Trong khoảng hơn 50km ven biển từ Đông sang Tây, Bà Rịa - Vũng Tàu có đến 10 ngôi đền thờ cá Ông. Đặc biệt, ở làng chài Phước Hải (huyện Đất Đỏ), ngư dân còn dành hẳn một khu đất rộng hàng ngàn mét vuông để chôn cất cá Ông với những nghi lễ trang trọng.
Trông coi nghĩa địa này là bà Phạm Thị Ngọt, 70 tuổi. Bà Ngọt cho biết: “Tôi trông coi nghĩa địa này đã 9 năm rồi. Ngày nào cũng vậy, tôi thắp nhang hai cữ sáng - chiều cho Ông, cầu Ông phù hộ độ trì cho người dân Phước Hải đi biển đánh bắt được nhiều tôm, lắm cá; ở bờ thì bình yên, hạnh phúc”. Không chỉ có bà Ngọt, tại nghĩa địa cá Ông ở Phước Hải, hàng ngày còn có rất nhiều ngư dân đến thắp nhang, cầu mong cho chuyến đi thuận buồm xuôi gió. Hàng năm, vào hai ngày 16 và 17 tháng 2 âm lịch, ngư dân Phước Hải tổ chức lễ Nghinh Ông.
Trong ngày lễ Nghinh Ông, các phố ven biển đầy cờ hoa rực rỡ, thuyền ghe tề tựu trước bến, bật đèn sáng trưng cả một góc trời. “Ngày cúng Ông cũng phải «xin keo» theo sự lựa chọn của dân làng và được Ông «chấp thuận». Buổi tối thì thuê gánh hát về hát cải lương, hát bã trạo cho Ông nghe. Ngư dân Phước Hải từ lâu đã xem đây cũng là ngày mở cửa biển ra khơi, mở đầu cho một mùa đánh cá” - bà Ngọt nói.Nghĩa địa cá Ông do ngư dân làng chài Phước Hải xây dựng từ năm 1999, nằm trên một trảng cát sát biển, rộng chừng 6.500m2 ở khu phố Lộc Lan, cách đền thờ cá Ông của làng khoảng 2km. Mặc dù tục táng cá Ông diễn ra ở nhiều làng chài Việt Nam, nhưng đây có thể xem là nghĩa địa cá Ông "độc nhất vô nhị".
Theo những ngư dân Phước Hải, ở những vùng biển khác, ngư dân chỉ chôn cá Ông rải rác chung quanh đền thờ. Riêng làng chài Phước Hải lại chôn cất cá Ông rất cẩn thận và tập trung vào một chỗ. Nghĩa địa cá Ông nằm sát bờ biển Lộc An (thị trấn Phước Hải) hiện đang có gần 100 ngôi mộ, đầu các ngôi mộ đều có bát nhang và bia đúc xi măng ghi «Nam Hải chi mộ» cùng ngày tháng Ông lụy (chết). Trong khuôn viên nghĩa địa, ngư dân còn xây lăng, nhà khách và đặt nhiều ghế đá dưới các gốc dương để chiều chiều người dân ra ngồi hóng mát.
Ông Nguyễn Hữu Lâu, Trưởng ban tế tự Dinh Ông Nam Hải cho biết thêm, sở dĩ ngư dân làng chài Phước Hải phải xây dựng nghĩa địa như vậy vì hàng năm, khi phát hiện Ông lụy, dù đang đánh bắt ở đâu, tài công cũng phải tìm cách đưa Ông vào bờ để làm đám tang. Người phát hiện Ông lụy đầu tiên được xem là trưởng nam, thay mặt dân làng thắt khăn trắng chịu tang, hàng năm cúng giỗ. Sau 3 năm làm lễ thượng ngọc cốt thỉnh vào Dinh thờ rồi mới xả tang. Không tính khoảng gần 100 ngôi mộ ở nghĩa địa cá Ông chưa cải táng, hiện trong Dinh Ông Nam Hải của làng chài Phước Hải còn lưu giữ 388 bộ hài cốt cá Ông, mỗi bộ đều ghi tên chiếc ghe đã có công đưa Ông vào bờ và ngày Ông lụy.
Trong số này có bộ cốt cá Ông dài hơn 2m, được lồng trong một tủ kính riêng. Người dân ở đây cho biết cách đây hơn 10 năm, ngư dân Phước Hải phát hiện Ông mắc cạn sát bờ. Cả làng tìm cách đưa ông ra khơi, nhưng sau đó sóng đánh dạt Ông trở lại. Các bô lão bèn quyết định đưa Ông vào đặt trong Dinh, chờ hai ngày sau Ông trút hơi thở cuối cùng mới tổ chức đám tang.
Ông Lê Văn Hời, Trưởng ban nghi lễ Dinh Ông Nam Hải cho rằng, việc thờ cá Ông được quan niệm như một cách đền ơn đáp nghĩa. Ông là thần hộ mệnh cho ngư dân giữa biển khơi, đầy sóng gió, hiểm nguy. Sự phù hộ của Ông còn giúp ngư dân được mùa đánh bắt, tôm cá đầy khoang, ra khơi vào lộng an toàn.