Không phải ai cũng dám nhìn thẳng vào những khó khăn để bước, không phải ai cũng dũng cảm đối đầu, với những người bình thường điều đó đã là một trở ngại, với những người khuyết tật điều đó còn khó khăn vô chừng. Thế nhưng, nghị lực của bản thân vực họ dậy khỏi vũng lầy của cuộc đời và như những mầm non trỗi dậy, họ tỏa sáng như bông hoa đẹp giữa vườn đời, vườn người.
Đến thăm cơ sở móc len Phước Đào của chị Đinh Thị Tuyết Đào trong con hẻm trên đường Lê Văn Lương (Q.7, Tp. HCM). Tiếp đón chúng tôi là một người phụ nữ vóc người nhỏ nhắn, bị khuyết đôi chân, nhưng nụ cười và nét mặt của chị rạng ngời, thiện cảm với người đối diện.
Chia sẻ với chúng tôi, chị cho biết, chị bị khuyết đôi chân từ khi bé nên mọi việc trở lên với chị thật khó khăn, mỗi công việc làm đều cần phải có người giúp đỡ.
Nhiều lúc thấy nản, nhưng nghĩ cho một cuộc sống dài trước mắt, chị đã phải nỗ lực cố gắng rất nhiều, và chính tình yêu của người chồng hiện tại đã giúp chị vực lên tất cả. Chị cũng tâm sự, cơ sở len Phước Đào ngày nay có được cũng nhờ tất cả vào anh, “không có Phước sẽ chẳng có Đào của hôm nay”.
May mắn của chị không chỉ là hạnh phúc với một mái ấm, với những cậu con trai ngoan ngoãn, học giỏi mà hơn nữa là sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, của tổ chức hội phụ nữ phường.
Là một người phụ nữ tháo vát, khéo léo, chị còn là phụ nữ rất nghị lực. Ông trời phụ chị lấy đi đôi chân trần, nhưng bù lại cho chị một tinh thần thép. Ngay từ khi còn trẻ chị đã học cách móc len và trở thành thợ móc len thuê. Chị kể, cái thời đi làm hàng thuê, chị phải làm theo những mẫu cho sẵn, trong khi chị muốn ghi dấu cái nghề bằng những thiết kế mới và luôn ấp ủ mở được 1 cơ sở của chính mình.
Nhờ chồng luôn ủng hộ, chị đã tách ra làm riêng, mới đầu chỉ sắm vài ba đồ nghề đơn giản để làm. Sau này, được hội phụ nữ hỗ trợ giới thiệu hàng, nhiều sản phẩm của chị được chú ý hơn, và khách đặt hàng ngày một nhiều.
Cơ sở của chị đến nay đã có hàng chục học viên
Gian nan vào nghề là vậy, đến giờ chị đã phát triển cơ sở chuyên móc len cho khách đặt hàng và dạy lại nghề cho nhiều người khác. Hiện tại, chị đang có 2 lớp dạy với 10 học viên, đều là những chị em phụ nữ tại địa phương. Tuy vậy, hầu hết người đến học là chị em bình thường, thế nên chị vẫn băn khoăn vì chưa đủ điều kiện để dạy cho những người có hoàn cảnh như mình.
Chị tâm tình “nếu được mơ ước một đôi chân lành lặn và một công việc dạy cho những người phụ nữ khuyết tật như mình, thì sẽ sẵn sàng chọn công việc. Bởi cuộc sống hiện tại đã đủ no ấm và hơn rất nhiều người, vì thế, mình chỉ mơ ước được giúp đỡ nhiều người hơn, như mọi người đã giúp mình”.
Cùng xem những sản phẩm do chính tay chị đã làm, thành phẩm nào cũng đẹp, cũng thể hiện đường móc tâm huyết và sự khéo tay, tỉ mỉ của một người phụ nữ cẩn trọng. Tất cả các đường móc trên sản phẩm nói lên sự tỉ mỉ của chị chăm chút cho mỗi sản phẩm của mình.
Đáng nói hơn, chị học hỏi và sáng tạo trong mẫu mã và đa dạng về thiết kế từ áo ấm cho trẻ em, áo cho người lớn, khăn, nón, vớ…. Tâm huyết với cái nghề nuôi sống mình, chị mong muốn làm một điều gì đó thật ý nghĩa như mang chính công việc móc len của mình giúp nhiều PN nghèo có việc làm, vươn lên.