Đối với người đàn ông này, 5 đứa con là niềm hạnh phúc lớn nhất của anh. Bởi anh muốn chúng được đi học, đỡ khổ như anh.

Anh tiếp lời rồi chỉ vào chiếc xe đạp anh đang ngồi trên, anh kể đây là chiếc xe nước ngoài cho từ năm 1994, nó là đôi chân của anh, là phương tiện chính cho anh di chuyển. Anh miêu tả, hai bố con đi bằng xe đạp, con ngồi trên đầu, bố đẩy bằng tay.

Hỏi có sinh thêm con nữa không, anh cười nói không sinh nữa: "Được hai con trai rồi, nuôi vất vả lắm, không có thửa ruộng cho các con. Con gái đi lấy chồng thì không cho, nếu nó nuôi mình thì mới cho. Hai đứa con trai giờ có hai đám ruộng rồi".

Năm nay, mất mùa, chuột ăn hết thóc, hết ngô, gia đình chỉ được ba đến bốn chục bao ngô, 7 bao thóc thôi, phải mua thêm gạo ở chợ. "Chỉ có nuôi lợn, nuôi gà mới được có tiền để tiêu thôi. Năm nay cũng nuôi được 4 con lợn, hơn chục con gà. Tết năm nay mổ con lợn bé 20 cân thôi, bản mình bàn nhau ăn tết từ ngày 28 - 12 Tết", anh Các nói.

Anh Các cho biết, vợ ở nhà đi vác củi chuẩn bị tết, còn chưa sắm tết được gì cả. Ngày mai, anh và vợ con sẽ đi chợ Phình Hồ (cách nhà 10 cây số) trên chiếc xe này để chuẩn bị đón tết.

Dù bữa cơm hàng ngày của cả gia đình anh chỉ là cơm ngô, cơm gạo, đến 1 tháng hoặc 2 – 3 tuần có đĩa thịt mỡ để ăn với rau cải, bí ngô nhưng anh vẫn để các con được ăn học, ăn uống đầy đủ như những đứa trẻ bình thường khác.

Ngày mai, anh cùng các con của mình đi chợ sắm Tết…một cái Tết ấm áp, ý nghĩa.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại