Ngày làm 'nhà sư', tối đi mua dâm

Không hiếm những người sáng đi ăn xin, tối về ăn mặc đắt tiền, lui tới những nhà hàng, quán bar sang trọng.

Một hiện tượng đã cũ, lặp đi lặp lại và tốn nhiều giấy mực của báo chí, nhưng hầu như chưa được ngăn chặn. Và để kết tội những đối tượng này không phải là chuyện đơn giản.

Nghề sư giả cũng lắm công phu

Có rất nhiều cách để những phần tử này tiếp cận lòng kính ngưỡng của người dân. Trong Nam hay ngoài Bắc cũng vậy, khi thì với bộ quần áo nâu sồng, khi thì với bộ y vàng thanh thoát. Với rất nhiều lý do như: xin kinh phí xây dựng chùa cảnh, bán hương để phụ thêm chi tiêu cho sư trụ trì,...nhưng phổ biến nhất vẫn là việc giả sư đi dự lễ trai tăng, đi khất thực.

Ghi nhận tại TP.HCM, từ sau Tết, người ăn xin ở khắp nơi vào TP.HCM hành nghề. Nhiều tuyến đường ở huyện Hóc Môn, quận 12,…gần đây xuất hiện đông trẻ em được cha mẹ hoặc các đối tượng chăn dắt đưa ra các ngã tư để xin tiền. Người ăn xin còn len vào cổng chùa, chợ… Đặc biệt, sư giả tái xuất, tụ tập thành nhóm xuống đường khất thực, xin bố thí.

Một ngày theo chân những vị sư giả này mới thấy nghề sư giả cũng lắm công phu. Những kẻ ăn mày giả, sư giả này đều khá kín kẽ, thủ đoạn tinh vi khiến chúng hiếm khi bị phát hiện, vạch trần. Chọn những đường đi lắt léo, trải qua nhiều chặng từ xe máy đến xe đò, xe bus, kín đáo thay đổi phục trang và kĩ thuật hóa trang điêu luyện đã khiến những kẻ giả mạo này hầu hết tránh được con mắt của người dân, và cũng hầu hết chưa có tố cáo nào từ dân, nên xử lý của chính quyền đối với các đối tượng này cũng gần như chưa có bao nhiêu.

Bất cứ ở đâu, hễ “đánh hơi” được chùa, tự viện hay tịnh thất nào có lễ trai tăng là “sư” có mặt. Còn trên các con đường thì hình ảnh ung dung, với những bước chân chậm rãi của sư giả lại rất dễ...ghi điểm với người đi đường.

Băng nhóm chuyên giả các nhà sư để ăn xin bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội. (Ảnh PLVN)

Băng nhóm chuyên giả các nhà sư để ăn xin bị đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội. (Ảnh PLVN)

Với những kẻ hành nghề... giả sư này, thì việc đầu tư và “hi sinh” cần thiết nhất là bỏ đi mái tóc của mình, còn quần áo thì ai mà chẳng phải mặc. Chỉ bỏ ra một khoản tiền nho nhỏ và duy nhất, không tốn chút sức lực, không phải tính toán về rủi ro, rồi thu về khoản “lời” gấp mấy lần thì xem ra nghề giả sư này là một nghề thời thượng.

Ngày đóng giả sư, tối đi mua dâm

Đáng nói, số tiền kiếm được của những kẻ giả danh này có thể nói là "khủng".

Tưởng chừng những đồng tiền công đức vài nghìn đồng chẳng đáng là bao nhiêu nhưng có chứng kiến cảnh đội quân sư “biến” tiền lẻ thành tiền có mệnh giá lớn ở các chợ mới thấy “thu nhập” của họ khủng ra sao. Theo điều tra, một ngày trong bộ dạng giả sư thì số tiền mỗi người thu được có thể lên đến tiền triệu…Nhiều điều tra từ báo chí đã cho thấy, thu nhập của những kẻ ăn xin giả danh này ở mức trên dưới 30 triệu đồng/ tháng.

Bởi thế mới có chuyện, không hiếm những người sáng đi ăn xin, tối về ăn mặc đắt tiền, lui tới những nhà hàng, quán bar sang trọng, hay dư giả để sắm mỗi tháng vài chỉ vàng cất để dành...

Mới đây, đầu tháng 2/2014, nhóm phóng viên Thanh Niên đã đột kích và ghi nhận được một nhóm sư giả chuyên hành nghề khất thực ở miền Tây, ngày đóng vai nhà sư, đi khất thực; tối đến những người này dùng tiền kiếm được đi mua dâm, bài bạc,…Điều đáng nói là, nhóm nhà sư này đã hành nghề sư giả nhiều năm nay.

Kết tội sư giả, ăn mày giả thế nào?

Đối tượng hành nghề sư giả thì muôn vàn, nhưng điểm lại đa phần là những kẻ lười lao động, giang hồ và cờ bạc. Tại sao họ lại chọn công việc... giả sư này, mà không phải là giả một nghề khác? Câu trả lời đơn giản: Giả sư là một nghề “hot”, luật lao động không quy định, không có nhà chức trách quản lý, không phải nộp thuế thu nhập,… cho đến chính Ban Tăng sự Trung ương giáo hội cũng chưa có giải pháp nào hữu hiệu để bài trừ tệ nạn nhức nhối này.

Về những hành vi nói trên, theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Văn phòng LS Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn LS TP.HCM phân tích trên PLVN: “Truyền thống đạo đức của người Việt Nam là “lá lành đùm lá rách” nên khi gặp những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì nhiều người sẽ không ngại ngần góp chút tiền để giúp đỡ họ qua cơn khốn khó. Đây là điểm mà những người xấu khai thác để lợi dụng.

Hành vi giả nghèo, giả khổ hoặc tự hủy hoại bản thân, lợi dụng lòng thương người để xin tiền hiện nay pháp luật chưa có quy định xử lý cụ thể. Hành vi này xuất phát từ bản thân người đi xin, có khi người cho tiền vì thấy thương nên cho chứ giữa người ăn xin và người cho không có bất cứ một sự giao tiếp nào.

Người ăn xin trong những trường hợp như vậy có sự gian dối nhưng hành vi này chưa thể kết luận là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 139, điều 140 của Bộ luật Hình sự được.

Hiện tại pháp luật chỉ quy định xử phạt vi phạm hành chính hành vi tổ chức, ép buộc trẻ em đi xin ăn; cho thuê, mượn trẻ em hoặc sử dụng trẻ em để xin ăn với mức từ 10 đến 15 triệu đồng theo khoản 3 điều 27 nghị định số 144/2013/NĐ-CP.

Trường hợp, người ăn xin giả danh người của tổ chức từ thiện bằng cách giả văn bản ủy quyền để quyên góp tiền rồi chiếm đoạt dùng cho cá nhân hoặc giả nhà sư lừa dối người khác bằng cách nhận tài sản của người khác để “làm phép” rồi chiếm đoạt luôn thì có thể cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, cũng đã có nhiều trường hợp khác là sư giả đi bán tượng, bán vòng ngọc có “phép”, được “ấn” dụ dỗ người khác mua để gặp may mắn, thì hành vi này có thể cấu thành tội Lừa đảo.

Và, một điều khác quan trọng hơn, đó là những kẻ giả danh lừa gạt nói trên đã khiến lòng tin và tình thương của con người ngày càng mai một đi vì những đề phòng... Bởi, với những hành vi “bán đạo đức, bán sỹ diện giá rẻ” kiểu như vậy thì đến một lúc lòng trắc ẩn của con người sẽ gần như không còn và đến lúc này thì những mảnh đời bất hạnh sẽ càng bất hạnh thêm”.

Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Phó ban Thường trực BTS Thành hội Phật giáo TP.HCM, khẳng định:

“Việc khất thực của nhà sư gần như không còn, cũng không được cấp phép từ sau năm 1975. Những người mặc áo nâu sồng, hay khoác trên mình bộ y vàng, đi ngoài đường để xin tiền hiện nay đều là sư giả. Phật tử muốn làm từ thiện thì nên tới chùa, hoặc tham gia quyên góp vào các tổ chức từ thiện, các chương trình vì người nghèo….

Tuyệt đối không cho tiền những người khất thực ngoài đường, làm như vậy là tạo cơ hội cho những kẻ lười lao động mượn danh nghĩa nhà chùa đi làm những chuyện trái với tư tưởng của nhà Phật”. (Theo Giác ngộ)

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại