"Hiện tượng người đến xin chữ 'có tội' thì ít nhưng năm nào cũng có. Nam nữ thanh niên yêu nhau rồi không ở được với nhau cũng ra xin chữ để hại lẫn nhau...".
Những người đến xin chữ của ông đồ đều mong muốn có một nét chữ viết bằng thư pháp thật đẹp, thật ý nghĩa trong những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên cũng không ít người tìm đến phố ông đồ (Văn Miếu, Hà Nội) để xin những chữ “có tội” với mục đích riêng... Chuyện tưởng chừng chưa bao giờ có nhưng năm nào cũng xảy ra. Ngày nay, phố ông đồ trở thành một nơi trao đổi bán mua, con chữ ngày càng bị thương mại hóa, dần mất đi những nét truyền thống xưa.
Vắng bóng ông đồ xưa
Phố Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) từ lâu là nơi tụ hội của nhiều ông đồ mỗi dịp Tết đến xuân về. Trước và sau Tết, nhiều người tìm đến đây để xin chữ và được chứng kiến tận mắt các ông đồ thể hiện tài năng viết thư pháp trên giấy lụa in hoa văn hình rồng.
Đến hẹn lại lên, đúng ngày 20 tháng chạp âm lịch hằng năm, những ông đồ tập trung tại phố Văn Miếu để cho chữ. Bây giờ không chỉ thấy những ông đồ già “bày mực tàu giấy đỏ bên phố đông người qua” mà còn xuất hiện cả những bà đồ, những bạn trẻ đam mê thư pháp.
Theo truyền thống xưa của người Việt, hình ảnh ông đồ trong trang phục khăn đóng áo dài, quần chúc bầu trắng, chòm râu bạc phất chải chiếu ngồi mài mực trên vỉa hẻ cùng những bộ đôi câu đối bằng chữ Hán như gợi về miền ký ức hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, người Việt thường có tục lệ xin chữ của ông đồ về treo trong nhà hay treo trên ban thờ không chỉ để lấy may mà còn thể hiện tấm lòng thành kính. Cho chữ, tặng chữ để bày bày tỏ tình cảm và như một mối tương duyên giữa người cho và người nhận. Những người viết chữ đẹp được ông cha ta xem trọng là bậc thánh hiền.
Mỗi một chữ được ông đồ viết ra đều mang một ý nghĩa chúc tụng hay giáo dục con người về cách sống, cách đối nhân xử thế ở đời, luôn hướng đến điều tốt lành. Không phải ông đồ nào cũng cho chữ, bởi người cho phải hiểu chữ và hiểu cả người xin. Nếu như nguyện vọng của người xin chữ không hợp với thuần phong mỹ tục, trái ngược với đạo đức lối sống thì ông đồ sẽ không viết chữ. Bởi theo quan niệm xưa giữa ông đồ và người đến xin chữ, nếu không có sự hài hòa về mối nhân duyên nào thì sẽ không có chuyện xin hoặc cho chữ.
Ông Nguyễn Hữu Đưởng 80 tuổi ở Mai Dịch, Hà Nội giãi bày: “Trước đây, cho chữ là một việc rất thiêng liêng bắt nguồn từ cái duyên của người cho và người nhận chữ. Người xin chữ phải có tấm lòng thành kính. Nhưng ngày nay việc cho và nhận như một kiểu giao dịch hàng hóa. Cho chữ đã bị thương mại hóa làm mất đi sự linh thiêng, nét đẹp vốn có xưa kia.
Với người viết chữ thì tiền bạc tùy vào tâm của mỗi người. Không nhất thiết phải theo giá chung. Một nét chữ viết ra hợp với tâm nguyện của người nhận thì giữa người cho và người bán đều cảm thấy khoan khoái chứ không bắt buộc phải có bao nhiều tiền. Nhưng ngày nay những ông đồ xưa dần vắng bóng, việc viết chữ cũng như một món hàng hóa trao đổi giữa kẻ mua người bán”.
Xin chữ “có tội”
Để đảm bảo an ninh trật tự và mỹ quan quanh khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám, năm nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức di chuyển phố ông đồ vào khu vực Hồ Văn bên trong Văn Miếu. Tuy nhiên, phía bên ngoài Văn miếu nhiều ông đồ, bà đồ vẫn ung dung bày ngồi viết chữ công khai…
Giá của từng bức thư pháp cũng biến động tùy theo chất lượng mỗi khổ giấy. Trung bình, một bức thư pháp khổ rộng 30 cm, dài 60cm có giá từ 100 – 150 nghìn đồng. Một bộ đôi câu đối trên giấy lụa đỏ có giá từ 500 – 800 nghìn đồng. Viết trên biểu trục nhỏ 200 đồng/ biểu, viết trên mành nhỏ là 200 đồng/ cái, viết trên giấy in hoa văn hình rồng có giá 130 đồng/ tờ.
Những người đến với ông đồ cũng đủ mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp, ngành nghề. Những học sinh, sinh viên thường xin những Minh, Chí, Chuyên, Nhẫn, Cần, Đăng Khoa, Thành Đạt… Những đôi nam thanh nữ tú thường chọn chữ Duyên, Tài, Lộc, Phước hay một số người khác lại thích chữ Thọ. Mỗi một chữ viết ra đều ứng với mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi công việc, mang một nỗi niềm tâm tư thầm kín, một trạng thái tinh thần với ý niệm tự răn mình. Bên cạnh những nét chữ tài hoa đầy ý nghĩa tốt đẹp thì đâu đó vẫn còn có những người đến xin ông đồ những dòng chữ “có tội” với những ý đồ không mấy tốt đẹp.
Rất nhiều ông đồ ngồi cả ngày ngóng khách.
Ông Đỗ Văn Tụ ở đường Ngô Thị Nhậm, Hà Đông nhiều năm nay vẫn đến phố Văn Miếu chia sẻ: “Phần đông những người xin chữ hiện nay coi việc chơi thư pháp cho vui, nay thích thì chơi, mai không thích thì bỏ. Thậm chí có những người xin chữ với nhiều mục đích xấu khác nhau khiến cho những lớp ông đồ trẻ ngày càng bị tha hóa vào vòng xoáy của đồng tiền chứ không hẳn là cho chữ ngày đầu năm”.
74 tuổi đời nhưng ông Tụ có hơn 30 năm gắn bó với nghề thư pháp, từng tu tại Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử ông tụ chia sẻ những lý lẽ của nghề. Bản thân ông từng chứng kiến không ít người đến xin chữ với những mục đích trái với luân thường đạo lý và là điều cấm kỵ của người viết thư pháp.
Ông cho biết, năm nào cũng có người đến xin ông viết những chữ ác ý, độc đoán nhưng cá nhân ông không bao giờ viết những chữ “có tội” với nghề vì nếu mình viết ra là làm những điều trái với đạo lý, tâm không được thanh thản.
Ông kể, “có cô gái đến xin tôi viết chữ “nhẫn tâm” trên cùng một khổ giấy lụa. Tôi giảng giải, từ trước đến ngay không bao giờ viết nhẫn tâm liền nhau vì mang một hàm ý không tốt và tôi không đồng ý. Nhưng cô gái đó cứ van nài tôi viết, trả tiền cao hơn để tôi viết. Tôi không bằng lòng và hỏi lý do vì sao cô gái liền sang chỗ thầy đồ bên cạnh, ông thầy đồ đó chiếu theo nguyện vọng của cô gái đó mà viết. Thấy cảnh tượng đó, tôi day dứt lắm liền cầm bút viết thêm dòng chữ nhỏ bên dưới “Nhẫn nhất tự thiên kim” ý muốn nói cô gái làm việc gì cũng phải suy xét trước sau, đừng vì một phút thiếu kiếm chế mà làm những việc ác những việc có tội với lương tâm.
Hay có những cô gái yêu cầu viết những từ “hờn gian giận thế, “Không đội trời chung”, “Chết không nhắm mắt”. Đó là những từ cấm kỵ trong thư pháp và không bao giờ được viết nhưng nhiều thầy đồ “rởm” vì đồng tiền chênh lệch vẫn bất chấp.
Khi hỏi về trường hợp đến xin chữ “có tội”, nhiều ông đồ khẳng định năm nào cũng có nhưng hầu hết các ông đồ sẽ chọn giải pháp từ chối viết và không bao giờ viết. Ông đồ Nguyễn Văn Đô một thầy đồ nhiều năm nào có mặt ở Văn Miếu trước và sau Tết cho biết.
“Hiện tượng người đến xin chữ “có tội” thì ít nhưng năm nào cũng có. Nam nữ thanh niên yêu nhau rồi không ở được với nhau cũng ra xin chữ để hại lẫn nhau, có những người thù hằn nhau hay đơn thuần chỉ là ghen ghét nhau họ cũng xin chữ “có tội” với mục đích riêng. Thông thường những trường hợp này, mình phải cương quyết và không bao giờ tôi đồng ý viết”.
“Giữa người đến xin chữ và người cho chữ thì cả hai phải ngồi đối diện nhau nói tâm tư tình cảm. Đối với tôi một chữ viết ra quý hơn cả đồng tiền, vì thế phải làm sao viết cho sạch, viết cho thơm. Có những người đến xin chữ, tôi hoàn toàn tặng miễn phí vì tấm lòng và cốt cách, sự kính cẩn đối với con chữ. Làm được như vậy tâm mới thanh thản, cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn”, ông Đô chia sẻ về ý nghĩa của viêc cho và nhận chữ.
Ông đồ Đỗ Văn Tụ nói năm nào cũng có người đến xin chữ trái với luân thường đạo lý.
Ngày nay phố ông đồ đã đổi khác xưa rất nhiều. Những ông đồ già râu tóc bạc phơ ngày càng vắng bóng thay vào đó là những ông đồ trẻ với trang phục quần jean, áo thun hay những bộ vest sang trọng. Không còn cảnh cho và nhận chữ như xưa mà thay vào đó là cảnh mua và bán như những buổi chợ thường niên.
Ông đồ Trần Xuân Giao: “Việc cho chữ “có tội” là gieo cái ác, đồng lõa với cái xấu, cái ác, trái với đạo phật. Bản thân ông đồ đó sẽ là người mang tội, có tội với lương tâm. Thầy đồ nào vì khách trả tiền thêm tiền mà viết những chữ “có tội” là đi trái lại đạo đức. Những ông thầy có tâm thì phong cách khác, nét mặt, tư thế, cách nói chuyện đều rất đàng hoàng”.
TS Nguyễn Thị Ánh Hồng, Phó trưởng khoa Văn hóa – Phát triển, Học viện Báo chí và tuyên truyền chia sẻ: “Các ông đồ là đại diện cho tinh hoa văn hóa của dân tộc. Việc cho chữ “có tội” là rất đáng phê phán. Tuy nhiên những ông đồ ý thức được vai trò của mình sẽ không dễ dàng bán chữ lấy tiền. Sự xuất hiện nhiều ông đồ trẻ ngày nay là một điều đáng mừng cho thư pháp Việt Nam. Nhưng cũng buồn vì các bạn còn trẻ quá nên không hiểu được chiều sâu về giá trị nhận thức của việc cho chữ dẫn đến tình trạng tự phát”.