Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, ngày 2-11 Phòng giáo dục - đào tạo TP Châu Đốc có văn bản 1192, do trưởng phòng Nguyễn Thị Hồng Loan ký, gửi hiệu trưởng các trường trực thuộc ở Châu Đốc.
Theo văn bản này, sau khi nhận được công văn 3018 ngày 30-10-2015 của UBND TP Châu Đốc và công văn 574 ngày 16-10 của Sở Thông tin - truyền thông về việc sử dụng mạng xã hội và cung cấp thông tin trên mạng xã hội, bà Loan đề nghị hiệu trưởng các trường trực thuộc triển khai đến tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trong toàn đơn vị tinh thần của hai công văn trên.
Văn bản của Phòng GD-ĐT Châu Đốc
Theo đó, khi tham gia mạng xã hội nghiêm cấm các cá nhân bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, phản động, chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác.
Tổ chức kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức không được sử dụng giờ hành chính lên mạng xã hội phục vụ nhu cầu giải trí cá nhân.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Loan cho biết phòng không cấm giáo viên, học sinh sử dụng Facebook, bởi đó là quyền tự do cá nhân của mỗi người.
Tuy nhiên, sau khi có công văn chỉ đạo của UBND TP và Sở Thông tin - truyền thông, đồng thời thấy gần đây một số cá nhân vi phạm khi sử dụng Facebook nên phòng có văn bản lưu ý, nhắc nhở nhằm tránh việc vi phạm các quy định khi sử dụng mạng xã hội, cũng như làm ảnh hưởng uy tín người khác.
“Văn bản này nhắc nhở cán bộ, giáo viên, nhất là học sinh cần cẩn trọng khi đưa thông tin lên mạng xã hội.
Việc cấm sử dụng giờ hành chính lên mạng xã hội phục vụ nhu cầu giải trí cá nhân cũng nhằm tập trung cho công việc, đạt hiệu quả tốt khi làm việc” - bà Loan giải thích.
Khi chúng tôi hỏi ngoài Phòng giáo dục - đào tạo Châu Đốc, đã có phòng giáo dục huyện thị thành nào trong tỉnh có ra văn bản tương tự, văn phòng Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh An Giang cho biết là… chưa nắm rõ.
Trong khi đó, nói về công văn 574 ngày 16-10 của Sở Thông tin - truyền thông, ông Trần Thanh Tâm, phó giám đốc sở, cho biết công văn này không chỉ gửi cho ngành giáo dục mà cho nhiều cơ quan, đơn vị, ban ngành thuộc Nhà nước.
Điều đó nhằm tránh việc sử dụng giờ hành chính cho việc khác, tăng hiệu quả làm việc, đồng thời chấn chỉnh, ngăn ngừa việc đưa và chia sẻ thông tin lệch lạc, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân, các tổ chức khác mà còn ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách, chủ trương của Nhà nước…
“Việc đó giúp cán bộ, công chức, viên chức… sử dụng mạng xã hội đúng quy định, không vi phạm pháp luật” - ông Tâm nói.
Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn luật sư Hà Nội):
Văn bản vi phạm Hiến pháp
Văn bản 1192 của Phòng giáo dục - đào tạo Châu Đốc với nội dung nghiêm cấm các cá nhân bình luận, thích (like), chia sẻ (share), đăng nội dung các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách, chính trị, tôn giáo, phản động, chống phá chính quyền, làm ảnh hưởng uy tín cá nhân người khác.
Theo tôi, với nội dung cấm này đã vi phạm về quyền tự do ngôn luận, quyền tự do thông tin, một trong những quyền cơ bản của con người đã được quy định trong Hiến pháp 2013.
Tôi cho rằng việc bình luận, chia sẻ hoàn toàn là quyền của mỗi công dân, nếu chính quyền, cơ quan chức năng sòng phẳng thì nên để cho người ta nói thoải mái, nếu không đồng tình thì có thể nói lại hoặc sửa chứ không thể ra công văn cấm như vậy.
Nếu có việc nói xấu, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự cá nhân thì nặng sẽ bị xử lý về hình sự, nhẹ thì xử lý về hành chính, thậm chí nếu gây thiệt hại ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tổ chức thì người ta có quyền kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường chứ không phải là việc can thiệp của các cơ quan chính quyền.
H.ĐIỆP ghi