Trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng ngày 21-2 đã kết luận là sẽ đề nghị Quốc hội tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn.
Việc tạm dừng này thực hiện theo ý kiến của Bộ Chính trị tại thông báo số 149 ngày 20-12-2013. Theo đó, Bộ Chính trị đề nghị tạm dừng tổ chức lấy phiếu tại kỳ họp đầu năm để tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị quyết 35 của Quốc hội.
Nên sửa thành tín nhiệm và không tín nhiệm.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa khóa 11 và 12 cho rằng, việc đề nghị Quốc hội tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 là hoàn toàn đúng đắn.
"Theo tôi, việc tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm trong kỳ họp sắp tới là chính xác bởi vì, qua lần lấy phiếu năm 2013 đã bộc lộ nhiều điểm không phù hợp. Ngay khi có văn bản dự thảo về lấy phiếu tín nhiệm tôi đã từng trả lời và cho rằng, việc lấy phiếu rồi bỏ phiếu tạo ra sự nhiêu khê, đồng thời rộng quá, mang tính chất cào bằng tất cả các đối tượng do quốc hội bầu, phê chuẩn.
Chính vì thế, việc lấy phiếu sẽ không đạt được mục đích đề ra và dường như còn làm hạn chế tác dụng.
Thực tế, việc lấy phiếu tín nhiệm dư luận rất đồng tình, hoan nghênh. Tuy nhiên, sau đó, kết quả không phản ánh một cách rõ ràng, minh bạch về các đối tượng. Ví dụ, đối tượng bên cơ quan Quốc hội hay Hội đồng nhân dân thì số phiếu tín nhiệm đạt cao, trong khi, bên hành pháp, đặc biệt là các lĩnh vực có nhiều vấn đề nhạy cảm thì mức tín nhiệm thấp lại cao.
Điều đó, cũng thể hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và không tạo nên được sự chuẩn xác.
Do vậy, nếu tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm vào dịp tháng 5/2014 tới đây thì sẽ là liều thuốc phản tác dụng và không đem lại hiệu quả gì, chưa kể đến sự nhàm chán, kéo theo làm giảm hiệu lực, uy tín của Quốc hội...", ông Cuông cho hay.
Về hình thức bỏ phiếu ở những lần tiếp sau, ông Cuôngnêu ý kiến: "Trong quá trình sửa chữa lại cho phù hợp, theo tôi nên bỏ ba mức như trước đây là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp thành tín nhiệm và không tín nhiệm.
Thêm vào đó, đối tượng bỏ phiếu tín nhiệm, theo tôi, tốt nhất là chỉ nên dừng lại ở các chức danh thuộc Chính phủ còn các cơ quan lập pháp, tư pháp thì không lấy. Bởi lẽ, các cơ quan lập pháp, tư pháp làm việc theo chế độ tập thể chứ ít mang dấu ấn cá nhân nhiều như các Bộ trưởng hay Thủ tướng...
Theo tôi cũng không nên dùng lấy phiếu tín nhiệm 2 năm rồi mới bỏ phiếu mà nên bỏ phiếu luôn hàng năm. Nếu như những đối tượng nào dưới 50% phiếu thì các cơ quan có trách nhiệm xem xét, trong trường hợp những lá phiếu không tín nhiệm đó khách quan, đúng, có những vấn đề cần phải thay thế, luân chuyển khỏi vị trí đó thì cần đưa ra Quốc hội để quyết.
Một điều nữa, tôi thấy cũng cần phải xem xét sửa đổi đó là, nếu có từ 5% số đại biểu quốc hội hoặc các cơ quan của quốc hội đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm thì tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chứ không nên là 20% bởi như thế thì đông và rất khó.
Và cũng có thể Quốc hội nên xem xét việc bỏ phiếu tín nhiệm ngay đối với chính các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ được chọn ra để chất vấn tại các kỳ họp.
Nếu làm được những điều như thế này, chắc chắn sẽ tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tăng cường lòng tin của cử tri đối với Quốc hội".
Sự trì hoãn cần thiết
Đồng quan điểm đó, nhà thơ Vũ Quần Phương, Nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa IX cũng bày tỏ, việc Quốc hội tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm trong năm 2014 là một sự trì hoãn cần thiết.
Nhà thơ Vũ Quần Phương phân tích: Việc Quốc hội tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm trong năm 2014 để sửa đổi các điều kiện thăm dò là hợp lý. Bởi việc thăm dò được thực hiện trong lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua không đưa lại được những dữ liệu phản ánh chính xác...
Thí dụ, cả ở ba tiêu chí được đưa ra trong lấy phiếu tín nhiệm là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp. Nghĩa là đều nằm trong diện tín nhiệm cả. Chắc đâu. Không ai lại thăm dò vơ vào như vậy cả mà theo tôi là nên để ra ba mức là tín nhiệm, không tín nhiệm và không có ý kiến. Phiếu trắng cũng là một thái độ của người tham gia bỏ phiếu.
Do đó, cần phải giao cho một bộ phận nghiên cứu để sửa chữa nhanh, sao cho khoa học, trung thực thuyết phục.
Mặt khác, khi đánh giá kết quả cần phải có cái nhìn biện chứng để rút ra những kết luận xác đáng, phản ánh đúng thực tiễn. Con số kết quả phụ thuộc vào bối cảnh thăm dò,đối tượng thăm dò... (ví như bên lập pháp, tư pháp, hành pháp sẽ có những kết quả chênh lệch nhau đến giật mình mà chỉ do mức độ trực tiếp với người dân là khác nhau...Nhìn nhận sao cho thỏa đáng, khoa học thì mới có biện pháp sửa đổi phù hợp.
"Đây là một sự trì hoãn cần thiết, tuy nhiên, trì hoãn thôi chứ không nên tìm cách xóa bỏ lấy phiếu tín nhiệm. Xóa bỏ là thoái bộ, là không bản lĩnh trực diện cầm gương soi khuôn mặt của mình. Đây là một điều rất cần thiết để thấy, mức độ đánh giá của dân đối với những người lãnh đạo được Quốc hội bầu...", nhà thơ Vũ Quần Phương nhấn mạnh.