Bộ Nông nghiệp quy hoạch khu bảo tồn biển đảo Nam Yết rộng trên 20.000 ha ở Trường Sa. Dự kiến, ba năm nữa cả nước có 9 khu bảo tồn biển đảo.
Ngày 14/9, hội thảo "Hệ thống bảo tồn biển Việt Nam - Cơ hội và thách thức" do Viện Hải dương học tổ chức diễn ra ở TP Nha Trang (Khánh Hòa). Ông Nguyễn Việt Cường (Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cho biết, năm 2013 Bộ NN&PTNT sẽ thành lập khu bảo tồn biển đảo Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).
Đảo Nam Yết phủ trùm một màu xanh. Ảnh: Nguyễn Nam Anh
Theo cơ quan chức năng, Nam Yết có thềm san hô là một bãi cạn rất lớn, mở rộng về phía Tây của đảo. Tại đây có thảm cỏ biển phát triển, độ che phủ tốt (58%) và bãi cát rộng là nơi rùa biển thường xuyên lên đẻ trứng.
Trên đảo Nam Yết có cây lớn, nhiều bãi trống cho chim đậu và trú đông. Vùng biển Nam Yết sở hữu 185 loài thực vật, 307 loài động vật phù du, 86 loài rong, 2 loài cỏ biển, 225 loài động vật đáy, 414 loài cá san hô, 2 loài rùa biển và 160 loài san hô.
Theo PGS, TS Võ Sĩ Tuấn (Viện phó Viện Hải dương học), nhiệt độ trái đất tăng lên gây hiện tượng “tẩy trắng san hô” làm chết hàng loạt san hô ở các vùng biển như Cà Ná (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) và Phú Quốc (Kiên Giang). Do đó, Việt Nam cần có chiến lược để bảo vệ rạn san hô ở các khu bảo tồn biển đảo.
Nguyễn Nam Anh