Tàu điện đã trở thành một phần không thể tách rời trong ký ức người Hà Nội xưa.
Một phần tuổi thơ…
“Các tuyến tàu điện ở Hà Nội đã tồn tại ngót nghét một thế kỷ. Sự hiện diện của loại hình phương tiện này được bắt đầu vào ngày 13/9/1900, khi Nhà máy xe điện của Pháp tiến hành chạy thử tuyến đường Bờ Hồ - Thuỵ Khuê nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa. Trong những thập niên sau đó, các tuyến tàu điện liên tục được mở rộng. Từ ga Trung tâm ở bờ hồ Hoàn Kiếm, các tuyến đường toả ra 6 ngả: Yên Phụ, chợ Bưởi, Cầu Giấy, Hà Đông, chợ Mơ và Vọng, cũng là 6 cửa ngõ nối nông thôn với nội thành.” Báo điện tử Đất Việt viết.
Trong không khí rộn ràng chào mừng 60 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10, người Hà Nội xưa lại có dịp ôn lại những kỷ niệm cũ với thành phố ngàn năm tuổi. Trên các diễn đàn, các mạng xã hội, họ tụ tập “tám” với nhau về phương tiện “vang bóng một thời”.
Báo điện tử Đất Việt dẫn lời một thành viên trên diễn đàn daumaytoaxe.com: “Mình gắn bó với cái tàu điện từ ngày còn bé tý, nhớ hồi học lớp 2 đã có lần tự đi tàu điện từ Bờ Hồ về chợ Bưởi. Đến khi học cấp 3 ở trường Chu Văn An, mình đã là khách quen thuộc của tuyến Bưởi - Bờ Hồ. Chuyện nhảy tàu ngày bé giờ nghĩ lại thấy sao mà hồi đó mình liều thế (…) Trước cổng trường cấp 3 Chu Văn An không hề có bến đỗ, tàu chạy qua khu vực đó sẽ chạy chậm lại vì hành trình đang là men theo rìa đường tàu di chuyển ra giữa đường, học sinh lúc đó nhảy rào rào xuống như ong vỡ tổ, chả năm nào là không có tai nạn, chả tháng nào là không có học sinh xây xước chân tay, bản thân mình cũng không ít lần rách quần, xước đầu gối vì nhảy tàu điện. Thời học sinh thì hầu như chả bao giờ mình mua vé, toàn đi nhờ hoặc trốn vé…”. Cũng theo lời thành viên trên diễn đàn này, học sinh Hà Nội thời đó phải cam kết “không hút thuốc lá, không nhảy tàu điện…” trong các bản kiểm điểm cá nhân.
Với trẻ em Hà Nội thời đó, được đi tàu điện là một sự thích thú không thể diễn tả thành lời. Tiếng tàu điện leng keng bấy giờ mở ra cả một “thế giới” chuyển động đầy niềm vui, khác hẳn cái “thế giới” đứng yên vốn không nhiều đồ chơi phong phú như bây giờ.
Nam ca sĩ Bằng Kiều từng trải lòng mình trước khi hát ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”, trong đó có những ký ức tuổi thơ anh gắn với tàu điện: “Ngày đó Hà Nội vẫn còn tàu điện leng keng. Nghỉ hè là ngày nào tôi cũng đi bộ từ nhà ra Cửa Nam để đi tàu điện lên Bờ Hồ, rồi lại đi ngược về chỉ vì thích đi tàu điện…”.
Vẫn trên diễn đàn daumaytoaxe.com, một thành viên thật thà chia sẻ: “Nhảy xuống đường trong khi tàu điện đang chạy là cả một nghệ thuật”. Thành viên khác thì rưng rưng nhớ lại tuổi thơ mình với kỷ niệm gắn liền với ga tàu điện Bờ Hồ: “Cái ga xe điện này đối với tuổi thơ của mình gắn nhiều kỉ niệm lắm. Đầu tiên là xuống ga để đi ăn kem 'bốn mùa' trứ danh của Hà Nội. Những thú vui không kể xiết là xuống ga xe điện rất gần với rạp chiếu phim Nhi Đồng... Đi bộ một tí là đến Cầu Thê Húc để vào Đền Ngọc Sơn... Đi bộ một chút nữa là đến Cung văn hóa thiếu nhi... cửa hàng Bách Hóa Tràng Tiền ... Tha hồ vui chơi trong ngày Chủ nhật”.
“Nếp sống của người Hà Nội suốt một thời gian dài”…
Tàu điện trên đường Đinh Tiên Hoàng, đoạn gần tháp Hòa Phong bên bờ hồ Hoàn Kiếm. (Nguồn: Zing/Đất Việt)
Báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Nguyễn Tiến Hùng (62 tuổi), làm nghề lái tàu điện đến khi tàu điện không còn nữa: “Ngày đó, tàu điện là niềm tự hào của Hà Nội, là sự kiêu hãnh của thành phố. Mỗi khi nghe tiếng chuông leng keng ngân lên, rồi vang xa, cảm giác phấn chấn lắm”. Cũng theo đó, ở vào thời hoàng kim của tàu điện , đúng 4 giờ 30 phút sáng, những tiếng chuông tàu điện từ ga Thụy Khuê khua vang khắp phố phường Hà Nội rồi tỏa đi các cung đường khác nhau. Đó cũng là tiếng chuông báo hiệu một ngày mới bắt đầu.
“Nhà thơ Vũ Quần Phương, người gắn bó với những chuyến tàu điện Hà Nội từ ngày đi học, chia sẻ: “Những năm ấy, người Hà Nội chỉ có hai phương tiện đi lại chính là xe đạp và tàu điện. Những công chức, gia đình có điều kiện thường đi xe đạp. Tàu điện vì thế tượng trưng cho những gì hai sương một nắng, thức khuya dậy sớm, lại lành (ít ô nhiễm môi trường), rẻ tiền, bình dân.
Tàu điện gắn với hình ảnh những người “áo ngắn” (những người nghèo), những tiểu thương, những người buôn thúng bán mẹt của thành phố. Tàu điện kết nối vùng nông thôn ngoại thành với phố xá. Sinh hoạt tàu điện đã trở thành nếp sống của người Hà Nội suốt một thời gian dài”. Thông tin trên Tuổi trẻ.