Các hộ kinh doanh đầu tư khoảng 40 tỷ đồng cho Zone 9
Sau vụ hỏa hoạn gây ra thương vong quá lớn làm 6 người bị chết, Zone 9 (số 9 Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã chính thức hoạt động trở lại. Tuy nhiên, không khí kinh doanh, buôn bán tại đây cho tới giờ phút này vẫn khá vắng vẻ. “Chợ nghệ thuật” càng đìu hiu hơn khi UBND thành phố Hà Nội mới đây đã yêu cầu “chấm dứt” các hoạt động kinh doanh, cải tạo, sửa chữa tại khu vực trên.
34 doanh nghiệp, công ty và 24 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động tại đây đều thấp thỏm như “ngồi trên đống lửa”.
Chị Giang Trang, bà chủ nhỏ của tiệm Barbetta – một trong những người đầu tiên gắn bó với Zone 9 từ những ngày khai phá, cho biết, vợ chồng chị quyết định đầu tư tại đây khi Zone 9 còn là một đống đổ nát, trống trơn, hoang tàn và đầy rác rưởi.
“Khi chúng tôi tới, khu này lúc đó không có điện, không có nước, vệ sinh xung quanh rất bẩn, vì vậy, gần 70 đơn vị bao gồm cả công ty và tư nhân đã bắt tay với Công ty TNHH Tư vấn Bất động sản Thành Đạt (Công ty Thành Đạt) liên doanh, liên kết cùng khai thác khu vực này”, chị Trang nhấn mạnh.
Theo đó, hợp đồng giữa 2 bên thực chất là thỏa thuận hợp tác “đôi bên cùng có lợi”. Mỗi hộ kinh doanh chỉ cần đặt cọc một khoản tiền, tùy vào từng diện tích để thể hiện thiện chí hợp tác với Công ty Thành Đạt. Hợp đồng có thời hạn 3 năm, đa phần các hộ kinh doanh đều ký vào khoảng thời gian cách đây nửa năm, từ tháng 4 tới tháng 6 năm 2013.
Mỗi hộ sẽ phải bỏ ra số tiền đặt cọc khoảng vài chục đến vài trăm triệu đồng, tùy từng hợp đồng. “Sau này, khi nào có lãi, tùy vào tình hình kinh doanh, mới tiếp tục tính tiếp tới câu chuyện chia lợi nhuận”, chị Trang nói.
Hiện tại, theo chia sẻ của các hộ kinh doanh tại đây, họ đều đang trong giai đoạn cải tạo lại khu đất để đi vào ổn định và thu hồi vốn, chứ chưa có lời. Để vận hành cửa hàng, trước đó, các hộ kinh doanh phải bỏ ra khá nhiều công sức lẫn tiền bạc.
“Khi chúng tôi chuyển tới đây, khu này còn hoang tàn và đầy rác. Tạm tính toàn khu, số tiền bỏ ra ngót nghét khoảng 40 tỷ đồng. Bởi hầu hết các gian hàng ở đây đa phần trên 100 m2. Chỉ tính riêng một quán cà phê 40m2, đã phải bỏ ra hơn 500 triệu đồng để mua vật liệu, đầu tư về cơ sở hạ tầng, chưa kể tiền thiết kế, tư vấn đã được các họa sĩ quanh đây làm miễn phí”, ông Nguyễn Thế Truyền, luật sư – Giám đốc công ty luật Thiên Thanh, người có văn phòng đang hoạt động tại khu đất Zone 9 nhẩm tính.
Ai sẽ bồi thường cho các hộ kinh doanh nếu Zone 9 đóng cửa?
Vì vậy, nếu kịch bản “Zone 9 đóng cửa” diễn ra, theo chị Trang, nếu có bồi thường thì Công ty Cổ phần Phát triển Tiến Bộ - đơn vị đã thay mặt cho các chủ đất ở đây đứng ra ủy quyền cho Công ty Thành Đạt khai thác khu đất này, sẽ phải chịu trách nhiệm.
“Công ty Thành Đạt và chúng tôi - các hộ kinh doanh ở đây đều là một, đều không mong muốn Zone 9 đóng cửa. Còn đằng sau Công ty Tiến Bộ là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Bình An hay Ocean Bank hoặc đơn vị nào khác thì chúng tôi không biết được”, chị Trang cho hay.
Cũng đồng tình với quan điểm của chị Trang, ông Nguyễn Thế Truyền nhận định: “Đây là việc hợp tác khai thác mặt bằng giữa các hộ kinh doanh và Công ty Thành Đạt. Trước khi ký hợp đồng, Công ty Thành Đạt đã thông báo trước với chúng tôi rằng: Đây là khu đất đang bị bỏ trống và thời gian tận dụng là 3 năm. Tất cả mọi hộ kinh doanh đều chấp nhận điều đó và cùng quyết tâm đầu tư làm trong 3 năm”.
Chính vì vậy, nếu Zone 9 đóng cửa, trách nhiệm quy cho Công ty Thành Đạt, theo ông Truyền là “rất vô lý” vì Công ty Thành Đạt cũng là nạn nhân.
Bởi theo pháp lý, “đơn vị cho thuê mặt bằng Zone 9 phải là người có quyền sử dụng và quyền sở hữu khu đất này nhưng Công ty Thành Đạt chỉ là đơn vị đứng ra giao khai thác” – ông Truyền nói.
Do đó, việc ai phải chịu trách nhiệm với các hộ kinh doanh nếu Zone 9 đóng cửa, theo ông Truyền, “nói ra lúc này là quy kết hơi sớm. Vì hiện tại vẫn chưa có quyết định nào về việc đóng cửa, mới chỉ là ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội gửi đến UBND quận Hai Bà Trưng về việc đề nghị rà soát, làm rõ trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, còn việc tạm dừng kinh doanh, sửa chữa với Công ty Bình An, chứ không phải đối với các hộ ở Zone 9”.
Trước đó, như chúng tôi đã đưa tin, khu đất số 9 Trần Thánh Tông nói trên có diện tích 11.227 m2 do Công ty Đầu tư Phát triển Bình An (Công ty Bình An) đang quản lý sau khi “tiếp nhận” từ Công ty Dược phẩm Trung ương 2 từ tháng 10/2012. Thành phố Hà Nội đã có văn bản chấp thuận chủ trương cho Công ty Bình An làm chủ đầu tư, lập và triển khai tổ hợp dự án văn phòng làm việc, trung tâm thương mại và nhà ở tại khu đất số 9 Trần Thánh Tông.
Sau đó, cơ quan chức năng của Hà Nội đã có sự chấp thuận điều chỉnh quy hoạch cục bộ và chuyển đổi chức năng sử dụng đất làm tổ hợp văn phòng và trung tâm trưng bày giới thiệu sản phẩm.
Tuy nhiên, đến tháng 8/2013, Công ty Bình An đã ký một bản hợp đồng và giao toàn bộ quyền quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất với Công ty Cổ phần Phát triển Tiến Bộ với thời hạn đến 28/2/2014. Theo báo cáo của Công ty Bình An, từ tháng 8/2013, Bình An đã ký một hợp đồng giao toàn bộ quyền quản lý, sử dụng đất và tài sản trên đất với Công ty Cổ phần Phát triển Tiến Bộ với thời hạn đến 28/2/2014.
Sau đó, Công ty Tiến Bộ lại tiếp tục ký một bản hợp đồng tương tự để giao lại khu đất trên cho Công ty TNHH Tư vấn bất động sản Thành Đạt để quản lý và sử dụng. Trên cơ sở hợp đồng này, Công ty Thành Đạt đã tiếp tục cho một số hộ cá thể thuê lại và kinh doanh.