Nghẹn ngào hành trình dạy chữ cho “chim cánh cụt”

Tùng Anh |

“Mỗi lần tô chữ, chân em co quắp lại, mồ hôi túa ra rất đáng thương. Nhiều lúc đang tô em bị chuột rút, chân tê cứng, em quẳng bút, ngồi khóc. Em nói em không làm được đâu. Những lúc như thế, tôi lại phải vừa ngồi bóp chân cho em, vừa động viên, dỗ dành” – cô giáo Hoàng Thị Sành nghẹn ngào kể lại.

“Chim cánh cụt” dũng cảm

Gần 30 năm đứng trên bục giảng dạy học, chưa bao giờ cô Hoàng Thị Sành – giáo viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) lại gặp một “ca khó” như trường hợp của em Hà Văn Tài - “chú chim cánh cụt dũng cảm”.

“Tài là một cậu bé đặc biệt bất hạnh. Tôi nói là đặc biệt bất hạnh bởi vì chỉ cần nhìn thấy em đi, đứng, ăn uống và sinh hoạt, bất cứ ai cũng không thể cầm nổi nước mắt chứ chưa cần biết tới hoàn cảnh của em” – cô Sành nghẹn ngào.

"Nhìn những nét chữ ngay ngắn, đẹp đẽ của Tài hôm nay, chắc không ai nghĩ rằng được viết ra từ bàn chân duy nhất lành lặn. Giờ Tài đã lên lớp 3, tôi không còn dạy em nữa, nhưng mỗi lần được điểm tốt hay được khen em đều khoe với tôi. Đó là niềm vui lớn nhất trong suốt gần 30 năm đứng trên bục giảng của mình”.

Cô Hoàng Thị Sành

Cả xã Cam An ai cũng biết đến hoàn cảnh đáng thương của em Tài. Từ khi lọt lòng mẹ, em đã không có đôi bàn tay.

Hai chân em chiếc ngắn, chiếc dài. Chân phải của em bị thiếu ngón, teo tóp, phải đứng bằng mũi chân mới bằng chân trái. Bố Tài bỏ mẹ em khi em còn chưa ra đời.

Sau khi sinh xong đứa con tật nguyền, người mẹ cũng dứt áo ra đi tìm hạnh phúc khác, bỏ lại em cũng với bà ngoại đã già và nghèo khổ.

Thương đứa cháu tật nguyền, côi cút, bà Bướm (bà ngoại Tài) đã dồn sức chăm lo cho em, nâng đỡ cho em từng bước đi đầu tiên trên đôi chân không lành lặn.

Cô Sành cho biết, khi cô đến nhà vận động bà Bướm cho Tài đi học, bà nhìn cô ái ngại từ chối. Bà ngoại cho cô biết, bà đã dăm lần bảy lượt đến các trường xin học cho Tài nhưng nhìn thấy Tài, các thầy cô đều khuyên bà nên cho em đi học ở trường dành cho trẻ khuyết tật.

Rồi bà cũng lóc cóc đưa cháu nhập học ở Trường Khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu trên thành phố. Được một thời gian thì thầy cô giáo ở đây lại khuyên bà cho Tài về học với học sinh bình thường vì em rất thông minh và nhanh nhẹn.

“Bà Tài nói, không có giáo viên nào dám nhận dạy chữ cho em. Bà đã nghĩ đến việc cả đời Tài sẽ phải quanh quẩn với góc nhà, xó bếp. Nghe bà nói đến đó, tôi thấy thương Tài vô cùng.

Trong đầu chỉ còn một suy nghĩ phải làm cách nào để dạy chữ cho em bằng được. Để sau này, kể cả không làm được gì, em cũng biết đọc sách, đọc truyện, biết tính toán cộng, trừ, để cuộc sống của em có ích và bớt buồn tẻ” – cô Sành nói.

Vậy là hành trình “cầm chân dạy chữ” của cô giáo Sành cho “chú chim cánh cụt” dũng cảm bắt đầu từ đó.

“Cầm chân dạy chữ”

Trước khi Tài chính thức đến trường, cô Sành phải dành nhiều thời gian đến nhà tiếp xúc, trò chuyện và động viên để em tự tin hơn khi hòa nhập với môi trường mới.

Đến lớp, cô cũng phải “làm công tác tư tưởng” trước với các học trò của lớp 1B để các em không có tâm lý kỳ thị, xa lánh mà ngược lại phải thân thiện, yêu thương, giúp đỡ bạn Tài.

Một bộ bàn ghế đặc biệt được trường thiết kế và đặt ở vị trí thuận lợi nhất, giúp cho Tài có thể quan sát bục giảng, di chuyển lên xuống và ngồi viết chữ thuận lợi nhất.

Vì chỉ có duy nhất bàn chân trái có thể sử dụng được nên cô Sành bắt đầu công việc đầu tiên là cho em cầm vững bút.

Phải mất 2 tháng, Tài mới điều khiển được bút bằng chân theo ý của mình. Tiếp đến em bắt đầu học tô những nét cơ bản, nét nào dễ tô trước, nét nào khó tô sau...

Mới đây, cô Hoàng Thị Sành đã nhận được bằng khen của Bộ GDĐT và được vinh danh tại Lễ tuyên dương giáo viên dạy trẻ khuyết tật toàn quốc năm 2015 về những cố gắng, nỗ lực trong công tác giảng dạy, giúp đỡ trẻ khuyết tật suốt nhiều năm qua.

“Mỗi lần tô chữ, chân em co quắp lại, mồ hôi túa ra rất đáng thương. Nhiều lúc đang tô em bị chuột rút, chân tê cứng, em quẳng bút và ngồi khóc. Em nói em không làm được đâu. Những lúc như thế, tôi lại phải vừa ngồi bóp chân cho em, vừa nói chuyện động viên và dỗ dành em.

Tôi kể cho em nghe chuyện của thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, rằng thầy cũng có hoàn cảnh như em nhưng sau này thầy viết được chữ rất đẹp, học rất giỏi và trở thành thầy giáo dạy cho bao nhiêu học sinh. Nghe nói thế em phấn chấn lắm...” – cô Sành chia sẻ.

Để tạo động lực cho Tài, cô Sành sưu tầm tranh ảnh thầy Ký ngồi viết chữ tặng em để em dán vào nơi học. Những giờ ra chơi, những tiết thể dục, ngoại khóa cô Sành lại ở lại lớp cùng Tài luyện tập thêm từng nét, từng chữ, thật kiên trì và bền bỉ.

Cứ thứ 7, Chủ nhật, cô Sành lại qua đón Tài về nhà mình để học thêm: “Tôi đặt ra mục tiêu, năm đầu học ngoài chương trình thôi. Hết năm đầu, Tài sẽ viết được những chữ cơ bản, đến năm thứ 2, Tài sẽ đọc và viết được thành thạo.

Nhìn thấy sự cố gắng của hai cô trò, cả chồng và các con tôi đều hết sức ủng hộ, tạo điều kiện cho tôi đưa em về nhà dạy dỗ”.

Không chỉ dạy chữ, hàng ngày ở trường, cô Sành chăm sóc em như người mẹ thứ 2.

Cô Sành dành nhiều thời gian dạy thêm cho em về các kỹ năng tự chăm sóc bản thân như tự lấy cơm ăn, nước uống và chơi các trò chơi đơn giản, rèn luyện sự nhanh nhạy của đôi chân khi không thể chơi cùng bạn bè ngoài sân trường.

Ở trường, ngay cả hoạt động bình thường nhất như thay đồng phục, đi vệ sinh cũng đến tay cô Sành: “Quen với việc được cô đưa đi vệ sinh rồi nên khi Tài lên lớp 2, lớp 3, lúc nào cần các cô giáo khác cũng gọi cô Sành xuống giúp em Tài vì em quen cô Sành đưa đi rồi, các cô khác em xấu hổ” – cô Sành cười.

Sau 2 năm kiên trì, “chú chim cánh cụt” của cô giáo Sành đã đọc thông viết thạo và biết tính toán: “Nhìn những nét chữ ngay ngắn, đẹp đẽ của Tài hôm nay, chắc chắn không ai nghĩ rằng lại được viết ra từ bàn chân duy nhất lành lặn.

Giờ Tài đã lên lớp 3, tôi không còn dạy em nữa, nhưng mỗi lần được điểm tốt hay được khen em đều khoe với tôi. Đó là niềm vui lớn nhất trong suốt gần 30 năm đứng trên bục giảng của mình” – cô Sành xúc động. /.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại