Ngày xưa ở đầm Thị Tường

Quốc Việt |

Lão ngư dân trên đầm Thị Tường bảo: “Muốn coi tôm cá Thị Tường phải vào sáng sớm hay buổi chiều, mà miệt đầm lớn này gió lộng lạnh dữ lắm à nghen”.

Anh Ba Hùng và con cá vồ chó nặng hơn nửa ký. Loài cá này là đặc sản ở đầm Thị Tường - Ảnh: Quốc Việt
Anh Ba Hùng và con cá vồ chó nặng hơn nửa ký. Loài cá này là đặc sản ở đầm Thị Tường - Ảnh: Quốc Việt

Nói rồi ông chia nửa ly rượu và gắp mời chúng tôi khúc cá vồ chó nấu nghệ ớt. Ông cười rổn rảng khoe đặc sản miệt quê: “Bận rày cá vồ chó lớn hiếm dữ rồi. Muốn ăn món cá ngon này chỉ có dừng bước Thị Tường miệt tui”.

Con cá vồ chó

Nhiều lần ngược xuôi miệt cuối đất phương Nam, nhưng đây là lần đầu tôi có duyên ở lại Thị Tường, đầm cá nước lợ lớn nhất xứ Cà Mau.

Lão ngư Huỳnh Bảy (69 tuổi, người đã ba đời mưu sinh nhờ tôm cá Thị Tường) kể: “Sách vở gì đó đặt tên đầm là Thị Tường, nhưng dân dã nhiều đời tụi tui quen gọi Bà Tường rồi.

Bận tía má tụi tui đã tin đầm này thiêng lắm. Chỉ dân có tâm, có bụng với nó mới mần ăn bền lâu được”.

Huyền tích dân gian do chính những người như ông Bảy kể lại thì Bà Tường là tên người phụ nữ đầu tiên đến xứ này. Bà có công đánh đuổi hổ rừng, quái điểu để bảo vệ người dân và tôm cá ở đầm, nên đời sau nhớ ơn lấy tên bà đặt cho đầm.

Bận xưa đầm Thị Tường còn sâu rộng hơn giờ. Do sự bồi tụ theo thời gian, đầm hiện còn khoảng 700ha mặt nước, nơi dài nhất khoảng 10km và rộng ngót nghét 2km tùy chỗ.

“Bận tui còn nhỏ, theo tía má vô đầm này còn thấy cá nước ngọt vào mùa mưa xuống. Những con cá lóc, cá trê bự 5-7kg, lờ đờ dưới đáy sình như khúc củi chìm.

Sau này chủ yếu là cá nước lợ, những con cá vược, cá ngát, vồ chó, dứa... từ biển qua cửa sông Mỹ Bình về quần tụ ở đầm” - anh Phan Tấn Hùng nhắc chuyện xưa.

Năm nay đã sang tuổi 49, anh Ba Hùng vẫn nhớ hồi mình còn nhỏ, tức những năm vừa kết thúc giặc giã, bộ đội về đóng quân ở đây hay kháo nhau: “Ai gan, dám lội qua bên kia đầm, bảo đảm cặp chân chỉ còn bộ xương”.

Chuyện chẳng phải huyền bí mà ví von từ cá đầm nhiều đến mức nếu không bị chúng rỉa thịt thì cũng bị ngạnh của nó quậy đâm nát chân.

Phần lớn bãi đầm chỉ sâu ngót nghét một mét nước, người ta có thể lội bộ được, trừ vài đoạn luồng lạch ở giữa đầm sâu ngập quá đầu.

Nhiều năm mần cá và làm khu du lịch sinh thái ở ngay trên mặt đầm, anh Ba Hùng kể mới hồi thập niên 1980, bình thường người ta cũng kiếm được cả xuồng cá chỉ sau vài mẻ lưới.

Có hôm trúng, một xuồng chở bị khẳm, ngư dân phải í ới nhắn người nhà trong bờ đem thêm xuồng ra chở tiếp.

Dân xứ khác có thể không hình dung được, nhưng người bản xứ tin rằng con cá Thị Tường nức tiếng thơm ngon là nhờ phù sa từ các sông Mỹ Bình, Ông Đốc.

Nhiều loài cá sinh sống như cá ngát, cá chẽm, vược, vồ chó, tôm, cua, lươn, lịch.

Con nào cũng béo, cũng bự mà dân mần cá nhiều đời từng truyền kể rằng có người đã bị những con cá khổng lồ lôi cả lưới lẫn xuồng chạy từ đầu đầm đến cuối đầm...

Nhắc nhớ món ngon ở Thị Tường, anh Ba Hùng chép miệng: “Bận tui trạc 20 - 30 tuổi, cá ngát dân xứ này chê không thèm, còn cá dứa, cá vồ chó phải từ cỡ bắp chân trở lên mới đụng đũa.

Một khứa cá dứa kho tộ đã vừa khít đáy nồi gang bự đủ nấu cơm cho cả chục miệng ăn.

Mùa mưa cá bơi lềnh đầm. Sang tháng nắng nước ròng cạn, cá bự quần xuống mấy đoạn lạch sâu. Dân thạo đầm chỉ loanh quanh chụp lưới ở chỗ nào cũng trúng cá lớn đến rách lưới”.

Đó là những con cá dứa, cá vồ chó khủng có thể kéo rách cả lưới.

Loài cá mà suốt nhiều năm qua dân mưu sinh trên Thị Tường thường bắt được nhiều nhất chính là cá vồ chó. Cái tên mà cả ông Huỳnh Bảy lẫn Ba Hùng đều không hiểu tại sao dân gian lại gọi vậy.

Có lẽ nó giống một chút cá vồ mà dân miền Tây hay nuôi ao (còn gọi cá tra) nhờ lớp da trơn và cái đầu bự chảng, miệng rộng hoác dù không dày mỡ bằng. Nhưng chẳng ai biết lấy cơ sở gì mà lại ghép thêm tên loài chó bốn chân cho nó.

Theo ngư dân địa phương, trong lúc các loài quý như cá dứa, cá vược đang ngày càng hiếm dần thì vồ chó vẫn còn bắt được thường xuyên ở Thị Tường.

Tuy nhiên, ngày trước người ta bắt được cá vồ chó bự 5 - 10kg là bình thường, giờ phổ biến chỉ ngót nghét cỡ nửa ký. Dù nó có sức sinh sôi và “tinh khôn như chó” cỡ nào cũng không kịp lớn với sự đánh bắt quá tay của con người...

Con cá dứa nặng hơn 15kg sa lưới trong mùa nắng cạn vừa rồi ở đầm - Ảnh: Phan Tấn Hùng
Con cá dứa nặng hơn 15kg sa lưới trong mùa nắng cạn vừa rồi ở đầm - Ảnh: Phan Tấn Hùng

Để không là chuyện ngày xưa

Chiều xế bóng, Ba Hùng biểu người làm công lấy tắc ráng chở chúng tôi đi xem mần cá ở Thị Tường. Anh thanh niên tên Hai, mới ngoài tuổi 20, “thổ địa” đầm trũng này.

Lái tắc ráng ngoằn ngoèo tránh bãi cạn, Hai chặc lưỡi: “Bận này nhiều dân có điều kiện gom cá ác lắm. Họ quây dây lưới dài cả 1.000m, cá lớn cá nhỏ gì cũng bị hốt trụi lủi.

Dân nuôi sò huyết mấy bận suýt chém nhau với người dân mần cá xứ khác kéo đến”.

Tâm sự bị ngắt quãng giữa chừng vì bất chợt xuất hiện mấy chiếc tắc ráng gầm rú hết tốc độ vọt qua chúng tôi làm nước tung tóe ướt hết cả người.

“Chắc là đám trộm sò. 1kg sò huyết gần 100.000 đồng. Chúng xúc cái ào 10-20kg rồi bỏ chạy.

Bình thường chúng cứ giả vờ lững lờ ở hồ như dân câu cá, khó ai làm gì được” - Hai thở dài, chốc chốc lại ghìm máy chiếc tắc ráng để chúng tôi bắt chuyện với ngư dân mưu sinh trên hồ.

Một số người đến đây thuê bãi cất nhà cao cẳng ở hẳn. Họ đánh bắt và nuôi thêm sò, cuộc sống cũng không quá khó.

Bên cạnh những người có điều kiện mở bãi nuôi, nhiều dân địa phương quanh đầm vẫn mưu sinh bằng nghề cá tự nhiên như nhiều đời truyền lại. Những bãi chà dụ cá. Những viền câu giăng, lưới bén, đặt lọp, đặt trúm, đặt nò...

Thậm chí có người vẫn ngày ngày mò cá ngát, tôm, cua bằng tay ở các bãi cạn và gốc cây, hang hốc quanh bờ. Một cách bắt cá của người nghèo không cần dụng cụ, nhưng không phải ai cũng làm nổi...

Buổi tối ở Thị Tường, anh Ba Hùng kể mùa nắng vừa rồi nhiều bãi đầm chỉ còn một gang tay nước. Cả tháng săn cá lớn không có, tự dưng thấy mấy con cá dứa gần 20kg loi ngoi bãi lầy.

Tận tay chụp được nó rồi mà nhiều người vẫn không tin, vì lâu quá hiếm ai bắt được cá quý lớn cỡ đó.

Trong ký ức Ba Hùng, mới khoảng tầm 20 năm trước, có ngày anh vẫn bắt được gần chục con cá dứa, bỏ đầy mấy thúng. Bây giờ bắt được vài con loi ngoi trên bãi cạn, dân cả đầm đổ xô đến xem như chuyện thiệt lạ.

Suốt buổi tối len lỏi bãi đầm, tôi đã nghe nhiều nỗi niềm của người dân miệt này. Từ đời tổ tiên, tía má, đến đời họ và con cháu vẫn sống bằng nghề cá nên chứng kiến rõ ràng sự sa sút từng ngày của các mỏ đặc sản sông nước miền Tây.

Có người nói đó là lẽ tự nhiên khó tránh khi con người ngày càng đông, nơi sinh sống của cá phải thu hẹp theo thời gian.

Nhưng nhiều người vẫn tin rằng xứ cá nổi tiếng cả nước này vẫn có thể bảo tồn nếu con người thay đổi hành vi của mình.

Người ta chỉ tạm dừng đánh bắt trong một thời gian ngắn đầu mùa mưa cho cá sinh sôi thì phát triển được lượng cá mới rất nhiều. Hay họ bỏ đi cái xuyệt điện và không sử dụng mắt lưới nhỏ để cơ hội cho cá con lớn lên, tiếp tục sinh sôi...

Nếu không, mai này chẳng cần đâu xa, chính lứa con cháu miền Tây nghe kể chuyện cá tôm quê mình sẽ như chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa...

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại