- Vừa qua, Trung Quốc lại có động thái mới khiến dư luận hết sức quan ngại khi tung đội tàu cá lớn ra Trường Sa – thuộc chủ quyền của Việt Nam và áp đặt lệnh cấm đánh bắt đơn phương trên Biển Đông, ông nhận xét thế nào về việc này?
Cá nhân tôi và Hội nghề cá Việt Nam cũng đã biết được thông tin này thông qua báo chí và hiện vẫn đang theo dõi sát sao vụ việc.
Có thể nói rằng đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc có những động thái trên mà họ đã làm rất nhiều lần rồi, từ nhiều năm nay và gần như mang tính định kì, có chủ đích, có quy luật, có kế hoạch cụ thể.
Đây là một hành động xâm phạm thô bạo đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đe dọa đến nguồn thủy sản và ngư dân trên biển Đông, cần phải lên án mạnh mẽ.
Qua thời gian, dường như hành động đơn phương của phía Trung Quốc đang ngày một leo thang, là nguyên nhân khiến cho tình hình Biển Đông luôn luôn căng thẳng.
Việc Trung Quốc cử đội tàu cá ra Trường Sa đánh bắt là xâm phạm chủ quyền biển đảo của chúng ta một cách thô bạo, không thể chấp nhận được, đòi hỏi chúng ta cần phải có những biện pháp cụ thể để ngăn chặn hành vi xâm phạm này.
Ngoài ra, việc phía Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển này cũng là vô căn cứ, không có sơ sở pháp lý. Vùng biển khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, do Việt Nam quản lý và khai thác, việc Trung Quốc áp đặt lệnh trên là vi phạm vào Công ước và Luật biển quốc tế.
- Trước việc Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo và đe dọa nguồn lợi thủy sản và ngư dân trên biển Đông, phản ứng của Hội Nghề cá Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Ngay khi Trung Quốc tung đội tàu cá lớn ra Trường Sa để đánh bắt và đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam đã có văn bản phản đối việc làm trên của phía Trung Quốc.
Đồng thời Hội cũng có văn bản kiến nghị các Bộ, ngành chức năng của Việt Nam cần có giải pháp tháo gỡ tình trạng trên nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt lên án hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ phía Trung Quốc. Những hành động trên không chỉ khiến cho tình hình biển Đông thêm căng thằng mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh tế biển của Việt Nam.
- Cùng với bảo vệ chủ quyền biển đảo và nguồn lợi thủy sản thì bảo vệ ngư dân đang là vấn đề cần thiết đặt ra hiện nay. Hội Nghề cá có kiến nghị những giải pháp gì về vấn này?
Tôi cho rằng các bộ, ngành và chính quyền địa phương phải tiếp tục và tăng cường việc tổ chức cho ngư dân khi đi khai thác phải lập thành tổ đội đánh bắt, đảm bảo trang thiết bị thông tin liên lạc, thường xuyên liên lạc với lực lượng cứu hộ, cứu nạn, bộ đội biên phòng... để có biện pháp hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố trên biển.
Về những kế hoạch bảo vệ dài hơi, chúng ta cũng đã thành lập được Cục Kiểm ngư thuộc Bộ NN&PTNT để thực hiện tốt chức năng thanh tra, bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của Luật thủy sản cũng như pháp luật của Việt Nam.
Ngoài ra, cần có biện pháp giải quyết và giúp đỡ ngư dân, đồng thời hệ thống Hội nghề cá từ trung ương đến địa phương cần có nhiều hoạt động tăng cường giúp đỡ ngư dân, góp phần ổn định tâm lý và khuyến khích ngư dân tiếp tục sản xuất, bám biển.
- Ông vừa nói đến những hoạt động hỗ trợ ngư dân của các cấp Hội Nghề cá ở các địa phương, vậy cụ thể những hoạt động này là gì?
Trước mắt, Hội Nghề cá sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp, ban, ngành của các địa phương có biển, tiến hành tuyên truyền phổ biến rộng rãi về Luật Biển và Luật đi biển cho các ngư dân.
Đây là việc làm cần thiết, giúp ngư dân chúng ta không bị lúng túng trước các tình huống “chạm trán” với tàu nước ngoài khi tiến hành khai thác hải sản trên vùng biển của Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ cần tăng cường hơn nữa những chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, giữ biển, như thông qua việc cho ngư dân vay vốn ưu đãi để có thể đóng những tàu lớn đánh bắt xa bờ.
Hiện nay, hầu hết những tàu cá của ngư dân chúng ta đều là những tàu nhỏ, trang bị lại chưa được đầy đủ nên chủ yếu chỉ đánh bắt gần bờ, vùng biển xa hơn gần như bị “bỏ trống”, khiến tàu nước ngoài dễ dàng xâm phạm.
Một trong những biện pháp bảo vệ ngư dân hiệu quả nhất, mà thực tế nhiều địa phương cũng đã triển khai từ vài năm trở lại đây là ngư dân khi ra khơi là các tàu đánh cá của ngư dân khi ra khơi nên lập thành những đội, hội lớn, từ vài chiếc đến vài chục chiếc, tuyệt đối không đi riêng lẻ.
Khi lập những đội tàu, ngư dân dễ dàng liên lạc và bảo vệ với nhau khi xảy ra các sự cố trên biển. Ngoài ra, cũng cần tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa ngư dân với các lực lượng chức năng tham gia bảo vệ biển đảo.
- Nếu gửi một thông điệp gì đó với ngư dân trong tình hình hiện nay, ông sẽ nói gì?
Hãy đoàn kết để ra khơi, chỉ có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh để bảo vệ vùng biển Tổ quốc và tính mạng, tài sản của chính mình! Đó là thông điệp tôi muốn gửi đến tất cả ngư dân trong tình hiện nay.
Ngư dân ra khơi lúc này không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là góp phần khẳng định chủ quyền và bảo vệ biển đảo của Tổ quốc. Biển đảo là của chúng ta, chúng ta phải kiên quyết giữ bằng mọi giá.
- Xin cảm ơn ông!