Người cha tâm thần: Có quả chuối cũng mang về cho con

Nguyễn Huệ |

Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng cụ Chỉ chưa một ngày được an hưởng tuổi già. Gánh nặng về miếng cơm, manh áo và nỗi đau tinh thần vẫn đè nặng lên đôi vai của người mẹ nghèo.

Chị gái thay bố mẹ chăm sóc em

Từ khi mẹ ngồi tù từ gần 1 năm trước, người dân thôn Trong Giữa, xã Việt Lập, Tân Yên, Bắc Giang thấy em Trần Thị Kim Hồng (SN 2003, học sinh lớp 5E, trường Tiểu học Việt Lập) trở nên trầm tư, ít nói hơn.

12 tuổi, cân nặng chỉ có 24kg nhưng Hồng đã phải đảm đương trách nhiệm thay bố, thay mẹ chăm em gái Trần Thị Hân mới hơn 3 tuổi từ công việc vệ sinh cá nhân cho tới vỗ về em trong từng giấc ngủ.

Các bữa ăn hàng ngày, 2 chị em phải nương nhờ bà nội Ngô Thị Chỉ (84 tuổi) và cô Trần Thị Hà sống ở ngay bên cạnh. Bản thân cô Hà cũng bị khiếm thính bẩm sinh.

Bà Chỉ bên 2 đứa cháu nhỏ trước cửa ngôi nhà đã cũ nát của con trai bà
Bà Chỉ bên 2 đứa cháu nhỏ trước cửa ngôi nhà đã cũ nát của con trai bà

Hai mái nhà ngói đơn sơ, cũ nát nằm cạnh nhau, từ nhiều năm nay đã chứng kiến cuộc sống nay bữa rau, mai bữa cháo, thỉnh thoảng mới có được bữa thịt của của gia đình bất hạnh này.

Bố của Hồng, anh Trần Văn Tiến (SN 1976) là con thứ trong gia đình có 8 anh chị em. Từ khi sinh ra, trí tuệ của anh đã không được minh mẫn như bạn bè cùng trang lứa.

Nhìn đứa con đã 40 tuổi lúc nào cũng ngây ngô như đứa trẻ lên 3, nước mắt người mẹ hơn 80 tuổi ấy lại không thể kìm nén.

Thời gian anh Tiến sống lang thang ngoài đường còn nhiều hơn thời gian anh ở nhà.

Người ta nói, số anh là số “trời đày”. Bởi lẽ, anh đã không ít lần thoát khỏi bàn tay “thần chết” khi bị viêm đa cơ 5 tháng trời, rồi 2 lần ngã gãy chân, không ít lần đứng chặn đầu ô tô…

Ngôi nhà anh Tiến đã xuống cấp, từ lâu đã là nơi sống của 1 đại gia đình

Ngôi nhà đơn sơ, trống hoác lúc nào cũng mang bầu không khí trầm lặng

3h chiều, chúng tôi có mặt ở thôn Trong Giữa để hỏi thăm anh Tiến nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ những hộ gia đình cách đó hàng km đến người thân của anh:

“Giờ này Tiến không có nhà đâu, lại đi lang thang đâu đó kiếm ăn hay đi làm thuê cho nhà người ta kiếm 1.000 đồng hay 10.000 đồng. Quả thực, Tiến cũng không biết phân biệt mệnh giá tiền, người ta đưa bao nhiêu nó biết bấy nhiêu. Cứ có nhiều tờ tiền là nó thích.

Muốn gặp Tiến phải từ sau 10h đêm, không có tiền nó lại “ăn bám” vào mẹ già hơn 80 tuổi hàng tháng chỉ trông chờ vào 180.000 đồng tiền trợ cấp người cao tuổi và tiền chế độ của con” – ông Trần Văn Đức (chú họ anh Tiến – PV) cho hay.

Nói rồi, ông Tiến đưa chúng tôi tới gặp Hồng và Hân, 2 đứa trẻ có cả bố lẫn mẹ nhưng cuộc sống chẳng khác gì những đứa trẻ mồ côi.

Cánh cửa sắp bung và thân phận những đứa trẻ

Hồng đang chơi con búp bê đã cũ của ai đó bỏ đi, Hân đứng bên cạnh chị, chốc chốc, chúng lại hướng đôi mắt vừa rụt rè, vừa e ngại về phía chúng tôi.

Bố và mẹ đều không khôn ngoan như người khác nhưng năm nào, Hồng cũng nhận được phần thưởng của dòng họ, địa phương, giấy khen của nhà trường.

Từ khi mẹ bị đi tù, Hồng phải thay mẹ chăm sóc em
Từ khi mẹ bị đi tù, Hồng phải thay mẹ chăm sóc em

“Sau khi mẹ đi tù và thời gian thụ án là 12 năm, Hồng ít nói hơn, cháu còn có ý định bỏ học sang bên bà ngoại cách đây 2 – 3km để đi mò cua, bắt ốc. Tôi phải sang tận nơi đón về và khuyên bảo, đưa cháu đi học đón cháu về để cháu tiếp tục con đường tới trường.

Hân hơn 3 tuổi rồi nhưng cũng chậm nói và bị suy dinh dưỡng.

Bữa cơm chỉ là cơm và rau 2 chị em tự hái ngoài vườn vào nấu. Bữa nào bà nội có tiền mua được ít thịt thì có thêm món gắp.

Chúng tôi cũng cảnh làm nông nên không giúp gì được các cháu” – ông Đức nói.

Ông Đức còn bảo, anh Tiến hay gây sự với người ngoài vì… anh không nhận thức được điều gì nhưng với vợ con anh lại hết mực thương yêu.

Trong ngôi nhà mà chiếc xe đạp cũ để Hồng đi học là vật giá trị, từ lâu nay đã vắng đi tiếng cười
Trong ngôi nhà mà chiếc xe đạp cũ để Hồng đi học là vật giá trị, từ lâu nay đã vắng đi tiếng cười

Ngày vợ đi tù, anh Tiến cứ lang thang khắp nơi, hết lên xã lại huyện để hỏi xem vợ ở đâu.

Đi ăn cỗ hay người ta cho đồ ăn, anh đều bỏ túi mang về cho các con. Đi làm được 1 vài đồng cũng mua sữa về cho con.

“Hôm trước, tôi cho quả chuối, Tiến cũng không ăn và nói mang về cho cái Hồng, cái Hân” – ông Đức chia sẻ.

Bà Chỉ ngồi bên cạnh cũng chỉ biết buông những tiếng thở dài. Rồi bà ra ngoài sân cho con giống ăn để đợi cô con gái bị khiếm thính đi làm đồng thuê cho người ta về.

Bước vào ngôi nhà của gia đình anh Tiến, vật dụng có giá trị nhất là chiếc xe đạp đã cũ dành cho Hồng ngày ngày tới lớp.

Cánh cửa vào nhà cũng sắp bung, chỉ còn bản lề gắn vào phần tường ở ngôi nhà đã gần 30 năm nay không được tu sửa.

Hồng kéo tay tôi ngồi xuống chiếc giường cũng cũ kĩ, chỉ chực chờ sập, mảnh chiếu trải trên cũng đã rách nhiều mảng.

“Cháu và em đều nhớ mẹ. Đêm tới, bà lên ngủ cùng nhưng chúng cháu sợ lắm. Ước mơ duy nhất của cháu bây giờ là mẹ trở về…” – nói tới đây, cô bé 12 tuổi ấy cúi đầu im lặng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Nam, trưởng thôn Trong Giữa cho biết:

“Gia đình anh Tiến thuộc diện hộ nghèo của địa phương, khó khăn với gia đình còn chồng chất.

Bố trí tuệ không minh mẫn, mẹ đi tù, bà già yếu, người cô cũng bị khiếm thính bẩm sinh… 2 đứa trẻ tội nghiệp chẳng biết bấu víu vào đâu.

Nhiều khi nhìn chúng tự lo cho mình, ai trong địa phương cũng thấy thương…”.

Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ.

Tài khoản: 1912.832.546.5015

Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội

Địa chỉ: Tầng 21, tòa nhà Hapulico Center Building, số 1 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại