> Kỳ 1: Vụ án 18 phu vàng rúng động Quảng Nam: Tìm lại nhân chứng
> Kỳ 2: Bí mật mỏ vàng huyện Giằng và sự tàn độc của nhóm cướp cạn
> Kỳ 3: Cái chết thảm của 18 phu vàng và sự trốn thoát kỳ diệu
> Kỳ 4: Sự biệt tích bí ẩn của nhân chứng duy nhất vụ giết 18 người ở QN
LTS: Để thay đổi những tập tục lạc hậu của một số đồng bào dân tộc thiểu số, là hành trình đầy nỗ lực và gian khó, của các cấp chính quyền.
Kể lại câu chuyện rúng động ở Quảng Nam mấy chục năm về trước, để thấy ngày hôm nay, những vùng sâu, xa đã có những bước tiến dài như thế nào cả về vật chất lẫn tinh thần.
Nỗi sợ hãi mang tên “đuổi cùng giết tận”
Lần tìm mãi mà chẳng thấy dấu tích gì của ông Hòa, nhiều người đã nghĩ ông Hòa không còn tồn tại trên cõi đời này nữa. Thậm chí, có người còn tin rằng ông Hòa đã bị sát hại và là nạn nhân thứ 19 cho cuộc “đòi nợ” khủng khiếp của những người Cơ Tu.
Thế nhưng, cách đây hơn 1 năm, khi về xã Tiên Lộc (Tiên Phước) công tác, trong câu chuyện trà dư tửu hậu, một phóng viên trẻ thường trú ở Quảng Nam đã tình cờ được cán bộ xã kể lại câu chuyện “săn người” hãi hùng trên.
Và, vị cán bộ xã ấy còn khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, “kẻ thứ 19” ấy chính là một con dân của đất này.
Tuy nhiên, người may mắn sống sót ấy lại có tên là Sơn chứ không phải là Hòa. Và hiện tại, người đàn ông này đã không còn ở quê nữa, anh phiêu bạt nơi nào thì chính quyền không nắm rõ.
Bán tính bán nghi, phóng viên đó đã tìm đến nhà người có tên là Sơn ấy. Và, thật bất ngờ, người nhà ông Sơn khẳng định, ông Sơn chính là Hòa.
Cái tên Nguyễn Văn Hòa là tên trên giấy tờ, còn tên Sơn thì được mọi người thường gọi. Điều này lý giải tại sao, trước đây, khi đi tìm “đầu người thứ 19”, hỏi tên Nguyễn Văn Hòa thì mọi người đều đây đẩy nói ở đất này không ai có cái tên như thế.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Hòa trong một buổi chiều muộn. Gặp chúng tôi, ông Hòa tỏ ra chẳng mấy mặn mà. Ông bảo, chuyện hãi hùng trên ông muốn đào sâu chôn chặt, cứ khi nào nhắc đến là ông lại có vài ngày sống trong bồn chồn, lo sợ.
Sau vụ thảm án trên, ông Hòa đã có nhiều ngày sống trong sợ hãi.
Ông Hòa bảo, trước đây, dù những người gây ra vụ thảm án đã bị bỏ tù nhưng suốt một thời gian dài, ông cứ sống trong nơm nớp. Ông sợ những người đóng khố ấy tìm đến nơi ông ở để truy sát tới cùng.
Có lẽ, nỗi sợ hãi đó đã ám ảnh ông suốt bao năm nên giờ nhắc lại chuyện cũ ông lại thấy trong lòng thấp thỏm, hoang mang.
Cũng theo ông Hòa, bởi nỗi sợ hãi bị “truy sát tới cùng” ấy mà khi vụ án trên được đưa ra xét xử ít lâu, ông đã khăn gói vào miền Nam để làm thuê kiếm sống.
Ông mưu sinh bằng đủ nghề, lang bạt ở khắp mọi nơi. Khi các phóng viên tìm thấy tung tích thì ông đang làm thuê ở mãi cuối đất Cà Mau.
Nhắc lại vụ thảm án kinh hoàng trên, ông Hòa bảo, trong đời, dù có là ác mộng thì ông cũng không thể hình dung ra được những cảnh tượng ghê rợn mà mình từng phải chứng kiến.
“Họ ra tay kinh hãi quá! Nếu không có sức mạnh sinh tồn thì có lẽ tôi đã chết ngất khi thấy cảnh tượng đó”, ông Hòa bắt đầu câu chuyện.
Không thể nào quên
Ông Hòa kể, ngày đó, như nhiều người khác, ông cũng bị cuốn vào cơn lốc vàng sa khoáng. Trước khi tìm tới bãi vàng ở xã Tà Pơơ, ông cũng đã từng đi đào vàng ở Bắc Trà My.
Nghe người ta đồn thổi ở huyện Giằng đã nhiều người đổi đời vì trúng vàng, ông đã tụ hợp mấy thanh niên trong xã hành quân đến miền đất hứa.
Chuyến đi ấy nhóm của ông Hòa có cả thảy 7 người. Ngoài ông còn có Trần Văn Đắc (16 tuổi), Hoàng Ngọc Tấn (17 tuổi), Nguyễn Xuân Tuấn (21 tuổi), Nguyễn Văn Hùng (25 tuổi), Nguyễn Văn Hương (16 tuổi), Lê Văn Chính (19 tuổi) đều ở huyện Tiên Phước.
Đi ô tô đến huyện Đại Lộc nhóm phu vàng trên phải luồn rừng, vượt sông để tới nơi có vàng. Theo đó, khi đến ngã ba Vương, nơi giao nhau giữa sông Bung và sông Ốc thì nhóm của ông Hòa quyết định hạ trại.
Tại đây, họ tìm vàng bằng phương pháp thủ công. Cũng tại đây, nhóm của ông Hòa đã kết thân với một nhóm gồm 13 phu vàng khác đến từ huyện Đại Lộc và Tam Kỳ (Quảng Nam).
Ông Hòa kể, ngày ấy rừng Tà Pơơ có nhiều thú dữ, lại thêm chuyện thảo khấu hoành hành nên các nhóm vàng thường hợp lại với nhau để bảo đảm an toàn.
Khi cuộc khai thác bắt đầu có kết quả thì chuyện đau đớn trên xảy đến. Ông Hòa kể, đó là ngày 12/10/1986. “Ngày này tôi không bao giờ quên được. Dù ở bất cứ nơi đâu thì đến ngày này tôi vẫn thắp hương để tưởng nhớ những người bạn xấu số”, ông Hòa xúc động.
Theo hồi tưởng của người đàn ông may mắn thoát chết này thì trước đó hai hôm, trưa ngày 10/10, khi mọi người đang chuẩn bị ăn cơm thì có một người ông lạ mặt phóng ghe tạt vào lán của ông xin cơm.
Người đàn ông ấy trông vẻ mặt dữ tợn và hành vi mờ ám. Nhồi vội vàng bát cơm mà nhóm ông Hòa nhường cho, người đàn ông ấy lại phóng vội xuống ghe. Trước khi mất dạng, người đàn ông này đã bảo “về ngay đi, dọn lán đi đi, người Cơ Tu sẽ đuổi tới”.
Nghe người đàn ông này nói vậy, nhóm của ông Hòa chẳng hiểu chuyện gì. Nghĩ mình chẳng làm gì nên tội nên sau khi bàn bạc với nhau nhóm của ông Hòa vẫn quyết định làm việc bình thường.
Sau này, khi vụ án được làm sáng tỏ, ông Hòa mới biết người đàn ông ấy chính là Hồ Văn Dũng, kẻ đã ra tay sát hại thầy giáo A Lung Nờ.
Nhóm của ông Hòa khi ấy có 20 người. Nói về sự may mắn thì ông Nguyễn Văn Hương, người cùng huyện với ông Hòa là người may mắn nhất.
Ngay chiều ấy, không biết vì đâu mà ông Hương bị đau bụng dữ dội. Sợ ông Hương bị bệnh gì đó nên mọi người đã động viên ông Hương về nhà chạy chữa, khi nào khỏi thì lên làm tiếp.
Ông Hương được đưa ra bến thuyền xuôi về Đại Lộc. Theo ông Hòa, ông Hương giờ cũng đang phiêu bạt làm thuê ở miền Nam chẳng mấy khi về thăm quê cũ.
Sáng hôm sau, khi vừa ăn sáng xong, đang chuẩn bị xuống bãi làm thì nhóm của ông Hòa bị những người Cơ Tu vây hãm. “Họ như những bóng ma vậy, họ đến ngay sát mà chúng tôi chẳng ai hay biết”, ông Hòa kể.
“Họ nói họ nghi chúng tôi là thổ phỉ rồi đọc lệnh bắt giữ. Họ nó đúng sai thì cứ về ủy ban để trình diện”, ông Hòa nhớ lại. Nghĩ mình chỉ là bị vu oan, cứ theo họ về thì mọi chuyện sẽ được làm sáng tỏ nên nhóm của ông Hòa đã đồng ý cho những người Cơ Tu ấy trói.
Như đã nói, sau 2 ngày 1 đêm luồn rừng, nhóm của ông Hòa và đã được dẫn tới một quả đồi ngay gần với thôn Vinh. Khi bị đưa lên đây thì ông Hòa đã linh tính có chuyện chẳng lành sắp xảy đến với mình.
“Nếu họ muốn đưa chúng tôi về ủy ban thì họ phải đi đường khác chứ không dắt ngược lên đồi đó”, ông Hòa nhớ lại.
Lên đỉnh đồi, mọi người được lệnh dừng lại. Khi mọi người còn chưa hết mệt thì những tiếng súng xé tai đã liên tiếp vang lên. “Khi ấy tôi chẳng còn kịp nghĩ ngợi gì nữa. Tôi phóng vào bụi cây trước mặt theo phản xạ tự nhiên thôi”, ông Hòa hãi hùng nhớ lại.
Một vài người trong nhóm của ông Hòa cũng vùng chạy. Thế nhưng, chỉ vùng ra được vài mét là họ lại đổ xuống sau những loạt đạn điên cuồng.
Chạy được đến quả đồi đối diện, ông Hòa vẫn thấy chân tay mình run bần bật. Tuy nhiên, phản xạ sinh tồn, ông đã không có thời gian để mà sợ hãi.
Trốn chạy thần chết
Chạy về phía bản làng của người Cơ Tu thì chắc chắn sẽ bị bắt và bị hành hình thế nên ông Hòa đã phóng thẳng vào rừng. Một điều may mắn nữa đến với ông là khi bị trói lật cánh gà thì ông đang mặc áo dài tay.
Khi chạy được một quãng đường khá dài ông mới dám dừng lại nghỉ. Lột áo tả tơi vì bị gai rừng cào xé, ông Hòa đã tự cởi được trói cho mình.
Cởi trói xong, ông Hòa lại cắm đầu chạy. Ban ngày thì ông chạy trên rừng, khi tối, để tránh thú dữ, ông chạy dưới suối. Bằng kinh nghiệm, ông Hòa biết cứ lội xuôi theo dòng suối thì thế nào cũng tìm được đường ra.
Những khi đói khát ông Hòa tìm củ quả, lá rừng để cầm hơi. Sau 5 đêm, 4 ngày thì ông lần tới được trụ sở công an huyện Giằng. Lết chân tới cổng thì ông Hòa ngất xỉu bởi kiệt sức.
Sau nhiều năm bôn ba tứ xứ làm thuê, cuộc sống của ông Hòa đến giờ mới tạm ổn định.
Ông Hòa kể, nhận tin báo của ông, Công an huyện Giằng, Công an tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng đã ngay lập tức vào cuộc điều tra.
“Đó là vụ án gây bàng hoàng dư luận khi đó. Tôi được đưa về công an tỉnh để phục vụ công tác điều tra và mãi đến tháng 4 năm sau tôi mới được cho về”, ông Hòa kể.
Sau này, tại phiên tòa xét xử vụ án săn máu rúng động trên ông Hòa mới biết là mình đã bị những người Cơ Tu săn lùng sau khi biết ông trốn thoát.
Theo lời kể của họ thì đã có nhiều lúc họ phát hiện ra dấu vết của ông. Ông Hòa bảo, chỉ có sự may mắn mới giúp ông thoát khỏi sự truy lùng kinh hãi ấy.