Chiều 12/12, Thường vụ Quốc hội bàn dự thảo hướng dẫn thi hành Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Thường trực Ủy ban pháp luật trình hai phương án xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Thứ nhất, việc xem xét miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức (nếu có) sẽ được tiến hành vào kỳ họp tiếp theo kỳ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm để bảo đảm thời gian chuẩn bị thủ tục liên quan đến nhân sự. Dự thảo Nghị quyết đang thể hiện theo ý kiến này.
Phương án thứ hai là không hướng dẫn về nội dung này. Thời điểm tiến hành các quy trình tiếp theo về bỏ phiếu tín nhiệm giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Thường trực HĐND trình Quốc hội hoặc HĐND quyết định để bảo đảm tính linh hoạt trong công tác tổ chức cán bộ, bố trí, điều chỉnh nhân sự.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, trước khi bỏ phiếu tín nhiệm đã phải chuẩn bị phương án thay thế cán bộ. Ảnh: N.Hưng
Ủy ban Pháp luật đề nghị Thường vụ Quốc hội kiến nghị với Ban Tổ chức trung ương Đảng và các cơ quan hữu quan nghiên cứu hướng dẫn, làm rõ hơn quy trình công tác cán bộ trong việc xử lý các trường hợp trên. Cụ thể là trách nhiệm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ của Đảng khi có người không đạt mức độ tín nhiệm cần thiết; trách nhiệm của người, cơ quan đã giới thiệu để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn người có tín nhiệm thấp; quy trình chuẩn bị nhân sự thay thế.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, đã lấy phiếu thì phải tính đến bỏ phiếu tín nhiệm. Khi bỏ phiếu thì phải phối hợp với Ban Tổ chức trung ương Đảng để chuẩn bị ngay người thay thế. "Đã làm tờ trình bỏ phiếu thì trong túi phải có ngay tờ trình để bầu luôn vào ngày hôm sau. Đưa ra bỏ phiếu ông A thì phải có ông B thay. Quyền lực phải liên tục", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ông Hùng nhấn mạnh, phải hướng dẫn cho đại biểu khi lấy phiếu, bỏ phiếu là với tư cách đại diện dân cử chứ không phải quyền cá nhân.
Theo Ủy ban Pháp luật, danh sách tất cả người được lấy phiếu tín nhiệm tại mỗi cấp kèm theo chức vụ và mức độ tín nhiệm của từng người sẽ được ghi chung trong một lá phiếu. Người được lấy phiếu tín nhiệm phải chuẩn bị báo cáo tự nhận xét về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn; tự nhận xét về việc tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kết quả đánh giá tín nhiệm thực hiện tại cơ quan nơi người được lấy phiếu công tác; giải trình về nội dung được nêu trong các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và theo yêu cầu của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND được gửi đến người được lấy phiếu trong năm công tác đó.
Theo Nghị quyết 35, Quốc hội và HĐND các cấp lấy phiếu tín nhiệm định kỳ vào kỳ họp thứ nhất, bắt đầu từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ. Riêng năm 2013, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thứ 5 (khoảng tháng 5/2013); HĐND các cấp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thường lệ đầu tiên trong năm (khoảng tháng 6-7/2013).
Việc hướng dẫn thi hành nghị quyết này sẽ tiếp tục được Ủy ban Thường vụ cho ý kiến tại phiên họp tới.