Ngôi trường đầu tiên mang tên Võ Nguyên Giáp

Trường THPT Chuyên Quảng Bình sẽ được đổi tên thành Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp.

“Chúc trường phổ thông trung học Chuyên Quảng Bình ra sức phấn đấu, các cô giáo, thầy giáo dạy giỏi, các em học sinh gái, trai học giỏi, trở thành một trường chuyên gương mẫu, đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà và cho đất nước”.

Đó là bút tích ngày đó của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một lần về thăm trường như một cơ duyên để hôm nay, ngôi trường này vinh dự được mang tên vị tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp.

Mong ước của 17 năm về trước

Kính cẩn thắp nén hương lên ban thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt trang trọng ở phòng truyền thống nhà trường, thầy Hiệu trưởng Hoàng Thanh Cảnh xúc động cho biết: Lư hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa mới được nhà trường thay mới, có đất thiêng của Vũng Chùa và hương hỏa của ngôi nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.

“Ngay sau khi nhận được quyết định của UBND tỉnh Quảng Bình, đổi tên từ Trường THPT Chuyên Quảng Bình sang Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp, đại diện lãnh đạo nhà trường và các em học sinh xuất sắc của trường đã lên đường ra Vũng Chùa và ngôi nhà 30 Hoàng Diệu Hà Nội để báo cáo với Đại tướng và xin rước vong linh Đại tướng về thờ. Chuyến đi thật ý nghĩa, khi lư hương được rước về, đặt lên ban thờ, thay cho lư hương cũ đúng vào sinh nhật của Đại tướng” - thầy Cảnh nói.

Ít ai biết, 17 năm về trước, tập thể giáo viên, học sinh của nhà trường đã nung nấu ước nguyện, ngôi trường thân yêu của mình được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hồng Lâm, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Quảng Bình nhớ lại:

Một năm sau ngày thành lập trường, năm 1997 lãnh đạo nhà trường đã mạnh dạn ra Hà Nội gặp Đại tướng đề đạt nguyện vọng được mang tên Võ Nguyên Giáp. Đoàn ra Hà Nội đúng vào ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.

Lúc đó tại nhà riêng của Đại tướng rất đông các đoàn khách, nhưng Đại tướng đã ưu tiên cho đoàn Quảng Bình được gặp trước. Đại tướng đã rất vui khi biết, năm đầu tiên thành lập nhưng trường đã có 25 giải quốc gia.

“Chúng tôi luôn truyền cảm hứng cho các em từ tấm gương của Đại tướng. Trước khi trở thành vị tướng lừng danh, Đại tướng từng là thầy dạy Sử và ông luôn tự hào về điều đó”.

Thầy giáo dạy Sử Lê Thanh Bình

“Khi nghe chúng tôi đề đạt nguyện vọng cho phép trường được mang tên Võ Nguyên Giáp, Đại tướng cười trìu mến rồi nói: “Bác đang sống đây, đừng vội. Mọi chuyện để sau hãy tính”.

Như muốn xua nỗi buồn của chúng tôi, Đại tướng vồn vã nói mọi người ngồi xích lại gần Đại tướng để chụp ảnh kỷ niệm. Ngay lúc đó, chúng tôi ngầm hiểu ý tứ sâu xa của Đại tướng và vui vẻ ra về” - ông Lâm nhớ lại.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Hồng Lâm kể tiếp: Năm 2002, Trường THPT Chuyên Quảng Bình nhận được tin vui từ Hà Nội, Đại tướng sẽ về thăm trường. Đại tướng và phu nhân xuống xe, đi bộ từ cổng trường vào, vỗ vai, xoa đầu các em học sinh, ân cần hỏi han chuyện học hành.

Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng Đại tướng đã nói chuyện với tập thể giáo viên và học sinh của nhà trường gần 2 giờ đồng hồ. Đại tướng nói nhiều về đổi mới giáo dục, nói về cách dạy, cách học làm sao để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

“Đúng là bậc đại nhân, đại trí, đại dũng. Đại tướng nói điều gì cũng cụ thể, sát với thực tế cuộc sống. Ngay cách sắp xếp ngôi thứ, trước sau trong nói chuyện như: Cô giáo, thầy giáo, học sinh gái, học sinh trai... cho thấy Đại tướng rất tinh tế, hàm chứa nhiều ý nghĩa” - ông Lâm nói.

Thầy trò trường Chuyên Quảng Bình đội mưa đứng đợi để được vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại hội trường UBND tỉnh Quảng Bình

Nói về lý tưởng sống cho thế hệ trẻ, Đại tướng dạy, các cháu phải chăm ngoan học giỏi để sau này trở thành người có ích cho xã hội, làm giàu cho quê hương, đất nước và gia đình. Nói về đổi mới giáo dục, Đại tướng yêu cầu, trước hết mỗi giáo viên phải có cái tâm vì nghề, vì các em học sinh để chủ động suy nghĩ, sáng tạo...

“Nói đến đây, Đại tướng nheo nheo mắt, lấy tay chỉ vào đầu tóc bạc trắng của mình. Lúc đó nhìn Đại tướng như một ông tiên nhưng thân gần và dung dị vô cùng” - ông Lâm xúc động nhớ lại.

Kết thúc buổi nói chuyện, Đại tướng cẩn thận lấy bút ghi vào sổ vàng truyền thống của nhà trường: “Chúc trường phổ thông trung học Chuyên Quảng Bình ra sức phấn đấu, các cô giáo, thầy giáo dạy giỏi, các em học sinh gái, trai học giỏi, trở thành một trường chuyên gương mẫu, đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà và cho đất nước”. Chỉ mấy dòng ngắn ngủi của Đại tướng, nhưng từ bấy đến nay đã trở thành kim chỉ nam để nhà trường phấn đấu không mệt mỏi, với tâm nguyện làm sao cho xứng đáng với lời dặn của Đại tướng.

Vinh dự to lớn, trách nhiệm nặng nề

Ngắm nhìn dòng chữ Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp vừa được thay mới ở cổng trường, thầy Hiệu trưởng Hoàng Thanh Cảnh bùi ngùi chia sẻ: Trong tột cùng đau thương khi nghe tin Đại tướng qua đời, thì mong muốn được đổi tên trường như bùng cháy trong tập thể giáo viên và học sinh của trường, nhằm tri ân sự quan tâm của Đại tướng dành cho nhà trường.

Sau 49 ngày Đại tướng qua đời, lãnh đạo nhà trường đã lên đường ra Hà Nội gặp gia đình Đại tướng, nhắc lại nguyện vọng năm xưa của nhà trường. Và thật hạnh phúc khi được cả gia đình Đại tướng đồng ý.

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lần về thăm trường tháng 4/2002

Nhưng để được mang tên Đại tướng cho Trường THPT Chuyên Quảng Bình thật không dễ, khi mà rất nhiều ngôi trường trên địa bàn tỉnh đều mong muốn điều đó. Buộc lòng Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Bình phải tổ chức một buổi hội thảo về việc chọn trường nào được mang tên Đại tướng.

Tại đây, thầy Cảnh đã nói vo một mạch mong ước của nhà trường bằng tất cả tình cảm, tấm lòng của mình. Nhiều người trong buổi hội thảo rơm rớm nước mắt, rồi vỗ tay rào rào ủng hộ việc chọn Trường THPT Chuyên Quảng Bình được vinh dự mang tên Đại tướng.

Ngày 7/8/2014, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 2133/QĐ- UBND về việc đổi tên Trường THPT Chuyên Quảng Bình thành Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp.

Đây là niềm vinh dự lớn lao của các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ nhân viên, học sinh và là niềm tự hào chính đáng được kết tinh từ sức mạnh, ý chí, nghị lực và trí tuệ của 18 năm xây dựng và trưởng thành của nhà trường.

Nhớ lời căn dặn của Đại tướng, giáo viên của trường thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ, còn các em học sinh thì chăm ngoan học giỏi ở tất cả các môn căn bản.

Đặc biệt, trong xu thế môn Sử đang thoái trào thì ở trường Chuyên Quảng Bình luôn được đánh giá là bộ môn mạnh, gần như năm nào cũng đưa về các giải thưởng quốc gia đáng tự hào cho nhà trường.

Từ chỗ trường chỉ có 12 lớp với 420 học sinh và 32 cán bộ giáo viên, đến đầu năm học 2014-2015, trường đã có 30 lớp với 979 học sinh và hơn 100 cán bộ giáo viên, trên một nửa là tiến sỹ và thạc sỹ. Cơ sở vật chất của trường được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hằng năm học sinh của trường có 100% tốt nghiệp, trên 95% vào các trường đại học và nhiều em đoạt các giải quốc gia và quốc tế.

Thầy giáo Lê Thanh Bình, tổ trưởng chuyên Sử của trường tâm sự: “Chúng tôi luôn truyền cảm hứng cho các em từ tấm gương của Đại tướng. Trước khi trở thành vị tướng lừng danh, Đại tướng từng là thầy dạy sử và ông luôn tự hào về điều đó. Có lẽ vì thế mà các em đã say mê, tự chủ trong học tập. Gần như năm nào các em cũng chọn thân thế, sự nghiệp của Đại tướng để làm đề tài khoa học. Nhiều đề tài của các em đã khiến chúng tôi bất ngờ và xúc động rơi nước mắt”.

Em Phạm Thị Thùy, người đoạt giải Nhất Quốc gia môn Lịch sử năm 2013 chia sẻ: “Trong cuộc sống hay đơn giản chỉ trong việc học tập, để tìm được niềm đam mê rất khó. Mình phải luôn cố gắng học hỏi, nghiên cứu, đặc biệt là có người khơi nguồn niềm đam mê ấy.

Giờ đây, với em, những mốc thời gian, sự kiện lịch sử không chỉ là ngày tháng đơn thuần, đó là tiếng vọng của cha ông. Em tự hào về môn Sử mỗi khi nhớ đến câu nói của Đại tướng: “Nếu không có chiến tranh, tôi vẫn là thầy giáo dạy Sử”.

Thầy hiệu trưởng Hoàng Thanh Cảnh tâm sự: “Là ngôi trường đầu tiên của tỉnh vinh dự được mang tên một vị tướng huyền thoại, một nhà giáo mẫu mực, một người con ưu tú của quê hương Quảng Bình, với chúng tôi đây không chỉ là vinh dự lớn lao mà còn là trách nhiệm nặng nề. Chúng tôi nguyện quyết tâm xây dựng nhà trường trở thành “Một trường chuyên gương mẫu, đào tạo nhân tài cho tỉnh nhà và cho đất nước” như mong ước của Đại tướng khi về thăm trường vào tháng 4 năm 2002”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại